Doanh nghiệp tiên phong thoát khỏi ốc đảo

Với tinh thần khởi nghiệp mãi mãi, không ít doanh nghiệp luôn tiên phong để bắt nhịp hợp thời theo sự thay đổi nhanh chóng của thời đại.
Sản xuất tại nhà máy của VinFast. Ảnh: Đức Thanh Sản xuất tại nhà máy của VinFast. Ảnh: Đức Thanh

1. Robin Zhu, chuyên gia phân tích của hãng ô tô châu Á tại Bernstein gần đây đã dẫn câu nói: “Mỗi quốc gia cần 5 điều: lá cờ, bài quốc ca, quân đội, một hãng hàng không và một công ty xe hơi”.

Thật vậy, các nước trong khu vực đều đang theo dõi sát từng động thái của Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, với các dự án tham vọng trong các lĩnh vực mới là ô tô (VinFast) và hàng không (Vinpearl Air).

Trong đó, theo truyền thông nước ngoài, VinFast là dự án công nghiệp tham vọng nhất trong lịch sử Việt Nam: một tổ hợp nhà máy, mà trong vòng 2 năm đã sản xuất những “chiếc xe quốc gia” đầu tiên, đó là xe máy điện, xe Sedan và SUV với kiểu dáng đẹp, thiết kế mạnh mẽ.

Trong lĩnh vực hàng không, Vingroup sẽ bắt tay với Tập đoàn CAE (Canada) đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không, nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới. Mỗi năm có khoảng 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và EASA được cung ứng ra thị trường.

“Vingroup đặt mục tiêu góp phần giải quyết bài toán khan hiếm phi công trong nước, đồng thời tiến tới xuất khẩu phi công ra thế giới”, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup chia sẻ.

Cùng chung mục tiêu với Vinpearl Air, tân binh Bamboo Airways (Tập đoàn FLC), cũng ra mắt Viện Đào tạo hàng không Bamboo Airways thông qua việc bắt tay với đối tác New Zealand. Dự kiến từ năm 2021, hãng này có thể đào tạo phi công 100% ở Việt Nam với chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc gửi phi công đi đào tạo ở nước ngoài.

Ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch thường trực của Bamboo Airways kỳ vọng, Viện Đào tạo hàng không Bamboo Airways sẽ trở thành trung tâm đào tạo về nhân sự ngành hàng không ở Việt Nam, áp dụng mô hình quản trị giáo dục hiện đại.

Là người đứng đầu một trong những trường đào tạo phi công cơ bản đầu tiên tại Việt Nam được Cục Hàng không phê chuẩn, ông Nguyễn Nam Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo Bay Việt (VFT) cho rằng, Việt Nam cần phải có nhiều trường và đặc biệt cần những người tiên phong, vì đây là lĩnh vực chưa có tiền lệ, đường mòn để đi theo.

Forbes Việt Nam mới công bố 50 thương hiệu dẫn đầu lần thứ 4. Tổng giá trị của 50 thương hiệu dẫn đầu đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 1,2 tỷ USD so với danh sách lần thứ ba. 10 thương hiệu dẫn đầu là các tên tuổi quen thuộc, gồm: Vinamilk, Viettel, Sabeco, Vinhomes, Masan Consumer, MobiFone, VinaPhone, Vietcombank, FPT và Vincom Retail. Trong đó, Vinamilk tiếp tục dẫn đầu danh sách với giá trị thương hiệu hơn 2,2 tỷ USD, Viettel với giá trị hơn 2,1 tỷ USD. Ngoài ra, có 20 thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam có giá trị trên 100 triệu USD.  

Khi Vingroup, Bamboo Airways tham gia thị trường hàng không, họ lập tức nhận thấy rằng, ngành này đang thiếu hụt nguồn nhân lực. Việc thành lập một trường đào tạo phi công cơ bản gắn với việc thành lập hãng bay cho thấy sự chuyển hướng đầy toan tính nhằm tạo ra hình ảnh một doanh nghiệp nghiêm túc, có tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Điều quan trọng là, Vingroup là doanh nghiệp bất động sản lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vận hành chuỗi cửa hàng bán lẻ, các trường học liên cấp, y tế, điện thoại..., rồi phát triển chế tạo xe hơi. Động thái này tương tự như Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) trong những năm 1970 để trở thành tập đoàn sản xuất hàng đầu, phát triển dòng xe hơi của riêng mình.

Đặc biệt, việc này cũng cho thấy nhu cầu của tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng gia tăng, đất nước ngày càng thịnh vượng. VinFast rõ ràng là niềm tự hào cho một quốc gia có lòng tự tôn dân tộc rất cao và dự án này cũng đang thể hiện sự cố gắng hết mình của doanh nghiệp Việt trong việc chuyển dịch ngành sản xuất chế tạo có nguồn vốn đầu tư nước ngoài sang các lĩnh vực có thể tạo nhiều giá trị gia tăng hơn.

Nếu như Vingroup, FLC mở rộng hệ sinh thái kinh doanh sang hàng không và ô tô, thì Tập đoàn FPT lại bẻ lái sang chuyển đổi số. Đây chính là đại dương xanh của FPT với dung lượng thị trường lên tới hàng ngàn tỷ USD. Tại đại hội đồng cổ đông năm 2019, FPT chính thức công bố chiến lược với tầm nhìn trong 10 năm tới lọt Top 50 công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu. Mục tiêu gần hơn là đến năm 2021 đạt 1 tỷ USD từ dịch vụ công nghệ.

Hiện FPT có thị trường rộng lớn với tập khách hàng là các tập đoàn toàn cầu. Theo dự báo của IDC, đến năm 2022, quy mô thị trường chuyển đổi số sẽ đạt 2.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin.

Mới đây, FPT là một trong 5 đối tác đầu tiên trên thế giới (4 tập đoàn khác gồm IBM, Accenture, Capgemini và Sopra Steria) cùng Airbus khởi động chương trình đối tác nền tảng Skywise, mở đường cho quá trình tăng tốc chuyển đổi số của ngành hàng không toàn cầu.

Trong lĩnh vực bán lẻ, FPT đã cùng với Toshiba giúp Takashimaya Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Takashimaya - tập đoàn sở hữu hệ thống trung tâm thương mại lâu đời nhất Nhật Bản) chuyển đổi số, tăng cường trải nghiệm mua sắm cho khách hàng. Đây rõ ràng là một trong những mảng dịch vụ trọng tâm giúp FPT bứt phá trong giai đoạn tới.

2. Trong chặng đường phát triển của mình, nhiều doanh nghiệp đã có động thái bắt nhịp hợp thời theo sự thay đổi nhanh chóng của thời đại. Các doanh nghiệp không còn là một ốc đảo kể từ khi đất nước mở cửa và ranh giới ngành nghề kinh doanh ngày càng bị xóa nhòa.

Dĩ nhiên, trước sự thay đổi nhanh chóng đó, họ có thể từ chối thay đổi, bởi nếu thay đổi quá nhanh sẽ bị lúng túng. Nhưng nếu không thay đổi hoặc chậm thay đổi, họ lại bị lạc nhịp với thị trường. Chính những điều này sẽ buộc các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức, như áp lực cạnh tranh; thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng; chu kỳ sản xuất, tuổi thọ sản phẩm…; cơ hội kinh doanh mới, nhu cầu tiêu dùng mới. Vì vậy, điều duy nhất doanh nghiệp phải làm để tồn tại và phát triển là sáng tạo hơn, tốc độ hơn…

Trong cuộc chuyển đổi đầy thách thức đó, các nhà lãnh đạo luôn là linh hồn. Tại hầu hết các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, người lãnh đạo vẫn còn mang nhiều “cái uy quyền lực” của chính họ, mà chưa thực sự dựa trên niềm tin và sự ủng hộ hoàn toàn của nhân viên để đạt được hiệu quả.

Tinh thần khởi nghiệp dường như đã trở thành một trong những từ khóa nóng nhất trong những năm trở lại đây của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với nhiều người, cụm từ này lại là một nghề nghiệp mới hoặc một con đường mới để cải thiện tình hình tài chính cũng như vị thế của quốc gia trong thời 4.0.

Các nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng trên thế giới ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần khởi nghiệp trong sự tăng trưởng kinh tế của toàn cầu.

Đó là lý do vì sao, 3 năm trước, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup quyết định đổi slogan của tập đoàn thành “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” để mọi người giữ mãi ngọn lửa ấy, ý chí ấy, tinh thần làm việc ấy. Dù cá nhân lọt vào danh sách tỷ phú thế giới hay Vingroup đã bành trướng ra đủ ngành nghề, nhưng điều đó vẫn còn quá bé nhỏ so với thế giới. Do vậy, Tập đoàn còn rất nhiều việc phải làm và chỉ khi “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”, thì mới có thể đạt được những đỉnh cao mới.

Việc hiểu rõ lý do mọi người quyết định khởi nghiệp hoặc không ủng hộ việc khởi sự kinh doanh cũng như loại hình kinh doanh nào hấp dẫn nhất sẽ có ích trong việc nuôi dưỡng cộng đồng khởi nghiệp hiệu quả. Từ nguồn kiến thức đó, Nhà nước và doanh nghiệp sẽ có quyết định và hành động nhằm giúp đỡ những người vừa bắt đầu kinh doanh cũng như giúp họ phát huy hết tiềm năng trong lĩnh vực đó.

Kinh tế ngày càng tăng trưởng và nhiều người khởi nghiệp có nhiều cơ hội hơn để phát triển doanh nghiệp của mình. Chỉ có start-up mới đi tiên phong trong các lĩnh vực mới.

Khảo sát mới nhất về tinh thần khởi nghiệp của Amway cho thấy, Việt Nam giữ vững vị trí số 1 về chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp như là nghề nghiệp đáng ao ước. Vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia và Nam Phi.

Để trở thành start-up kỳ lân là mục tiêu vươn tới của mọi công ty khởi nghiệp, nhưng tại Việt Nam, 15 năm trở lại đây, ngoài cái tên VNG, chưa có thêm start-up nào đạt tới đỉnh cao này. Có nhiều lý do giải thích việc thiếu vắng những start-up “tỷ USD” tại Việt Nam.

Đó là hạn chế về tầm nhìn của công ty khởi nghiệp, số lượng quỹ đầu tư không nhiều, hạ tầng công nghệ và chính sách cho start-up ở Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi... Nhưng điều quan trọng là vẫn chưa nhiều trận đánh mang tầm quốc tế, những thương vụ M&A mang tính chiến lược khu vực và thế giới. Ngoài ra, để nuôi dưỡng một start-up kỳ lân, các tập đoàn lớn đã thành công trước đó phải nâng đỡ. Sự giúp sức ở đây không hẳn là vấn đề về tiền bạc, mà sự cộng hưởng trong hệ sinh thái, những mối quan hệ làm ăn, hợp tác...

Cuối cùng, trong cuộc chơi này, người thắng cuộc sẽ là người cung cấp ra thị trường các dịch vụ tốt nhất, phát triển được mô hình bền vững nhất.

3. Sự chuyển hướng của các tên tuổi nói trên, cũng như những doanh nghiệp đang manh nha chuyển hướng cho thấy, Việt Nam có các tập đoàn mạnh, dám đầu tư vào lĩnh vực mới, cần nhiều vốn và công nghệ. Ngoài ra, các tập đoàn kinh tế này không chỉ lớn ở Việt Nam, mà còn là thương hiệu mạnh trong khu vực, dần vươn ra thế giới.

Giới chuyên môn cho rằng, điều Việt Nam cần làm hiện nay là làm sao để các tập đoàn kinh tế lớn lên, bởi bộ phận quan trọng nhất dẫn đến sự giàu mạnh của một đất nước là các tập đoàn kinh tế lớn.

Để có được nền kinh tế tư nhân mạnh, trước hết phải làm cho các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhanh chóng lớn lên. Điều đó chủ yếu phụ thuộc vào thể chế, chính sách của Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói, để xây dựng chính phủ kiến tạo, chính phủ điện tử, cần quan tâm đến hai việc: giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô lớn hơn và xây dựng các tập đoàn mạnh tầm cỡ khu vực và từng bước nằm trong nhóm phát triển hơn. Đây là việc đại sự của đất nước.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI là hai nhân tố quan trọng giúp Việt Nam có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao trong giai đoạn 2021 - 2030.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục