Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy và trực tiếp đến thăm nhiều doanh nghiệp nông nghiệp lớn trong những ngày đầu Xuân Đinh Dậu, thúc đẩy khát vọng vươn lên, dù thách thức đang phải đối mặt với các doanh nghiệp ngành này là rất lớn.
Nhận diện thách thức từ biến đổi khí hậu
Kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt thực phẩm sạch, các doanh nghiệp không chỉ đang nỗ lực làm giàu cho cổ đông, mà còn đang hiện thực hóa những khát vọng vị nhân sinh của mình.
Thế nhưng, biến đổi khí hậu và những đặc thù của nền kinh tế Việt Nam cũng khiến con đường đi của các doanh nghiệp trở nên khó khăn. Tất cả đang chờ những đổi thay và một cú hích từ chính sách vĩ mô.
Giải pháp giải quyết các vấn đề nội tại để tạo nên sản phẩm tốt, hợp với khẩu vị thị trường… sẽ là những chủ điểm mà DN phải chuẩn bị giải trình trong mùa đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Tháng 5/2015, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC) chính thức trở thành công ty mẹ của Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC).
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của NSC, trả lời câu hỏi chất vấn của cổ đông về lý do thâu tóm SSC, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc NSC cho rằng, SSC là công ty giống lớn thứ hai cả nước, kết quả kinh doanh giai đoạn trước tốt, có những tiềm năng rất lớn có thể hợp tác cùng NSC như: hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) tốt, nguồn gen phong phú và có nhiều bộ gen tốt, có quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu sâu rộng, đất đai và hệ thống cơ sở vật chất tốt, thị trường rộng lớn phía Nam…
Thế nhưng, khác với những kỳ vọng của NSC, từ năm 2015, lợi nhuận của SSC bắt đầu đi xuống. Tình trạng hạn hán và xâm thực mặn khu vực phía Nam từ năm 2015 ảnh hưởng nặng nề đến hiệu quả kinh doanh của SSC, bởi thị trường bán sản phẩm chính là ngô lai gặp khó.
Thêm vào đó, SSC phân phối sản phẩm của đối tác nước ngoài, vừa có biên lợi nhuận thấp, vừa dẫn tới không đảm bảo tỷ lệ sản phẩm khoa học công nghệ nên không được miễn thuế. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của SSC là 46,302 tỷ đồng, bằng 56,63% lợi nhuận sau thuế năm 2014.
Năm 2016, SSC ước đạt 39,303 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 10 tỷ đồng), đây là mức thấp nhất của Công ty kể từ năm 2009 đến nay. Kết quả kinh doanh đi xuống đã khiến giá cổ phiếu SSC giảm dần trong hơn 1 năm qua, với mức chênh lệch giá cao nhất và thấp nhất giai đoạn từ 2015 đến nay lên tới 36%.
Câu chuyện của SSC không là cá biệt trong ngành giống cây trồng. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc một công ty giống lớn khác tại thị trường phía Nam cho biết, trong năm 2016, một hãng giống lớn của nước ngoài đã phải xuất khẩu ngược trở ra nước ngoài một lượng sản phẩm rất lớn để… đốt bỏ, vì lý do không bán được.
“Vừa không bán được hàng, vừa tốn chi phí vận chuyển ngược trở lại nước ngoài, chi phí tiêu hủy, doanh nghiệp trên đã lỗ lớn tại Việt Nam. Đa số các công ty giống khác cũng gặp khó khăn tương tự, nhất là với mảng giống ngô”, vị này nói.
Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2016. Doanh nghiệp Việt cần nhận được sự đồng hành nhiều hơn từ cơ quan quản lý, giống như hàng loạt nền nông nghiệp phát triển khác trên thế giới, để có thể vượt qua khó khăn và có sức cạnh tranh, thậm chí tại chính thị trường trong nước.
Kết quả này của SSC ít nhiều đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công ty mẹ - NSC, dù cả năm 2016, NSC vẫn vượt kế hoạch năm, đạt 175,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất và so với các doanh nghiệp cùng ngành, hiệu quả kinh doanh của NSC vẫn vượt trội.
Thách thức từ nhận thức của người tiêu dùng
Là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực bất động sản, mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Vingroup ngay từ khi ra đời đã tạo được thị trường đánh giá cao ở tầm nhìn và khả năng thực hiện khát vọng lớn.
So với các doanh nghiệp làm thực phẩm sạch trong nước, Vingroup có lợi thế hơn hẳn khi sở hữu trong tay chuỗi cửa hàng Vinmart. Nhưng, hệ thống phân phối không phải là tất cả để giúp mảng nông nghiệp của Vingroup thành công.
Những ai quan tâm đến mảng nông nghiệp của Vingroup đều hiểu, từ khi hoạt động rầm rộ đến nay, mảng này đã có không ít lần “tự phẫu thuật”. Sản phẩm của Công ty được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi yếu tố uy tín về sự an toàn, sạch, giá hợp lý, dễ mua, nhưng để thành công, vẫn cần những yếu tố khách quan từ bên ngoài.
“Đầu tư dự án lớn, trong khi người dân vẫn có thói quen mua rau ngoài chợ thay vì tiêu dùng thực phẩm an toàn. Rau của Vingroup khá rẻ, nhưng sản phẩm mang thương hiệu VINECO sản xuất ra vẫn phải bán cho các kênh khác. Nếu không phải là doanh nghiệp trường vốn như Vingroup, thì sẽ rất khó trụ được, dù hướng đi và khát vọng mang thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng là hoàn toàn đúng đắn”, lãnh đạo một doanh nghiệp nhận cung cấp rau của VINECO để bán cho các doanh nghiệp lớn của nước ngoài tại miền Bắc nhận xét.
Vingroup đã đầu tư hàng nghìn tỷ vào nông nghiệp. Đó là số vốn không nhiều doanh nghiệp trong nước có thể bỏ ra, nên rõ ràng, nếu không có chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp, nhất là hỗ trợ về lãi suất, kỳ hạn cho vay theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp, thì nền kinh tế sẽ rất khó để có thể nhân bản được nhiều VINECO hơn nữa.
Tuy nhiên, nếu có thêm những doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp mạnh mẽ như VINECO thì thách thức với doanh nghiệp đến từ việc làm cách nào để tìm được đầu ra, khi Việt Nam dù đang thiếu thực phẩm sạch, nhưng đại đa số người tiêu dùng chưa có thói quen tiêu dùng sạch và khoa học?
Kỳ vọng thời cơ mới từ chính sách
Bên cạnh các doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp, cùng với sự tham gia đầu tư của Vingroup vào nông nghiệp công nghệ cao, nhiều ông lớn niêm yết trên sàn cũng đã chia sẻ kế hoạch đầu tư vào mảng này như Hòa Phát, FPT…
Để thực thi khát vọng mang thực phẩm sạch đến mọi người dân Việt Nam, vấn đề đặt ra là làm cách nào để doanh nghiệp vượt qua được thách thức liên quan đến nguồn vốn, đầu ra sản phẩm, yêu cầu về diện tích đất trồng và những thách thức từ môi trường, biến đổi khí hâu?
Bước sang năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thổi luồng gió mới vào khát vọng các doanh nghiệp nông nghiệp bằng sự quan tâm và gợi mở những chính sách hỗ trợ. Gần đây nhất, tại Lễ khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng đã đưa ra 3 vấn đề đặc biệt quan trọng với phát triển nông nghiệp, bao gồm vốn, đất và công nghệ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu nâng quy mô gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng. Đây là điều được các doanh nghiệp rất quan tâm, khi nhu cầu vốn đầu tư vào lĩnh vực này lớn, nhưng phần nhiều các doanh nghiệp đầu tư vào ngành lại có quy mô vốn tự có ở mức trung bình nhỏ.
2 vấn đề quan trọng khác cũng được Thủ tướng đặc biệt chú trọng là mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn và chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đi kèm với hai yếu tố này là cam kết thúc đẩy các điều kiện để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chế độ nước tưới, kênh mương, hỗ trợ hạ tầng… từ Chính phủ trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, vấn đề diện tích đất phát triển nông nghiệp luôn là câu hỏi đau đầu. Với đặc thù đất nông nghiệp bị chia nhỏ như hiện nay, để có được diện tích đất lớn phục vụ sản xuất là điều không dễ dàng, doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí nếu muốn tự chủ. Trong khi đó, nếu không quy tụ được quy mô diện tích lớn, doanh nghiệp không thể áp dụng công nghệ hiện đại, chất lượng và năng suất sẽ không cao.
Doanh nghiệp chờ đợi chỉ đạo của Thủ tướng sẽ sớm ngấm tới toàn ngành và từ đây sẽ có những giải pháp cụ thể, thiết thực tạo động lực cho khát vọng vực dậy ngành nông nghiệp Việt. Hiện nay, theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn chưa rõ làm cách nào để tiếp cận gói tín dụng cho nông nghiệp, điều kiện gì để giải ngân…
Với nhà đầu tư và các cổ đông, tín hiệu từ Chính phủ đã rõ, nhưng giải pháp từ phía các doanh nghiệp nông nghiệp để giải quyết các vấn đề nội tại, như ứng phó với biến đổi khí hậu, để tạo nên sản phẩm tốt, hợp với khẩu vị thị trường… sẽ là những chủ điểm mà doanh nghiệp phải chuẩn bị giải trình trong mùa đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc PAN Group
Ở góc nhìn của mình, tôi mong muốn Chính phủ sẽ có những hỗ trợ cụ thể và thiết thực đến tất cả các doanh nghiệp ngành nông nghiệp đang đầu tư công nghệ cao, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Việc hỗ trợ nên được thực hiện bằng cách giảm thuế sâu hơn nữa, lâu dài hơn nữa để các doanh nghiệp đầu ngành như vậy có đủ tiềm lực tài chính, chuyên tâm thúc đẩy công nghiệp hóa ngành nông nghiệp Việt Nam lên mức cao hơn.
Để Việt Nam có một nền nông nghiệp mạnh, cũng cần nhìn thẳng vào thực tế: hàng năm, chúng ta vẫn thuộc top đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, nhưng sản phẩm chủ yếu là xuất thô, biên lợi nhuận mang về cho đất nước rất thấp.
Tôi mong rằng, cùng với việc xây dựng chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mang lại doanh thu lớn, Chính phủ sẽ có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp có tiềm năng tạo nên giá trị gia tăng cao trong từng sản phẩm xuất khẩu. Đây mới là giá trị cốt lõi các doanh nghiệp trong ngành này cần hướng đến.
Chính phủ cần thúc đẩy các doanh nghiệp làm sao để sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các nền kinh tế lớn, và đây chính là cách để sản phẩm nông nghiệp của nước ta được trả giá cao trên tất cả các thị trường.