DLG: Kỳ vọng kết quả sáng hơn năm 2019?

(ĐTCK) Lợi nhuận đi xuống, liên tiếp nhận các quyết định truy thu, cưỡng chế và xử phạt thuế, dư nợ vay lớn nhưng lại mạnh tay cấp vốn qua các khoản cho vay cá nhân với mặt bằng lãi suất thấp, lãi phải thu liên tục tăng… là hàng loạt vấn đề mà Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai (DLG) đang phải đối mặt và cũng là điều khiến cổ đông, nhà đầu tư nghi ngại.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Lỗ quý I/2019 do chi phí thuế tăng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019, DLG đạt doanh thu thuần 670 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2018 chủ yếu nhờ doanh thu bán các sản phẩm linh kiện điện tử tăng 5,4%, kinh doanh phân bón tăng gần gấp đôi cùng kỳ, bù đắp sự sụt giảm của mảng thu phí BOT. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn, đạt 12,3%, nên lợi nhuận gộp thu về đạt 103,9 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ 2018.

Mặc dù chỉ đóng góp 13,3% doanh thu, nhưng thu phí BOT vẫn là mảng quan trọng nhất khi đóng góp 56,6% lợi nhuận gộp cho DLG, tiếp đến là kinh doanh linh kiện điện tử với 42,2%, các mảng khác đóng góp không đáng kể.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của DLG tăng hơn 4 tỷ đồng từ thu lãi tiền gửi và cho vay, chi phí bán hàng được kéo giảm. Tuy vậy, chi phí tài chính vẫn ở mức cao, đặc biệt là chi phí quản lý tăng gấp rưỡi cùng kỳ lên 40,9 tỷ đồng, cùng khoản chi phí tiền chậm nộp thuế (13,1 tỷ đồng) và chậm ký hợp đồng (5,6 tỷ đồng) đã bào mòn toàn bộ lợi nhuận kinh doanh của DLG, khiến cổ đông Công ty mẹ lỗ ròng 1,5 tỷ đồng, qua đó ghi nhận quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết.

Đáng chú ý, con số 13,1 tỷ đồng tiền chậm nộp phát sinh, theo DLG, hoàn toàn do Công ty tự xác định và tự nộp, chưa có biên bản xử phạt của cơ quan thuế. Trước đó, trong tháng 2/2019, DLG đã nhận được quyết định truy thu và xử phạt thuế của Cục Thuế tỉnh Gia Lai, nhưng tổng số tiền truy thu và phải nộp chỉ là 310 triệu đồng (tiền phạt 48 triệu đồng). Đến cuối tháng 3/2019, DLG nhận thêm một quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế TP. Đà Nẵng với số tiền 264 triệu đồng.

Thực tế, nếu không phát sinh khoản mục này, lợi nhuận của DLG dù giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng không lâm vào tình trạng thua lỗ. Việc liên tiếp nhận các quyết định phạt thuế và doanh nghiệp chủ động trích khoản tiền lớn để tự nộp trước khi có quyết định của cơ quan thuế cho thấy rủi ro khó lường đối với các nghĩa vụ thuế tiềm ẩn của DLG. Đến cuối quý I/2019, nghĩa vụ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của DLG lên đến 82,2 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý đầu năm kém tích cực là một tin không vui đến với cổ đông DLG sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 kiểm toán với lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ vỏn vẹn 8,2 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 con số trên báo cáo tự lập - mức thấp nhất kể từ năm 2014. 

Dấu hỏi các khoản cho vay

Bên cạnh lợi nhuận giảm, báo cáo tài chính quý I/2019 của DLG còn có một số điểm kém tích cực khác. Cụ thể, trong 8.707 tỷ đồng tài sản tính đến ngày 30/3/2019 có 43% giá trị là các khoản phải thu, bao gồm 2.973,8 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và 763 tỷ đồng phải thu dài hạn, trong đó có tới 1.887,8 tỷ đồng là các khoản cho vay với hàng chục tổ chức và cá nhân khác nhau.

Sẽ không có gì bất thường nếu như DLG có nguồn lực tài chính dồi dào và sử dụng cho vay, đầu tư để tăng lợi ích cho cổ đông, hay các khoản cho vay với công ty liên kết, đơn vị liên quan có thể hiểu là hoạt động hỗ trợ vốn kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế bản thân DLG còn đang phụ thuộc vào nguồn vốn  đi vay, với dư nợ vay vào cuối quý I/2019 là 3.696 tỷ đồng.

Vay nợ nhiều, nên chi phí lãi vay trong kỳ tăng cao, đạt 78 tỷ đồng, tương đương 75% lợi nhuận gộp và vượt 35% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (không bao gồm lợi nhuận tài chính). Trong năm 2018, lãi vay hạch toán vào chi phí trên báo cáo hoạt động là 330 tỷ đồng, tương đương 3/4 lợi nhuận gộp.

Trong khi phần lớn các khoản đi vay là vay ngân hàng với lãi suất thả nổi tạo nên dòng chi phí bào mòn lợi nhuận, thì bên cạnh các khoản cho vay bên liên quan, DLG còn có hàng trăm tỷ đồng cho vay cá nhân với lãi suất thấp so với mặt bằng lãi suất huy động chung trên thị trường.

Đơn cử, khoản cho vay dài hạn của DLG với cá nhân ông Nguyễn Tấn Đạt, dư nợ cho vay tăng từ 26,8 tỷ đồng cuối năm 2017 lên 218,9 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018. Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất của DLG cho biết, lãi suất theo hợp đồng vay tiền ngày 1/1/2018 là 0,4%/năm. Theo các phụ lục hợp đồng vay ký các tháng 4, 7 và 10/2018, mức lãi suất đã cao hơn, nhưng cũng chỉ dao động từ 3 - 8,5%/năm. Đến cuối quý I/2019, dư nợ của DLG tại khoản cho vay này tiếp tục tăng lên 225,8 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay và lãi phải thu của DLG. 

Dư nợ cho vay lớn đồng nghĩa với DLG có khoản doanh thu tài chính không nhỏ từ lãi tiền gửi và cho vay. Nếu như năm 2017, con số tiền lãi ghi nhận là 115 tỷ đồng, thì năm 2018 tăng lên 133,8 tỷ đồng và riêng quý I/2019 là 39,4 tỷ đồng. Có thể thấy, chính khoản mục này đã góp phần quan trọng vào tổng lợi nhuận những năm qua, giúp DLG cân đối phần nào áp lực từ chi phí tài chính.

Dù vậy, số dư tại khoản mục lãi cho vay và phải thu của DLG cũng ngày càng tăng, từ 88,4 tỷ đồng cuối năm 2017 lên 169 tỷ đồng cuối năm 2018. Như vậy, số tăng ròng trong năm 2018 tương đương 60% lãi ghi nhận vào doanh thu tài chính. Tính đến cuối quý I/2019, lãi phải thu tăng lên 169,2 tỷ đồng. 

Nghi ngại chất lượng tài sản

Ngoài phải thu từ cho vay và lãi cho vay, khoản mục tài sản, đầu tư khác của DLG cũng đang bị đặt dấu hỏi về chất lượng và khả năng thu hồi. Chẳng hạn, khoản 126,4 tỷ đồng liên quan đến hợp đồng xây dựng 5 cây cầu tại Lào từ tháng 11/2014, nhưng sau 5 năm vẫn chưa thu được tiền. Hay khoản đầu tư 264 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Khai thác và chế biến khoáng sản Đức Long Gia Lai - doanh nghiệp có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, được DLG góp 88% vốn (tương đương 264 tỷ đồng) khi thành lập tháng 9/2015 với mục tiêu đầu tư ngắn hạn (dưới 12 tháng), nhưng đến nay vẫn chưa thể chuyển nhượng.

Tính đến cuối quý I/2019, DLG đã phải trích lập dự phòng 33,6 tỷ đồng cho các khoản phải thu ngắn hạn. Với hàng nghìn tỷ đồng các khoản phải thu, trong đó phân nửa là từ cho vay, rủi ro khó thu hồi và tăng trích lập dự phòng là không nhỏ đối với DLG, khi hầu hết đều là cho vay tín chấp, không có tài sản bảo đảm.

Hay như khoản hợp tác đầu tư 300 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh bất động sản Đức Long Gia Lai (DLGL - công ty con do DLG sở hữu 84% vốn) góp vốn cùng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vạn Gia Long thực hiện dự án Sunshine Apartment tại quận 7, TP.HCM, dù dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2018 (thời gian hợp tác từ tháng 5/2016), nhưng đến nay tiến độ triển khai vẫn rất chậm.

Ngày 2/5/2019, DLGL đã đăng thông báo về việc tạm dừng chuyển nhượng hợp đồng đặt cọc giữ chỗ căn hộ tại dự án giữa khách hàng và bên thứ ba trong thời gian từ  2/5/2019 - 17/6/2019. Nguyên nhân là do chủ đầu tư cần rà soát lại một số yếu tố pháp lý liên quan đến việc ký kết và chuyển nhượng hợp đồng. Được biết, UBND TP.HCM đã đề nghị cơ quan điều tra làm rõ một số dấu hiệu sai phạm tại dự án trên cơ sở nội dung đã được cơ quan Thanh tra Thành phố phát hiện, báo cáo trước đó.

Cũng với Vạn Gia Long, ngoài khoản đầu tư 300 tỷ đồng hạch toán tại khoản mục phải thu dài hạn, đến cuối quý I/2019, số dư của DLG với đơn vị này còn có 31,8 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, 10,8 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, 6 tỷ đồng cho vay dài hạn. Ngược lại, DLG có nghĩa vụ phải trả 34 tỷ đồng với Vạn Gia Long hạch toán từ nguồn người mua trả tiền trước. 

Thách thức kế hoạch kinh doanh 2019 và 2020

Cuối tháng 3/2019, Hội đồng quản trị DLG đã gửi công văn xin gia hạn thời gian tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên đến hết tháng 6/2018 và được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai chấp nhận.

Đến nay, mặc dù thời gian cụ thể về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông chưa được công bố, nhưng theo thông tin từ báo cáo thường niên 2018, Hội đồng quản trị DLG đã xây dựng kế hoạch 4.000 tỷ đồng doanh thu và 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho năm 2019 để trình Đại hội thông qua.

Đến năm 2020, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng lên tương ứng 5.200 tỷ đồng và 350 tỷ đồng - là các chỉ tiêu cao nhất từ trước đến nay của DLG. Trong 10 năm trở lại đây, ngay cả thời điểm "thăng hoa" nhất, lợi nhuận của DLG chưa từng vượt qua con số 100 tỷ đồng, nên khả năng hoàn thành các kế hoạch đề ra bị đặt dấu hỏi là điều dễ hiểu, nhất là khi DLG đã lỗ ngay từ quý đầu năm 2019.

Cần lưu ý là những năm qua, DLG thường xuyên lên kế hoạch kinh doanh lạc quan, nhưng kết quả thực hiện đều ở mức rất thấp. Chẳng hạn, năm 2018, DLG đặt mục tiêu đạt 140 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng thực hiện chỉ 10% kế hoạch. Trước đó, năm 2017, kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 200 tỷ đồng, song mới hoàn thành được 44%. Năm 2016, DLG thực hiện được 43,5% kế hoạch lãi 220 tỷ đồng - là năm có kết quả tốt nhất của Công ty.

Trong 3 năm trở lại đây, lợi nhuận của DLG có xu hướng đi xuống, trong khi ngược lại, quy mô tài sản, nguồn vốn lại tăng nhanh qua các đợt chào bán tăng vốn và tăng vay nợ. Đây là nguyên nhân khiến các chỉ số sinh lời của DLG suy giảm đáng kể, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất đều đã xuống dưới mức 1%.

Hiện tại, giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu DLG đạt trên 10.000 đồng, nhưng do lợi nhuận suy giảm cùng áp lực tài chính, nợ vay, chất lượng tài sản…, thị giá cổ phiếu này đã giảm hơn 80% trong vòng 3 năm qua, thậm chí đến cuối tháng 2/2019 chỉ còn khoảng 1.200 đồng/cổ phiếu. Trong tháng 3/2019, cổ phiếu DLG đã tăng giá gần 50% với kỳ vọng sáng hơn về triển vọng kinh doanh năm nay, trước khi giảm trở lại hơn 20% trong 1 tháng qua, thời điểm kết quả kinh doanh quý đầu năm dần lộ rõ.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục