ĐHCĐ CII: Nhất định phải đảm bảo quyền lợi cổ tức cho cổ đông năm 2019

(ĐTCK) "Tôi làm ở CII 18 năm, nhưng trong 17 năm chưa có năm nào khó khăn như năm 2018. Dù từng gặp phải tình huống dự án chậm trễ rồi sau đó cũng ổn thoả, nhưng không rỗng túi như năm 2018, CII đối mặt với các dự án chậm trễ, ngân hàng không giải ngân, nguồn tiền từ thu phí cũng ách tắc...”.
ĐHCĐ CII: Nhất định phải đảm bảo quyền lợi cổ tức cho cổ đông năm 2019

Chia sẻ trên được ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII - sàn HOSE) cho biết tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 diễn ra sáng nay (18/4).

"Tình huống này chắc chắn phải khắc phục dần, và chúng tôi cũng đã mạnh dạn đặt kế hoạch cho năm 2019. Năm nay, làm gì thì làm, cũng nhất định phải đảm bảo được quyền lợi trả cổ tức cho cổ đông”, ông Hoàng nhấn mạnh.

 “17 năm, chưa năm nào CII rỗng túi như năm 2018”

Năm 2018, CII bị ảnh hưởng bởi văn bản của Bộ Tài chính yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Vì vậy, trong suốt năm 2018, CII không được thanh toán bất kỳ hợp đồng BT nào đã ký kết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của công ty và “phá vỡ mọi dự tính, dự báo của CII”, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII nói. 

Bên cạnh đó, dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận bị chậm tiến độ so với kế hoạch mà “nhiều lần tưởng như đổ vỡ”, ông Bình báo cáo tại Đại hội.

Cụ thể, CII phải huy động thêm một lượng vốn khoảng 1.000 tỷ đồng do yêu cầu nâng tỷ lệ vốn chủ lên 30% từ mức 15% tổng mức đầu tư của dự án (tương đương 2.500 tỷ đồng), trong khi theo phương án tài chính được phê duyệt ban đầu thì nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cần phải góp là 1.542 tỷ đồng.

Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất của CII là về vốn vay ngân hàng, do chênh lệch rất lớn giữa lãi suất tính toán hoàn vốn theo phương án tài chính được duyệt và lãi suất vay thực tế. 

Ông Bình cho biết, lãi suất cho dự án BOT theo quy định là 1,5 lần lãi suất trái phiếu chính phủ. Năm 2018, lãi suất trái phiếu chính phủ xuống rất thấp. Kỳ hạn 10-15 năm đã xuống dưới 5%. Vậy, nếu tính toán lãi suất theo quy định thì dự án BOT do CII thực hiện chỉ có lãi suất khoảng 7,5%, trong khi lãi suất thương mại 10-11%. 

Thêm vào đó, CTCP Tập đoàn Yên Khánh, cổ đông chiếm 30% vốn đã có một số sai phạm ở một số dự án khác do nhà đầu tư này làm chủ đầu tư. Do đó, phía ngân hàng yêu cầu phải thay thế nhà đầu tư này mới giải ngân vốn, trong khi cơ quan chức năng có thẩm quyền lại chỉ cho phép thay thế nhà đầu tư khi dự án hoàn thành. Sau khi kiến nghị, ngày 20/2/2019, Thường trực Chính Phủ đã họp và đồng ý giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện để dự án được tiếp tục triển khai. 

“Đã có lúc chung tôi muốn bỏ, nhưng bỏ thì bị phạt hợp đồng 20% giá trị mà CII bỏ ra”, ông Bình nói. 

Còn với dự án BOT Xa lộ Hà Nội, đến nay dù hoàn tất các thủ tục nhưng CII vẫn chưa thực hiện được việc thu phí hoàn vốn cho dự án. Cụ thể, theo hợp đồng BOT, ngày 1/1/2018, CII bắt đầu thu dịch vụ sử dụng đường bộ cho dự án Xa lộ Hà Nội, nhưng cuối năm 2017 dự án vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh nên việc thu giá chưa thể thực hiện. Đến khi có được giấy chứng nhận thì vẫn bị kéo dài do hàng loạt các thủ tục khác.

Năm 2018, CII chỉ đạt 95 tỷ đồng lãi ròng, hoàn thành 8% kế hoạch lợi nhuận. Theo đó. HĐQT CII trình cổ đông năm 2018 không chia cổ tức, không phát hành ESOP 2018. Thay vào đó, công ty đặt mục tiêu chia cổ tức năm 2019 tối đa 32%. Theo ông Bình, phấn đấu cổ tức bằng tiền chứ không phải cổ tức gió như 2 năm vừa qua. 

Dự kiến, sau tháng 7, dòng tiền về CII sẽ rất nhiều, theo đó công ty sẽ chia cổ tức làm 2 đợt, cuối năm 2019 và thời điểm gần ĐHCĐ CII năm sau. 

Kế hoạch lợi nhuận 932 tỷ đồng, 95% đến từ bất động sản

Năm 2019, CII đặt kế hoạch doanh thu 5.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hợp nhất thực tế (không trừ lợi thế thương mại) là 932 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận có thể hoàn thành nếu không xảy ra tình huống thay đổi chính sách theo hướng bất lợi so với tình hình hiện nay.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, giờ này ngồi đây nhìn câu chuyện chính sách đang có tính tới thời điểm này, chúng tôi có thể chắc chắn đạt được, thậm chí là vượt. Với con số kế hoạch trên, có 95% đến từ bất động sản. Trong đó, thanh toán BT CII đã được nhận, được cấp giấy chứng nhấn sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Công ty cũng có kế hoạch làm việc với đối tác, trong đó đặc biệt là NBB đã thống nhất HĐTQ, Ban điều hành NBB về việc hoạt động của NBB.

"NBB là một cơ hội đầu tư tuyệt vời trong số các cơ hội đầu tư trong các năm qua của CII. Hiện CII đã đề nghị để nâng mức sở hữu từ 49% lên 64%", ông Bình chia sẻ.

Ông Bình cũng cho biết thêm, CII đã thống nhất với HĐQT của NBB và tại ĐHCĐ NBB diễn ra 24/4 sắp tới, trong nghị quyết ĐHCĐ sẽ thấy nội dung “giao nhiệm vụ cho HDQT NBB thoái vốn các dự án đầu tư bất động sản của NBB”. Ước tính NBB thu về 5.000 tỷ đồng từ các dự án thoái vốn trên và lợi nhuận cả năm ước đạt 870 tỷ đồng. Như vậy, nếu việc nâng tỷ lệ sở hữu tại NBB thành công, CII sẽ có thêm một khoản lợi nhuận khá lớn.

Trong khi đó, ông Hoàng cho biết, dự án Thủ Thiêm hiện nay làm đến đâu bán đến đó. Hiện có nhiều thông tin nhưng CII chưa tiện công bố. Chúng tôi chưa dám đặt vấn đề ở NBB, mặc dù mình đã sở hữu 49% nhưng vài ngàn tỷ đồng mình có thể có được.

Lãnh đạo CII cho biết, những khó khăn trong năm 2018 đã dần được khắc phục. Dự án BOT xa lộ Hà Nội mở rộng sẽ thu phí trong năm 2019; dự án 152 bất động sản hoàn thành phần thân, và dự án BT Trung Lương – Mỹ Thuận cũng phấn đấu triển khai năm nay. 

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục