Chỉ mời cổ đông sở hữu từ 2.000 cổ phiếu tham dự ĐHCĐ, Địa ốc Sài Gòn (SGR) làm trái Luật doanh nghiệp?

(ĐTCK) HĐQT CTCP Địa ốc Sài Gòn (SGR) có nghị quyết về ngày tổ chức ĐHCĐ thường niên năm tài chính 2019 dự kiến diễn ra ngày 10/6/2020 tới. Điều đáng chú ý, HĐQT SGR chỉ mời các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu 2.000 cổ phần trở lên tham dự đại hội, vì lý do “hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19”.
Saigonres nhận chuyển nhượng 70% cổ phần của CTCP Đầu tư Bất động sản Lê Gia để thực hiện dự án Khu nhà ở Lê Gia Plaza.
Saigonres nhận chuyển nhượng 70% cổ phần của CTCP Đầu tư Bất động sản Lê Gia để thực hiện dự án Khu nhà ở Lê Gia Plaza.

Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng tham dự đại hội là 26/5/2020, ngày tổ chức ĐHCĐ 10/6/2020 và địa điểm tổ chức sẽ được thông báo sau cùng đến từng cổ đông. 

Nghị quyết nêu rõ, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, HĐQT chỉ mời các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 2.000 cổ phần trở lên tham dự đại hội.

Các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 2.000 cổ phần nếu có ý kiến đóng góp về các vấn đề trong Chương trình họp ĐHĐCĐ gửi thư đến Văn phòng Công ty hoặc gửi email trước ngày 6/6. HĐQT sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp và đưa vào chương trình thảo luận tại đại hội.

Điều này đồng nghĩa, những cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu dưới 2.000 cổ phiếu sẽ không được tham dự ĐHCĐ trực tiếp. 

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 114, Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông có quyền tham dự và phát biểu trong các ĐHCĐ và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2014 - Giải thích từ ngữ: “Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần”.

Như vậy, mỗi cổ đông, dù chỉ sở hữu 1 cổ phần cũng có quyền tham dự và biểu quyết tại ĐHCĐ. Và theo đó, với quy định mời dự họp như trên của HĐQT SGR dường như đang làm trái quy định của pháp luật.

Với quyền của cổ đông, dù chỉ sở hữu 1 cổ phần, đến ngày họp ĐHCĐ, cổ đông có quyền đến, yêu cầu ban tổ chức cho dự họp và biểu quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, nghị quyết ĐHCĐ hoặc một phần nghị quyết ĐHCĐ có thể bị huỷ bỏ do trình tự và thủ tục triệu tập và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHCĐ không thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Ở một góc độ khác, ghi nhận của người phóng viên Báo Đầu tư Chứng khán, nhiều DN cũng rất đau đầu vì tình trạng có quá nhiều cổ đông nhỏ lẻ chỉ sở hữu dưới 20 cổ phiếu, với mục đích tham dự ĐHCĐ theo dõi qua các năm chủ yếu là để nhận những phần quà tri ân của doanh nghiệp, hoặc tham dự các buổi tiệc trưa của DN sau khi tổ chức xong ĐHCĐ. 

Đây cũng là sự e dè của nhiều DN muốn tổ chức ĐHCĐ online mùa Covid nhưng chưa thực hiện, lý do ngoài những điểm còn chưa rõ về cách tổ chức ĐHCĐ online đúng quy định, thì DN cũng e ngại tình trạng những cổ đông nhỏ lẻ này sẽ phản ứng mạnh và không đồng ý tổ chức ĐHCĐ online. 

Nhưng dù vậy, quyền cổ đông đã được Luật pháp quy định, và DN dĩ nhiên không thể hạn chế quyền của cổ đông trong việc tham dự ĐHCĐ.  

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục