ĐHĐCĐ Tập đoàn Hòa Bình (HBC): Phủ nhận thông tin 1 tập đoàn mua lại 51% cổ phần

(ĐTCK)  Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ)  Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) diễn ra sáng nay (24/6), ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC cho biết, thông tin về việc một tập đoàn mua đến 51% cổ phần HBC là không có.
ĐHĐCĐ Tập đoàn Hòa Bình (HBC):  Phủ nhận thông tin 1 tập đoàn mua lại 51% cổ phần

Theo ông Hải, một số nhà đầu tư đặt vấn đề làm nhà đầu tư chiến lược nhưng thời điểm này, HBC không tăng vốn được vì giá trị cổ phiếu thấp, nếu phát hành cao hơn giá thị trường vài chục phần trăm cũng vẫn chưa hợp lý.

Mặt khác, theo ông Hải, việc mời một tập đoàn bất động sản làm cổ đông chiến lược sẽ dẫn đến mâu thuẫn với hàng chục chủ đầu tư bất động sản khác là khách hàng.

"Tôi không nghĩ là sẽ phát hành cổ phần cho một tập đoàn bất động sản nào đó", ông Hải khằng định.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về kỳ vọng kế hoạch kinh doanh năm 2020 có thể cao hơn kế hoạch Công ty đưa ra, ông Hải trả lời, điều này rất khó khăn do số doanh thu đã ký chuyển sang 2020-2021 thấp, chỉ có 16.000 tỷ đồng, trong đó có 10.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2020. Dự án ký được từ đầu năm rất thấp do ảnh hưởng Covid-19.  

Ông Hải cho biết, HBC đang tham gia 120 gói thầu với tổng giá trị 41.900 tỷ đồng, nhưng ký mới chỉ 3.100 tỷ đồng. Vì vậy, đến cuối năm 2020, doanh thu thực hiện trong năm đưa thêm vào chỉ khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng nữa. 

Ông Hải cho biết, từ đầu năm 2020, HĐQT đã đề ra kế hoạch doanh thu 20.200 tỷ đồng, lợi nhuận 720 tỷ đồng. Song, do tác động của đại dịch Covid-19, HĐQT xét thấy không thể giữ được kế hoạch đã đề ra. HBC trình ĐHĐCĐ kế hoạch 2020 với doanh thu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. 

Về giải pháp thúc đẩy kinh doanh, ông Hải cho biết, sẽ phát hành trái phiếu với lãi suất hợp lý, chỉ tương đương lãi tiền gửi tiết kiệm và thoái vốn bớt ở công ty con không phải ngành chiến lược để tập trung cho hoạt động kinh doanh chính.

Ông Lê Viết HIếu, thành viên HĐQT HBC cho biết, năm 2019, tổng thị trường xây dựng suy giảm. HBC là công ty duy nhất tăng doanh thu khi các công ty đầu ngành đều giảm, trong đó có công ty giảm đến 40% doanh thu. 

Cạnh tranh về giá giữa các chủ đầu tư rất gay gắt. HBC đã tiếp cận mở rộng thị trường 4 tỉnh, thành phố mới và có mặt ở 5 quốc gia. Tổng số lượng công trình đang thi công là 80 công trình. Doanh thu tổng thầu của Hoà Bình vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu.

Về cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành, HBC có rủi ro là các doanh nghiệp nhỏ dễ dàng tham gia thị trường. Vì thế, HBC phải tinh giảm bộ máy, giảm chi phí để cạnh tranh với doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Giải thích nguyên nhân doanh thu của HBC tăng mà lợi nhuận giảm năm 2019, ông Hải cho biết, việc cạnh tranh giữa các nhà thầu để giữ người lao động có công ăn việc làm khiến giá thầu giảm. HBC cũng phải có giá thầu hợp lý để giữ thị phần và có một khoản lợi nhuận hợp lý. 

HBC sử dụng nhân lực chưa hiệu quả khi một số nhân lực còn đang chờ việc, phải thực hiện đào tạo nâng cao để chuẩn bị cho chiến lược lâu dài khi HBC muốn mở rộng thị phần, và ra nước ngoài. Việc duy trì lực lượng nhân lực hiện tại cũng khiến chi phí tăng lên.

Về câu hỏi các khoản nợ Công ty xử lý thế nào, đại diện HBC cho biết, năm 2017, chỉ thu 78% giá trị doanh thu, năm 2018 thu 85%, năm 2019 thu được 94% cho đến cuối tháng 5/2020 thu được 121% (tức thu cả khoản chưa thu được năm trước). Việc này giúp HBC giảm chi phí. Tính luỹ kế HBC đã thu được 98% doanh số làm ra được chủ đầu tư ghi nhận.

Ông Hải cho biết thêm, HBC sẽ mở rộng hoạt động M&A đầu tư vào công ty liên kết trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, thầu phụ để tạo nên chuỗi giá trị tận dụng các cơ hội phát triển trong thời kỳ tới.

“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ xem xét tỷ lệ sở hữu ở mức hợp lý để tránh những mâu thuẫn về lợi ích”, ông Hải nói. 

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục