Đối tác Nhật lên quản trị FPT Capital

(ĐTCK) Chủ tịch HĐQT FPT Capital là người của đối tác Nhật Bản SBI Holdings. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc thay “tướng” hàng loạt suốt một năm qua ở công ty quản lý quỹ có không ít rắc rối này.
Đối tác Nhật lên quản trị FPT Capital

Thay nhân sự cấp cao liên tiếp

Theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hôm thứ Sáu (3/5), cơ quan này vừa chấp thuận cho ông Megumu Motohisa, quốc tịch Nhật Bản là người đại diện theo pháp luật mới của CTCP Quản lý Quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) trên cương vị Chủ tịch HĐQT FPT Capital. Ông Motohisa được bầu mới lên vị trí Chủ tịch HĐQT FPT Capital cách đây hơn một tháng, thay thế Chủ tịch cũ người Việt là ông Nguyễn Văn Lộc. Ông Motohisa hiện là Giám sát trưởng tại Việt Nam của Tập đoàn tài chính Nhật Bản SBI Holdings - đơn vị cùng với CTCP FPT thành lập Quỹ thành viên Việt Nhật (Vietnam Japan Fund) có quy mô vốn ban đầu 100 triệu USD từ năm 2007 và giao cho công ty liên kết của CTCP FPT là FPT Capital quản lý.

Vị trí Tổng giám đốc FPT Capital cũng được giao cho người của SBI Holdings. Cụ thể, ông Kenichi Abe, Trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội của SBI Holdings được bổ nhiệm vị trí quyền Tổng giám đốc FPT Capital, thay thế ông Đặng Lưu Dũng đã miễn nhiệm từ tháng 4/2012.

Đối tác Nhật lên quản trị FPT Capital ảnh 1

FPT Capital đã 2 lần bị UBCK xử phạt do việc sử dụng vốn sai quy định

Việc bổ nhiệm người của SBI Holdings vào hai vị trí cao cấp nhất này là bước mới rõ rệt trong cuộc thay “tướng” hàng loạt diễn ra suốt hơn một năm qua tại FPT Capital. Hồi tháng 4/2012, FPT Capital đã miễn nhiệm gần như cả bộ máy điều hành gồm Tổng giám đốc Đặng Lưu Dũng, Giám đốc điều hành Đặng Hoàng Tùng và Giám đốc đầu tư Nhâm Hà Hải. Công ty miễn nhiệm luôn cả Chủ tịch là ông Nguyễn Thành Nam, sau 1 năm nắm giữ, đồng thời miễn nhiệm thêm ba thành viên HĐQT khác. Trong cuộc “đại miễn nhiệm” đó, ông Motohisa đã được bổ nhiệm vị trí thành viên HĐQT và ông Nguyễn Văn Lộc lên thay vị trí Chủ tịch FPT Capital.

Năm nay, vị trí Chủ tịch HĐQT FPT Capital tiếp tục được thay thế. Ngoài việc bổ nhiệm hai lãnh đạo cao nhất người Nhật Bản nêu trên, hai thành viên Ban Kiểm soát FPT Capital cũng được thay mới. Người công bố thông tin của FPT Capital cho biết, Công ty chưa thể bình luận ngay về sự thay đổi nhân sự này.

 

“Lùm xùm” quanh việc sử dụng vốn

Cuộc thay người liên tiếp của FPT Capital diễn ra song song với một vài dấu hiệu không mấy sáng sủa về hoạt động của Công ty có quy mô vốn điều lệ 110 tỷ đồng này. Kết thúc năm 2012, FPT Capital báo lỗ hợp nhất sau thuế 26,3 tỷ đồng, so với con số lãi hơn 20 tỷ đồng năm 2011 và lãi 44,7 tỷ đồng năm 2010. Đáng chú ý, trong năm 2012, FPT Capital đã 2 lần bị UBCK xử phạt do việc sử dụng vốn sai quy định. Cụ thể, ngày 19/7, Công ty bị phạt 185 triệu đồng do giao vốn cho các công ty con (chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, tư vấn và khai khoáng) sử dụng và quản lý. Ngày 17/12, Công ty bị phạt 125 triệu đồng do sử dụng tài sản ủy thác để cho vay đối với các tổ chức, cá nhân.

Mới đây nhất, trong báo cáo kiểm toán kết thúc ngày 31/12/2012, Deloitte đã lưu ý về việc FPT Capital đặt cọc gần 60 tỷ đồng vốn ủy thác của khách hàng để mua trái phiếu tại một CTCK và số tiền đã quá hạn thu hồi. Deloitte cho biết, một trong các khách hàng ủy thác của FPT Capital đã có công văn yêu cầu được hoàn trả số tiền nhận ủy thác, nhưng tính đến thời điểm phát hành báo cáo, các bên chưa thống nhất được phương án giải quyết.

Deloitte lưu ý tiếp về việc FPT Capital có khoản đầu tư dài hạn vào một công ty cổ phần chưa niêm yết với giá gốc là 25,5 tỷ đồng, nhưng FPT Capital không thu thập được báo cáo tài chính của công ty chưa niêm yết này để có thể đánh giá được khoản đầu tư.

Cũng trong bản báo cáo, FPT Capital thông báo về khoản cho vay quá hạn hơn 150 tỷ đồng với công ty con là CTCP Đầu tư Tài chính Bất động sản FR. FPT Capital đã phải ngừng dự thu với khoản cho vay này và “không chắc chắn về khả năng thu hồi”.

 

Vai trò của SBI Holdings

Mặc dù không trực tiếp góp vốn, nhưng Tập đoàn SBI Holdings có vai trò không nhỏ đối với FPT Capital, vì tập đoàn này đang ủy thác khoản tiền hơn 1.000 tỷ đồng cho Công ty qua Quỹ Vietnam Japan Fund. Báo cáo năm 2012 của FPT Capital cho biết, số vốn điều lệ của Vietnam Japan Fund là 1.600 tỷ đồng. Mặt khác, báo cáo thường niên công bố giữa năm 2012 của SBI Holdings cho thấy, đến thời điểm 31/3/2012, giá trị tài sản ròng của Vietnam Japan Fund là 5,165 tỷ Yên (JPY), tương đương 1.409 tỷ đồng theo tỷ giá JPY/VND thời điểm đó. Số tiền mà Tập đoàn đầu tư vào Quỹ tại thời điểm đó là 1.123 tỷ đồng.

Hải Linh
Hải Linh

Tin cùng chuyên mục