Công trình giao thông Đồng Nai (DGT) im lặng trước đề nghị của nhóm cổ đông lớn

(ĐTCK) Nhóm cổ đông lớn đã gửi văn bản tới Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai (DGT) đề nghị được tham gia mua cổ phần trong đợt phát hành riêng lẻ, với giá cao hơn 67% nếu được mua toàn bộ khối lượng phát hành, nhưng chưa nhận được phản hồi. 
Công trình giao thông Đồng Nai (DGT) im lặng trước đề nghị  của nhóm cổ đông lớn

Theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 21/7/2018, DGT sẽ phát hành riêng lẻ 4 triệu cổ phiếu, gấp 1,61 lần số lượng cổ phiếu đang lưu hành (hơn 2,48 triệu cổ phiếu), với giá 12.000 đồng/cổ phiếu.

DGT sẽ phát hành cho tối đa 40 nhà đầu tư, trong đó ủy quyền cho Hội đồng quản trị tìm kiếm các nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn như các tổ chức/cá nhân, các quỹ đầu tư trong nước có tiềm lực tài chính, có mối quan hệ rộng có thể mang lại giá trị gia tăng, đồng thời nâng cao vị thế của Công ty trên thị trường.

Hiện tại, DGT chưa công bố thêm thông tin về việc phát hành cũng như danh sách nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ.

Thông thường, ở những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng, có vị thế trong ngành cũng như thị phần tốt, thì mức giá chào bán riêng lẻ sẽ cao hơn mức giá giao dịch trung bình trên sàn trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng trong không ít trường hợp, để đảm bảo đợt phát hành thành công, doanh nghiệp sẽ đưa ra phương án chào bán với mức giá hấp dẫn so với thị giá.

Với trường hợp của DGT, mức giá phát hành riêng lẻ chưa bằng một nửa thị giá là 27.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này trên UPCoM rất thấp, nhiều phiên không có giao dịch.

Mặc dù vậy, đại diện nhóm cổ đông sở hữu hơn 23% vốn điều lệ DGT (bao gồm Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Thế giới nhà, sở hữu 18,63% và cổ đông Nguyễn Ngọc Phương Trà, sở hữu 4,46%) cho rằng, đợt phát hành riêng lẻ sẽ làm suy giảm mạnh tỷ lệ sở hữu của cổ đông hiện hữu cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của cổ đông. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi, nhóm cổ đông đã đề nghị tham gia mua cổ phiếu trong đợt phát hành thêm.

Đề nghị này căn cứ vào Điểm c, Khoản 1, Điều 114, Luật Doanh nghiệp về quyền của cổ đông phổ thông: “Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty”.

Nghĩa là, cổ đông hiện hữu có nhu cầu mua trong đợt phát hành riêng lẻ có quyền đề nghị tham gia chào mua, miễn là đáp ứng được các tiêu chí nhà đầu tư trong đợt phát hành riêng lẻ mà hội đồng quản trị đề ra.

Ngày 25/7/2018, nhóm cổ đông đã gửi văn bản tới Hội đồng quản trị DGT, đề nghị được tham gia mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ theo 2 phương án. Một là, mua tối thiểu 23,09% (bằng tỷ lệ nhóm cổ đông đang sở hữu) số lượng cổ phiếu phát hành thêm, với mức giá bằng giá chào bán đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua là 12.000 đồng/cổ phiếu.

Hai là, mua toàn bộ 4 triệu cổ phiếu phát hành thêm với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 67% giá chào bán, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc không thấp hơn giá thị trường và giá trị sổ sách của Công ty.

Nhóm cổ đông đề nghị được ký biên bản thỏa thuận mua cổ phiếu trước thời điểm Công ty nộp hồ sơ đăng ký phát hành với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, mục đích phát hành 4 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 12.000 đồng/cổ phiếu của DGT là để trả nợ thuế và bảo hiểm 5 tỷ đồng, trả nợ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 38 tỷ đồng, bổ sung vốn lưu động 5 tỷ đồng. Trường hợp không huy động đủ nguồn vốn 48 tỷ đồng, Hội đồng quản trị DGT sẽ cân nhắc sử dụng theo thứ tự ưu tiên trên.

Thời điểm cuối năm 2017, DGT có vốn chủ sở hữu 34,5 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả 118 tỷ đồng, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính (75,5 tỷ đồng). Điều này khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị “ăn mòn” bởi chi phí lãi vay. Cụ thể, trong năm 2017, chi phí lãi vay là 4,2 tỷ đồng, bằng 54% lợi nhuận gộp.

Trước đó, trong năm 2016, chi phí lãi vay của DGT là hơn 6,8 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp âm 0,3 tỷ đồng, khiến Công ty lỗ sau thuế 6,9 tỷ đồng. Các con số này cho thấy, chi phí lãi vay là áp lực không nhỏ đối với DGT, rất cần huy động vốn cổ phần.

Vậy nhưng, dù nhận được đề nghị mua cổ phần với giá cao, tương ứng nguồn vốn huy động từ đợt phát hành có thể cao hơn 67% so với dự kiến, nhưng nhóm cổ đông trên cho biết, đến ngày 26/11/2018, Hội đồng quản trị DGT vẫn chưa có văn bản phản hồi.

Trong khi đó, nhóm cổ đông khẳng định có tiềm lực tài chính vững mạnh, đồng thời đã tích lũy được kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và đang sở hữu mạng lưới khách hàng, đối tác rộng khắp, đủ khả năng để đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DGT, cũng như giúp nâng cao vị thế của Công ty trên thị trường.

Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin về đợt phát hành của DGT khi có diễn biến mới.

Tại ngày 31/12/2017, cơ cấu cổ đông DGT bao gồm: cổ đông nhà nước là Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp nắm 10% vốn; ông Phan Quốc Anh sở hữu 100.000 cổ phiếu, tương ứng 4,03% vốn; các nhà đầu tư khác sở hữu gần 86%. 

Đến tháng 3/2018, DGT xuất hiện thêm cổ đông lớn là Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Thế giới nhà, sở hữu hơn 18,63% vốn - được xem là cổ đông tổ chức lớn nhất tại DGT. 

DGT hiện có vốn điều lệ 24,81 tỷ đồng và được xem là doanh nghiệp có nhiều tài sản giá trị.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục