“Cú đấm” tỷ USD của Vietnam Airlines trên sàn HOSE

(ĐTCK) Thương vụ cổ phiếu Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) lên sàn HOSE không chỉ ngay lập tức gia nhập nhóm doanh nghiệp tỷ USD mà còn tạo hứng khởi cho các tên tuổi còn lại lên sàn trong năm 2019.
“Cú đấm” tỷ USD của Vietnam Airlines trên sàn HOSE

Gia nhập “câu lạc bộ tỷ USD”

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã qua cái thời, số lượng doanh nghiệp có vốn hoá tỷ USD chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Sự tăng trưởng thị trường cộng với hàng loạt tên tuổi lớn đồng loạt “đổ bộ” lên sàn HOSE đã giúp số lượng doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD tăng mạnh thời gian vừa qua.

Tính tới ngày 1/2/2019, trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM có 29 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD, bao gồm 22 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE. So với danh sách được ghi nhận cách đây tròn 1 năm, số lượng doanh nghiệp tỷ đô hiện đã tăng thêm 3 doanh nghiệp. Cùng với đó, Sacombank, Habeco đã bị trượt khỏi danh sách này, thay vào đó là Viettel Global, VEAM, BSR, Vinhomes…

Một điểm đáng chú ý, trong danh sách những doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD hiện có tới 6 cái tên đến từ thị trường UPCoM. Nhờ quy định IPO gắn liền với lên sàn đã khiến UPCoM thành nơi thu hút nhiều tên tuổi lớn, thậm chí vượt xa HNX.

Cụ thể, 6 doanh nghiệp quy mô tỷ USD trên UPCoM bao gồm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với vốn hóa thị trường đạt 7,9 tỷ USD; Masan Consumer (2,8 tỷ USD), VEAM (2,9 tỷ USD), Vietnam Airlines (2,4 tỷ USD), lọc dầu Bình Sơn (1,7 tỷ USD), Viettel Global (1,6 tỷ USD). Trong khi đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) là đại diện duy nhất của HNX với vốn hóa 1,6 tỷ USD.

Trong số tên tuổi này, duy nhất có cổ phiếu của HVN của Vietnam Airlines được niêm yết đầu tiên trong năm nay trên HOSE trong phiên sáng nay (7/5). Theo đó, Vietnam Airlines cũng trở thành doanh nghiệp thứ hai trong số 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đại diện chủ sở hữu nhà nước có cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE tính đến thời điểm này.

Nhà đầu tư như “ngồi trên chảo lửa”

Thông tin HVN xuất hiện trên sàn HOSE khiến các nhà đầu tư toàn thị trường đứng ngồi không yên. Sức hấp dẫn của cổ phiếu hãng hàng không chiếm 52,2% thị phần hàng không nội địa, 26,5% thị phần hàng không quốc tế còn nóng hơn thế.

Lật lại lộ trình HVN gia nhập “câu lạc bộ” doanh nghiệp tỷ USD niêm yết mới thấy chiến lược kinh doanh đúng đắn, lành mạnh và hiệu quả mà Ban Lãnh đạo đã định hướng và thực thi trong thời gian qua.

 Chiến lược kinh doanh minh bạch, hiệu quả và bền vững của Vietnam Airlines là tiền đề nâng cao vị thế cổ phiếu HVN khi chính thức lên sàn HOSE.

Minh chứng, trong hơn 2 năm giao dịch tại UPCoM, HVN là một trong những cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất, nằm trong nhóm 5 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất với bình quân hơn 800.000 cổ phiếu giao dịch/phiên, tương đương giá trị giao dịch khoảng 30,6 tỷ đồng theo giá cổ phiếu bình quân năm 2018. Trên thị trường chứng khoán, Vietnam Airlines được HNX vinh danh trong Top 10 Doanh nghiệp UPCoM công bố thông tin minh bạch và công khai giai đoạn 2017-2018.

“Điều này cho thấy sự quan tâm và kỳ vọng cao của các nhà đầu tư đối với hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tiềm năng phát triển của Vietnam Airlines”, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết.

Mặc dù trong năm 2018, cổ phiếu HVN được điều chỉnh và pha loãng do phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, đi kèm với một số tác động chung từ thị trường làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, nhưng với những kết quả tích cực trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sự cải thiện trong hiệu quả hoạt động và lành mạnh hóa cấu trúc tài chính, giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines vẫn duy trì đà tăng trưởng khả quan và bền vững kể từ khi giao dịch trên UPCoM.

Tính đến ngày 23/4/2019, giá trị vốn hóa HVN đạt 2,5 tỷ USD, tăng 1,7 lần so với thời điểm chào sàn vào năm 2017. Cùng với đó, thương hiệu Vietnam Airlines tiếp tục tăng giá trị lên 416 triệu USD theo đánh giá của Brand Finance, nằm trong Top 10 thương hiệu mạnh nhất và giá trị nhất Việt Nam.

Kể từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào đầu năm 2015, Vietnam Airlines đã có bước tăng trưởng ngoạn mục về kết quả sản xuất kinh doanh.

Năm 2014, Vietnam Airlines mới chỉ đạt tổng doanh thu hơn 69.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 416 tỷ đồng. Đến năm 2017, hai chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh kết quả kinh doanh của Tổng công ty lần lượt là gần 84.000 tỷ đồng và 2.659 tỷ đồng.

Trong năm 2018, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt mức kỷ lục, xấp xỉ 100.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.312 tỷ đồng, vượt 23,4% so với kế hoạch. Các chỉ số tài chính của Vietnam Airlines cũng được cải thiện theo hướng bền vững, an toàn: Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (không bao gồm doanh thu bán) đã đạt tỷ lệ 2,58:1 vào cuối năm 2018 và chỉ còn 2,41:1 vào cuối quý I/2019.

Trong 3 tháng đầu năm nay, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty tiếp tục có những kết quả khả quan với tổng doanh thu hợp nhất ước đạt gần 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt hơn 1.579 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch cả năm. Trong đó, công ty mẹ ước đạt 19.332 tỷ đồng doanh thu, tăng 5,5% so với cùng kỳ và 1.279 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36,6% so với cùng kỳ.

Với kết quả kinh doanh tích cực đó, Vietnam Airlines đã đóng góp 6.718 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước trong năm 2018. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nhận định: “Đứng trên góc độ chủ sở hữu nhà nước, nguồn vốn nhà nước tại Vietnam Airlines là khoản đầu tư hiệu quả, đem lại những lợi ích thiết thực cho Nhà nước, cổ đông và người lao động”. 

Chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao đã giúp Vietnam Airlines gặt hái những thành công liên tục cả về mặt doanh thu lẫn vị thế trên thị trường quốc tế trong những năm gần đây. 

Nhờ những nỗ lực không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, Vietnam Airlines đã được cộng đồng trong nước và quốc tế tiếp tục đánh giá cao với hàng loạt giải thưởng danh giá. Đây là năm thứ ba liên tiếp Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Skytrax công nhận Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn Hãng hàng không quốc tế 4 sao.

Việc chuyển niêm yết trên sàn HOSE là bước nhảy vọt trong chiến lược kinh doanh, nâng cao uy tín, tăng tính minh bạch, chuẩn hóa hoạt động quản trị. Đặc biệt, Vietnam Airlines có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn “khủng” mới từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm giữ vững vị thế và mở rộng miếng bánh thị phần trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam rất tiềm năng những cũng cạnh tranh khốc liệt từng centimet. Cuối cùng, việc cổ phiếu tỷ USD này lên sàn sẽ làm “nóng” thị trường niêm yết trong năm nay, giúp nhà đầu tư thêm nhiều lựa chọn sinh lời.

H.Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục