Giải pháp “hạ cánh mềm” của cổ đông sáng lập Sacombank

(ĐTCK) Một lãnh đạo cao cấp của Sacombank tiết lộ, đã có “chỉ đạo ngầm” trong Ngân hàng từ các cổ đông sáng lập về việc hợp tác với các nhân tố mới.
Giải pháp “hạ cánh mềm” của cổ đông sáng lập Sacombank

> Diễn biến cuộc chiến tại Sacombank

Trước đây, lĩnh vực ngân hàng thường được giới đầu tư quan tâm với các con số lợi nhuận hay nợ xấu, thì gần đây là câu chuyện mua bán, sáp nhập (M&A). Tiêu biểu và nóng hơn cả trong thời gian gần đây là “nghi án Sacombank bị thâu tóm”.  Tuy nhiên, nhiều diễn biến bên lề cho thấy câu chuyện đang đi đến hồi kết, mà ĐHCĐ Sacombank sắp tới với việc chuyển giao quyền lực chỉ còn  mang ý nghĩa thủ tục.

 Giải pháp “hạ cánh mềm” của cổ đông sáng lập Sacombank ảnh 1

Chuyển giao quyền lực êm thấm

Dự kiến ngày 12/5 tới, Ngân hàng Eximbank (EIB) sẽ tổ chức  ĐHCĐ thường niên năm 2012. Theo tài liệu dự họp được Eximbank công bố, nhân sự cao cấp của ngân hàng này sẽ có sự thay đổi khi ông Phạm Hữu Phú, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Eximbank được đề nghị miễn nhiệm tư cách thành viên, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Lý do được Eximbank giải thích trong tờ trình là HĐQT đã nhóm họp và thống nhất cử ông Phú là người đại diện 9,73% vốn cổ phần của Eximbank tại Ngân hàng Sacombank. Lãnh đạo này của Eximbank còn đại diện cho CTCP Đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu nắm trên 5% cổ phần có quyền biểu quyết tại Sacombank sẽ tham gia ứng cử thành viên HĐQT Sacombank nhằm thực hiện các quyền của cổ đông lớn.

Trong một động thái tương tự, tại ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng Phương Nam tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, “ông chủ” phía sau của ngân hàng này, ông Trầm Bê đã chính thức xin từ nhiệm chức Phó chủ tịch HĐQT. Lý do cũng để đảm nhận một ghế thành viên HĐQT tại Sacombank.

Cả hai sự chuyển động về nhân sự trên đang thu hút sự chú ý của giới tài chính, vì gắn liền với “nghi án Sacombank bị thâu tóm”. Câu chuyện âm ỉ gần một năm qua và bộc phát công khai từ giữa tháng 2 trở lại đây, thu hút sự chú ý đặc biệt của thị trường, vì lần đầu tiên một ngân hàng niêm yết với vốn điều lệ lớn đối diện với kịch bản bị thâu tóm công khai, một sự kiện chưa có trong lịch sử TTCK Việt Nam và gây rúng động trong giới lãnh đạo các CTCP.

Ngày 26/5 tới, Sacombank mới tổ chức ĐHCĐ thường niên, hiện các tờ trình tại đại hội chưa được công bố. Tuy nhiên, theo dõi các chuyển động về nhân sự cao cấp tại 2/7 tổ chức nội địa thuộc liên minh đang kiểm soát cổ phần quá bán tại Sacombank, giới phân tích cho rằng, câu chuyện sắp hạ màn và diễn tiến theo kịch bản “hạ cánh mềm” với các cổ đông sáng lập Sacombank, thay vì trạng thái đối đầu để giành giật ghế thành viên HĐQT.

Nguồn tin riêng của ĐTCK xác nhận điều này và tiết lộ, ĐHCĐ Sacombank sắp tới sẽ diễn ra trong bầu không khí “hòa bình”, do nhóm cổ đông lớn và nhóm cổ đông sáng lập Sacombank đã thống nhất được phương án chuyển giao quyền lực phù hợp với việc thay đổi cơ cấu cổ đông hiện nay.

Theo thỏa thuận này, HĐQT gồm 7 người hiện tại của Sacombank sẽ có tới 5 vị trí xin từ nhiệm vì lý do cá nhân và không còn sở hữu cổ phần tại Sacombank. 2 vị trí vẫn yên vị là Chủ tịch HĐQT đương nhiệm và người thân. Đồng thời, theo thỏa thuận, số lượng thành viên HĐQT Sacombank sẽ được mở rộng lên 10 người, trong đó có 8 ghế được bầu mới.

Nếu đúng như dự tính, đội ngũ lãnh đạo Sacombank ra mắt ĐHCĐ sắp tới mang tính kế thừa với nhiều gương mặt mới, dù hầu hết vẫn là nhân vật quen thuộc trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là giới ngân hàng, chứng khoán. Sacombank đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc chuyển giao lớn về quyền lực trong ban lãnh đạo cao cấp trong lịch sử 20 năm phát triển.

 

Hoà hợp với các nhân tố mới

Những khán giả ưa thích điện ảnh và đặc biệt đã xem bộ phim kinh điển “Trở về Eden” không cảm thấy hấp dẫn và thỏa mãn với cách thức “hạ màn” theo kiểu hòa bình khi “nghi án Sacombank bị thâu tóm” từng tốn nhiều giấy mực của báo giới từng là và tiêu điểm thu hút sự chú lớn của dư luận. Tuy nhiên, nếu xem xét sự việc từ góc độ lợi ích cổ đông trung thành, khách hàng và CB-CNV của Sacombank, thì đây là kết thúc “có hậu” nhất trên nền tảng duy trì sự ổn định của chính Sacombank nói riêng và hệ thống ngân hàng nội địa nói chung.

Theo nguồn tin riêng của ĐTCK, để có sự bắt tay hữu nghị giữa các cổ đông sáng lập Sacombank và nhóm cổ đông nắm cổ phần chi phối, cả hai phía đều có sự nhượng bộ và đánh đổi nhất định.

Cụ thể, nhóm cổ đông lớn đạt được thỏa thuận mua lại số cổ phần của lãnh đạo Sacombank và nhóm công ty gia đình các cổ đông sáng lập với mức giá tốt hơn nhiều so với giá trên thị trường. Sự kiện một loạt cổ đông như Thành Thành Công, Đường Bourbon Tây Ninh, Sacomreal dồn dập thoái vốn tại Sacombank trong một thời gian ngắn vừa qua là một phần trong các thỏa thuận này. Đổi lại, nhóm cổ đông lớn đã đồng ý để nhóm cổ đông sáng lập Sacombank duy trì sự ảnh hưởng của mình với hoạt động các chi nhánh của Ngân hàng nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, cũng như tại một số công ty con khác.

Mọi hoạt động M&A đều hướng tới việc tạo ra các giá trị mới mang tính cộng hưởng. Khi việc chuyển giao quyền lực cấp cao tại Sacombank chỉ còn chờ thủ tục tại ĐHCĐ sắp tới để hoàn tất, thì vấn đề hậu M&A cần được xem xét, trong đó có câu chuyện “chung sống hòa bình” giữa CB-CNV Sacombank hiện nay với các lãnh đạo mới sắp tới.

Tuy nhiên, các khác biệt có thể sẽ không quá lớn, khi một lãnh đạo cao cấp của Sacombank tiết lộ với ĐTCK là đã có “chỉ đạo ngầm” trong Ngân hàng từ các cổ đông sáng lập về việc hợp tác với các nhân tố mới.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực M&A bình luận, dù liên minh kiểm soát quá bán số cổ phần của Sacombank trong thực tế đã hướng về mốc 65% số cổ phần có quyền biểu quyết, nhưng vẫn hợp tác với nhóm cổ đông sáng lập Sacombank để chọn một giải pháp khá khôn ngoan và trách nhiệm là “hạ cánh mềm” khỏi Sacombank. Phía trước doanh nhân Đặng Văn Thành và gia đình còn ngành mía đường với dự báo về khả năng gia tăng ảnh hưởng trong ngành này của gia định họ Đặng.

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục