ĐHCĐ FPT Retail (FRT): Lợi nhuận sẽ tăng trưởng 20%, chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn lỗ

(ĐTCK) ĐHCĐ CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT retail, mã chứng khoán FRT) thông qua kế hoạch năm 2019 với chỉ tiêu doanh thu 17.700 tỷ đồng, tăng 16% và lợi nhuận sau thuế 418 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018.
ĐHCĐ FPT Retail (FRT): Lợi nhuận sẽ tăng trưởng 20%, chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn lỗ

Trong đó, cơ cấu doanh thu chủ yếu đóng góp từ mảng truyền thống là ITC, dự kiến 17.200 tỷ đồng; còn mảng mới là chuỗi nhà thuốc Long Châu, theo dự kiến chỉ đóng góp 500 tỷ đồng doanh thu nhưng chưa có lãi, dự kiến chịu lỗ 20 tỷ đồng. 

Thúc đẩy mua trả góp và phân phối phụ kiện đóng góp chính cho tăng trưởng 2019

Năm 2018, FRT đã triển khai chương trình F.Friend (chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp) tại khoảng 250 nhà máy cho cán bộ công nhân viên. Năm nay, FRT sẽ dịch chuyển dần nhóm khách hàng hướng đến là nhân viên văn phòng.

Đồng thời, công ty vẫn tiếp tục phối hợp thêm nhà mạng vinaphone để đẩy mạnh lượng bán hàng. Với kênh này đã mang về cho FRT 1.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2018. Dự kiến, doanh thu tăng thêm từ chương trình này là 300 tỷ đồng, tức góp 1.300 tỷ đồng trong tổng doanh thu trong năm nay.

Với chiến dịch nâng đời sản phẩm, chủ yếu là để kích thích khách hàng mua sản phẩm nhiều hơn, thu mua máy cũ đổi máy mới, khai thác mạnh hơn ở hình thức trả góp - chiếm tỷ trọng 32% tổng doanh thu. Năm 2019, FRT dự kiến đẩy tỷ trọng mảng này lên 45%, tương ứng góp 1.700 tỷ đồng trong 2.500 tỷ đồng doanh thu phải tăng lên để đảm bảo tăng trưởng 16%.

Theo thống kê, các chuỗi bán lẻ đi trước, doanh thu từ hình thức mua trả góp chiếm 50% tổng doanh thu, do đó, theo bà Điệp, FRT vẫn còn dư địa để đẩy hoạt động này.

Ngoài ra, công ty còn đẩy mạnh hơn mảng phụ kiện, mục tiêu mang về 1.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 67% so với thực hiện năm 2018. Hiện FRT đã làm việc với các nhà cung cấp, để thu mua tận nguồn nên có được mức giá cạnh tranh hơn thị trường hơn 20% nhưng biên lợi nhuận vẫn tăng 10% so với trước đây.

Còn mảng online, 4 năm trước chỉ đóng góp 7-8% tổng doanh thu FRT, thì trong năm 2018 đã tăng lên 15%. Kế hoạch năm 2019, mảng này đóng góp 1.000 tỷ đồng, ngoài các sản phẩm của samsung, oppo…, thì FRT sẽ đưa thêm các sản phẩm độc quyền của một số nhãn chuyên có các mặt hàng chỉ dành cho online. Đồng thời, triển khai thêm sản phẩm mới, ngành hàng mới. FRT cũng tiếp tục kết hợp các sàn thương mại điện tử để tận dụng chính sách khuyến mãi của các sàn và tăng lượt khách truy câp.

Năm 2020, chuỗi nhà thuốc mới hết lỗ

Bà Điệp cho biết, giai đoạn 2019-2022, chuỗi nhà thuốc sẽ là mảng chủ lực và tiềm năng đóng góp cho tăng trưởng của FRT.

Năm 2019, Công ty dự kiến mở thêm 50 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 70. Các năm sau, mỗi năm mở mới 100 cửa hàng, đến 2022 sẽ đạt 700 cửa hàng.

Thị trường dược phẩm có quy mô khoảng 4,5 tỷ USD/năm, (chưa tính toán phần hàng tiêu thụ trên thị trường mà không có hóa đơn chứng từ, hàng nhập lậu), ngang ngửa với ngành hàng điện thoại. Mức sống người dân đang tăng lên, mức sẵn sàng chi trả cho sức khỏe nhiều hơn. Ngoài ra, hiện có hơn 30.000 nhà thuốc khắp cả nước, gấp 3 lần số lượng cửa hàng chuỗi di động ngày xưa và đến bây giờ chưa có một chuỗi nào dẫn đầu mảng này.

Vì vậy, bà Điệp cho rằng, sau giai đoạn phát triển hệ thống phân phối, không lý do gì mà không nghĩ đến nhập khẩu thuốc về bán, hoặc thậm chí là tự sản xuất thuốc.

FRT sẽ tập trung xây dựng mảng hậu cần logistics, phát triển đội ngũ nhân sự ngành dược. Tham vọng sẽ chiếm 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 3 - 4 năm tới, mảng dược sẽ đóng góp khoảng 40% vào doanh thu của FRT (khoảng 10.000 tỷ đồng).

Bà Điệp chia sẻ, trung bình mỗi cửa hàng Long Châu mang về doanh thu 3 tỷ đồng/tháng với hơn 6.000 mã sản phẩm (SKU), trong khi ở các chuỗi khác chỉ khoảng 2.000 SKU, mang về doanh số 600-700 triệu đồng/tháng.

Trả lời thắc mắc về điểm hòa vốn của các cửa hàng, bà Điệp cho biết, chưa nói ngay được con số hòa vốn rõ ràng, do năm 2018 đang thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau, nên thời gian hòa vốn phụ thuộc vào loại hình shop thử nghiệm. Từ 2019, sẽ áp dụng đồng loạt ở các tỉnh như Biên Hòa, Mỹ Tho, Long An, còn ở TP. HCM đã khá ổn định.

Hiện có 3 loại nhà thuốc, loại A, B, C tùy thuộc vào địa điểm, diện tích... nên chi phí đầu tư sẽ khác nhau, tuy nhiên mức đầu tư khoảng tầm 70-80% chi phí của cửa hàng FPT Shop. Còn tồn kho khoảng 1,5 lần so với tổng chi phí đầu tư xây dựng, sửa chữa... Đối với công nợ, FRT đàm phán với đối tác khoảng 15-30 ngày.

Con số kế hoạch năm 2019, chuỗi nhà thuốc dự kiến đóng góp 500 tỷ đồng doanh thu và vẫn còn dự lỗ 20 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu 2.000 tỷ đồng, không còn lỗ và đến năm 2021 là 4.300 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 62 tỷ đồng, năm 2022 là 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận 193 tỷ đồng.

ĐHCĐ cũng thông qua các tờ trình phát hành cổ phiếu ESOp năm 2018 và chủ trương cho năm 2019; tờ trình chi trả cổ tức 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu (trả trong quý II-III/2019). HĐQT và Ban Kiểm soát công ty cũng sẽ không nhận thù lao bằng tiền cho năm 2018-2019.

Ngoài ra, có tờ trình lưu ý là xin ý kiến cổ đông thông qua các giao dịch với bên liên quan. Cụ thể, trong năm 2018, FRT đã thu hồi lại hết khoản vay gần 71 tỷ đồng của bà Điệp. Theo chia sẻ từ bà Điệp, đây là giai đoạn công ty cử bà đứng ra mua cửa hàng Long Châu với tư cách cá nhân để thử nghiệm có an toàn, phù hợp để phát triển, sau đó mới đưa vào FRT.  

Bên cạnh đó, FRT cũng đã vay 20 tỷ đồng từ CTCP FPT (FPT) trong năm vừa qua.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục