“Điểm gợn” từ các khoản phải thu tại Dược Hà Tây

Việc Công ty cổ phần Dược Hà Tây (mã DHT, sàn HoSE) vẫn tăng tốc kinh doanh trong khó khăn chung không có gì quá lạ bởi đây là lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của Covid-19.
Theo kết quả kinh doanh quý I/2020, Dược Hà Tây đạt tốc độ tăng trưởng khá về doanh thu và lợi nhuận. Theo kết quả kinh doanh quý I/2020, Dược Hà Tây đạt tốc độ tăng trưởng khá về doanh thu và lợi nhuận.

Con vượt mẹ

Theo kết quả kinh doanh quý I/2020, Dược Hà Tây đạt tốc độ tăng trưởng khá về doanh thu và lợi nhuận. Việc doanh nghiệp này có tốc độ tăng lợi nhuận hợp nhất cao hơn so với lợi nhuận riêng công ty mẹ cho thấy, công ty mẹ đang “nhờ vả” được các công ty con.

Cụ thể, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý I/2020 của công ty mẹ là 503,3 tỷ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Lê Xuân Thắng, Tổng giám đốc Dược Hà Tây, tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần công ty mẹ quý I/2020 cao hơn cùng kỳ năm trước là 1,58%.

Trong khi đó, về hoạt động kinh doanh hợp nhất, doanh thu thuần quý I/2020 đạt gần 519 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước. Ông Thắng cho biết, tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thuần hợp nhất quý I/2020 cao hơn con số của cùng kỳ năm trước là 1,45%.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất quý I/2020 là 32,3 tỷ đồng, tăng 29,7% so với mức 24,9 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Còn lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 30,5 tỷ đồng, chỉ tăng 19,6%  so với mức 25,5 tỷ đồng trong quý I/2019.

Xét về tỷ lệ đóng góp của công ty mẹ vào tổng doanh thu và lợi nhuận của Dược Hà Tây, có thể thấy, công ty mẹ vẫn chiếm phần lớn, với gần 97% doanh thu và 94,4% lợi nhuận. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất nhanh hơn khá nhiều so với công ty mẹ, với hiệu quả kinh doanh của các công ty con “bé hạt tiêu” mới là những động lực tăng trưởng cho Dược Hà Tây.

“Điểm gợn” nợ khó đòi

Sự gia tăng khá của doanh thu trong quý I là tín hiệu tốt ở công ty mẹ nói riêng và toàn bộ hệ thống Dược Hà Tây nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp đang tỏ ra có ưu thế hơn đối với khách hàng khi tăng được doanh thu, nhưng không phải chấp nhận nhượng bộ cho khách hàng chậm thanh toán.

Chưa xử lý được các khoản nợ đọng treo từ đầu năm

Số dư trả trước cho người bán tại ngày 31/3/2020 chỉ là 3,2 tỷ đồng, giảm tới 91,2% so với đầu năm. Tuy nhiên, trong quý I, công ty mẹ Dược Hà Tây chưa giải quyết được các khoản nợ đọng treo từ đầu năm, khi số liệu dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi không có biến động gì trong suốt quý.    

Theo đó, trong quý I/2020, Dược Hà Tây đã xử lý các khoản phải thu theo chiều hướng khá tích cực. Các khoản phải thu ngắn hạn tại ngày 31/3/2020 chỉ còn 123,9 tỷ đồng, giảm tới 46,3% so với đầu năm, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng gần 98 tỷ đồng, giảm tới 47,5% so với ngày 1/1/2020 .

Tuy nhiên, các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi của Công ty chưa được khắc phục và vẫn ở mức 289 triệu đồng. Con số này tuy không lớn, nhưng nếu nhìn lại báo cáo tài chính của Dược Hà Tây cách đây 1 năm, thì số nợ khó đòi có xu hướng tăng, bởi khoản trích lập phải thu khó đòi tại thời điểm một năm trước chỉ là 206,5 tỷ đồng.

Đối với công ty mẹ, các khoản phải thu thậm chí còn giảm mạnh hơn, chỉ còn 97,5 tỷ đồng tại ngày 31/3/2020, giảm 56,6% so với đầu năm. Việc giảm phải thu ngắn hạn tại công ty mẹ không chỉ được thể hiện ở việc giảm phải thu ngắn hạn khách hàng, mà doanh nghiệp này còn hạn chế được đáng kể các khoản phải chi trước cho người bán đối với việc nhập các yếu tố đầu vào.

Sự đóng băng của các khoản nợ khó đòi tuy chỉ là một “điểm gợn” nhỏ do con số tuyệt đối không lớn, nhưng các nhà đầu tư thường không có thiện cảm với các số liệu trích lập khó đòi kỳ sau tăng hơn kỳ trước, hoặc không tăng nhưng tỷ trọng trên tổng phải thu tăng, hoặc bị “đóng băng”. Đối với Dược Hà Tây, con số nợ phải thu phải trích lập vừa có yếu tố “đóng băng” về giá trị tuyệt đối, vừa có yếu tố tăng về tỷ trọng trên tổng các khoản phải thu.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục