Gặp khó, doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn vững bước

(ĐTCK) Dù giá dầu đã và dự kiến vẫn còn nhiều biến động, nhưng hoạt động kinh doanh của nhóm DN ngành dầu khí vẫn trên đà đi lên theo sự phục hồi của nền kinh tế.
Gặp khó, doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn vững bước

Ông Nguyễn Đức Đạt, Kế toán trưởng CTCP Kết cấu kim loại và lắp máy Dầu khí (PXS) cho biết, dự kiến trong 9 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 1.400 tỷ đồng và lợi nhuận ước đạt 120 tỷ đồng, hoàn thành hơn 90% kế hoạch cả năm.

Theo ông Đạt, hiện nay các dự án của PXS vẫn đang được triển khai đúng tiến độ, một số dự án sẽ ghi nhận một phần doanh thu ngay trong năm 2015 như dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2… PXS cũng vừa ký hợp đồng với Ban quản lý dự án công trình DKI và Liên danh tổng thầu Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) về việc thiết kế bản vẽ thi công, lập tổng dự toán, cung cấp vật tư thiết bị và thi công xây dựng công trình P7, 8, 9, 10 (EPC) với tổng giá trị hợp đồng tạm tính là 2.710 tỷ đồng, trong đó phần PXS thực hiện tạm tính là 1.100 tỷ đồng và sẽ thực hiện đến hết tháng 6/2016.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, PXS đã ký được các hợp đồng với tổng trị giá hơn 2.800 tỷ đồng. Với tiến độ trên, lãnh đạo PXS cho biết, nhiều khả năng năm 2015, Công ty sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế (130 tỷ đồng) khoảng 10%.

Là DN kinh doanh mảng dịch vụ, Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PET) cũng ghi nhận những số liệu khả quan trong 9 tháng đầu năm. Ông Đào Văn Đại, Kế toán trưởng PET cho biết, trong 3 quý đầu năm, Công ty ước đạt lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, nếu dự án bất động sản Thanh Đa được chuyển nhượng thì Công ty có thể sẽ ghi nhận thêm khoảng 89,8 tỷ đồng lãi sau thuế. CTCK Rồng Việt (VDS) vừa đưa ra dự phóng về kết quả kinh doanh 2015 của PET như doanh thu khoảng 11.850 tỷ và lợi nhuận khoảng 329 tỷ đồng.

Dù chưa có con số cụ thể nhưng theo lãnh đạo Tổng CTCP Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS), trong 9 tháng đầu năm, nhiều khả năng Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch cả năm. Bằng chứng là 6 tháng đầu năm, PVS đã đạt lợi nhuận sau thuế 882,6 tỷ đồng trong khi kế hoạch cả năm 2015 của Công ty là 965 tỷ đồng. Trước những lo ngại về biến động của tỷ giá và sự lên xuống thất thường của giá dầu có thể ảnh hưởng lớn đến các DN kỹ thuật dầu khí, lãnh đạo PVS cho biết, hiện tại, các dịch vụ kinh doanh của Công ty vẫn ổn định, các hợp đồng vẫn thực hiện một cách xuôi chèo mát mái.

Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) cũng đã công bố ước tính kết quả kinh doanh 9 tháng với con số dự kiến 11.676 tỷ đồng doanh thu và 1.579 tỷ đồng lợi nhuận. Cũng theo PVD, trong quý III, Công ty thực hiện thành công việc bảo trì giàn PV Drilling II theo định kỳ, giàn khoan PV Drilling III đã hoàn thành chiến dịch khoan của Vietsovpetro và chuyển sang cung cấp cho khách hàng PVEP từ giữa tháng 8/2015.

Tuy nhiên, lãnh đạo PVD cho biết, diễn biến của giá dầu trong quý III cũng ảnh hưởng đến giá cho thuê các giàn khoan, hiện tại các hợp đồng cho thuê giàn khoan của PVD đã được đàm phán lại với mức giảm từ 10 - 15%.

Là DN có tỷ lệ vay ngoại tệ lớn, với việc tỷ giá VND/USD đã điều chỉnh thêm 1% trong tháng 8/2015 và biên độ dao động tăng lên 3% sẽ ảnh hưởng một phần lợi nhuận của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam - PVTran (PVT) trong nửa cuối năm 2015. Tuy nhiên, theo lãnh đạo PVT, các khoản vay bằng USD của Công ty hiện nay đã giảm đáng kể và PVT đang chuyển nợ vay từ USD sang VND, đồng thời đặt kế hoạch mỗi năm trả 23 - 24 triệu USD.

Bộ phận Nghiên cứu - Phân tích, CTCK VCB nhận định, năm 2015 PVT có khả năng đạt doanh thu 5.355 tỷ đồng (+2%) và lợi nhuận trước thuế 488 tỷ đồng, cao hơn một chút so với kết quả kinh doanh 2014. Nhận định này dựa trên một số giả định chính là doanh thu vận tải cả năm 2015 chỉ tăng nhẹ 3%, thấp hơn mức tăng 9% của 6 tháng đầu năm do 2 tàu chở dầu thô Athena và Mecury của Công ty đi vào sửa chữa trong quý III/2015.

Xét một cách tổng quan về nhóm ngành dầu khí, CTCK Dầu khí (PSI) đánh giá, tình hình kinh doanh của các DN đang có xu hướng ổn định và tích cực, trong đó nhiều đơn vị thể hiện tín hiệu bứt phá sau giai đoạn kinh tế khó khăn.

Nhìn vào những con số lạc quan ban đầu trong 9 tháng đầu năm 2015 cũng cho thấy những chuyển biến tích cực của nhóm ngành dầu khí. Xét về kế hoạch kinh doanh cả năm 2015, nhiều DN đã đưa ra những con số khá khiêm tốn, thậm chí giảm so với năm 2014 nhằm dự phòng các yếu tố khó khăn của năm 2015.

Tuy nhiên, dù có biến động về kết quả kinh doanh thì các DN trong ngành này vẫn đang duy trì tỷ lệ cổ tức chi trả bằng tiền mặt ổn định hàng năm và cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường như DPM với tỷ lệ dự kiến 25%; PVD dự kiến trả 30% cổ tức… trong năm nay.      

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục