ĐHCĐ VCBF: VN-Index hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường trong khu vực

(ĐTCK) Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank VCBF, ông Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc Công ty cho rằng, hầu hết các rủi ro đã phản ánh vào giá cổ phiếu, trong khi dự báo tăng trưởng lợi nhuận các công ty vẫn ở mức tốt. 
ĐHCĐ VCBF: VN-Index hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường trong khu vực

Theo VCBF, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa trên nhiều mũi nhọn. Dẫn đầu là sản xuất, điều kiện nông nghiệp thuận lợi, nhu cầu trong nước mạnh mẽ và nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam vẫn tiếp tục bất chấp những bất ổn toàn cầu. Kinh tế Việt Nam cũng sẽ được hỗ trợ từ tăng trưởng xuất khẩu trong dài hạn nhờ các hiệp định thương  mại. 

Việt Nam có cơ sở vững chắc để tăng trưởng trong 2019, bao gồm nhu cầu nội địa vẫn tốt, được củng cố bởi tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư.

Nếu thuận lợi, doanh số bán lẻ trong nước vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ thu nhập khả dụng tăng và niềm tin tiêu dùng cao. Mặt khác, đầu tư của khu vực tư nhân dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, khu vực FDI dự báo tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Chưa kể đến, năm 2019-2020, đầu tư công dự kiến tăng tốc sau hai năm giải ngân chậm. 

Theo đó, đối với triển vọng thị trường trái phiếu, ông Đông nhận định, khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành khá lớn, cao hơn khối lượng phát hành thực tế 56,6%.

Về phía cung, lợi tức trái phiếu Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giải ngân vốn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp việc giải ngân được cải thiện mạnh mẽ, nhu cầu vốn gia tăng, kế hoạch phát hành trên chịu nhiều áp lực hơn và sức ép tăng lợi suất trái phiếu. 

Về phía cầu, các đợt IPO, thoái vốn sẽ tác động đến lượng ngoại tệ đưa vào Việt Nam, qua đó ảnh hưởng đến cung cầu nội tệ. Và theo đó, ảnh hưởng tới xu hướng lợi tức trái phiếu Chính Phủ. 

Còn thị trường chứng khoán, ông Đông cho rằng, hầu hết các rủi ro đã phản ánh vào giá cổ phiếu, trong khi dự báo tăng trưởng lợi nhuận các công ty vẫn ở mức tốt. 

Cuối năm 2018, hệ số giá trên thu nhập (P/E) của VN-Index là 15,6 lần, ngang với mức trung bình 16 lần và thấp hơn hẳn so với mức 21,8 lần tại thời điểm VN-Index đạt đỉnh lịch sử vào tháng 4/2018.

Theo ông Đông, mức định giá hiện tại đã hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường trong khu vực. Ngoài ra, mức định giá này còn bị bóp méo bởi một số cổ phiếu vốn hoá lớn đang được định giá rất cao. 

Thống kê cho thấy, P/E và P/B của 30 công ty lớn nhất trong rổ VN-Index chiếm tới 82% vốn hoá của chỉ số, lần luợt là 29,9 lần và 4,4 lần. Trong khi P/E và P/B trung vị của các công ty niêm yết chỉ là 9,1 lần và 0,9 lần. Điều này có nghĩa, nhiều cổ phiếu đang giao dịch ở mức chiết khấu lớn. Trong khi đó, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết được dự báo tăng trưởng ở mức bình quân 13% trong năm 2019. 

Thêm vào đó, VCBF cho rằng, động thái của FED đã ôn hoà hơn, báo hiệu chu kỳ tăng lãi suất đã dần kết thúc và có thể hỗ trợ dòng vốn vào các thị trường mới nổi. Triển vọng nâng hạng thị trường của Việt Nam sẽ rõ ràng hơn với Luật Chứng khoán sắp sửa đổi tới đây. IPO và thoái vốn năm 2019 cũng giúp thu hút dòng vốn ngoại mạnh mẽ hơn. 

Theo đó, chiến lược đầu tư của VCBF vẫn tiếp tục tập trung các lĩnh vực hưởng lợi từ việc gia tăng thu nhập khả dụng như hàng tiêu dùng, bán lẻ, thương mại điện tử, du lịch và dịch vụ tài chính.

Ngoài ra là các công ty tiện ích, như sản xuất điện do nhu cầu điện năng tăng trong khi nguồn cung hạn chế; các công ty hưởng lợi từ việc đẩy mạnh giải ngân cho cơ sở hạ tầng; nhóm ngành hưởng lợi từ hiệp định thương mại như logicstic và khu công nghiệp. 

Trong quý I/2019, Quỹ Đầu tư Cân bằng Chiến lược VCBF (VCBF-TBF) đạt lợi nhuận 4,82% và Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Hàng đầu VCBF (VCBF-BCF) đạt 5,56%. Hai quỹ mở này của VCBF đang quản lý tổng tài sản hơn 818 tỷ đồng của gần 3.500 nhà đầu tư tính đến ngày 31/3/2019.

Tại thời điểm cuối năm 2018, tài sản quỹ VCBF-BCF phân bổ đến 98,9% cổ phiếu, trong đó 5 ngành chiếm tỷ trọng lớn là hàng hoá và dịch vụ công nghiệp, ngân hàng, xây dựng và vật liệu xây dựng, thực phẩm và đồ uống, viễn thông... Chiếm 29,2% NAV là 5 cổ phiếu gồm VNM, MBB, FPT, POW, VSC. 

Còn với VCBF-TBF, tài sản quỹ phân bổ 70,6% cổ phiếu, 29,4% là tài sản thu nhập cổ định. Cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất là VNM 5,7% NAV, trái phiếu MSN 11718 là 5,3%, FPT 4,4% NAV, MBB 4% NAV và VSC 3,4%. 

Lợi nhuận của Quỹ Đầu tư Cân bằng Chiến lược VCBF đã đạt trung bình 13,92% mỗi năm kể từ khi thành lập ngày 24/12/2013 tính đến 31/3/2019. Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Hàng đầu VCBF đạt lợi nhuận trung bình 14,61% mỗi năm kể từ khi thành lập ngày 22/8/2014 tính đến 31/03/2019.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục