Cẩn trọng với kế hoạch bảo lãnh phát hành của THV

Có vẻ như thị trường đang phản ứng rất tốt với kế hoạch tăng vốn qua bảo lãnh chưa từng có tiền lệ của CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV - sàn HNX).
Cẩn trọng với kế hoạch bảo lãnh phát hành của THV

Bất chấp THV đang dưới mệnh giá, đợt phát hành tăng vốn của THV có triển vọng thành công khi tại đại hội cổ đông vừa qua, đơn vị tư vấn đã đề xuất một kế hoạch bảo lãnh khá “rắc rối”.

 

Theo kế hoạch tăng vốn của THV, đầu tiên cổ đông sẽ nhận được 5% cổ tức bằng cổ phiếu và nhận được quyền mua tỉ lệ 2:1 tại mệnh giá. Sau đó, THV tiếp tục chào bán công khai qua đấu giá 12 triệu cổ phiếu nữa với giá khởi điểm bằng mệnh giá.

 

Sự việc sẽ trở nên đơn giản nếu giá THV đang niêm yết cao hơn mệnh giá. Hôm 28/5, ngày THV đại hội cổ đông, giá cổ phiếu này dù tăng trần trước đó cũng chỉ là 8.700 đồng/cổ phiếu. Nếu mức giá này không được cải thiện, cổ đông chẳng tội gì phải mua cổ phiếu “ngược đãi” phát hành thêm tại mệnh giá và phiên đấu giá chắc chắn sẽ thất bại.

 

Để phòng tình huống xấu này, đơn vị tư vấn là Công ty Chứng khoán Hòa Bình đã đề xuất phương án bảo lãnh (có thể cho cả hai đợt phát hành) với giá tối thiểu bằng mệnh giá, cộng thêm phần lãi suất theo thời gian “đọng vốn” từ ngày cổ đông phải nộp tiền mua đến ngày cổ phiếu phát hành thêm lên sàn.

 

Công thức tính giá bảo lãnh như sau: Giá bảo lãnh = 10.000đ + Thời gian (Ngày niêm yết cổ phiếu mới – Ngày nộp tiền) * Lãi suất.

 

Tổ chức tư vấn đề xuất mức tối thiểu 22%/năm. Tổ chức tư vấn sẽ mua lại cổ phiếu của nhà đầu tư có thực hiện quyền bằng giá bảo lãnh nếu giá tham chiếu ngày niêm yết cổ phiếu bằng hoặc thấp hơn giá bảo lãnh.

 

Hiểu một cách đơn giản thì nếu vào ngày cổ phiếu mới được chấp thuận niêm yết, nếu giá THV bằng hoặc thấp hơn mức 10.x thì cổ đông nào muốn nhận lại tiền, cứ việc bán cho tổ chức tư vấn. Tổ chức tư vấn sẽ sẵn sàng mua lại tất tại giá 10.x.

 

Kế hoạch bảo lãnh này chưa từng có tiền lệ vì bảo lãnh thường là tổ chức tư vấn sẽ phải mua hết số cổ phiếu không phát hành được vì nhà đầu tư bỏ cọc hoặc không mua hết. Trong trường hợp này, mức cam kết bảo lãnh được kéo dài hơn: Nhà đầu tư, cổ đông cứ nộp tiền, đến lúc lên sàn giá thấp dưới giá bảo lãnh thì sẽ vẫn được hoàn tiền, lại có thêm cả lãi suất “bù đắp” cho thời gian đọng vốn.

 

Hiện chưa rõ kế hoạch bảo lãnh này có được chấp thuận và thực thi hay không, nhưng cần làm rõ thêm một số điều kiện.

 

Thứ nhất, điều kiện để tổ chức bảo lãnh mua lại số cổ phiếu của cổ đông, nhà đầu tư là “giá tham chiếu ngày niêm yết cổ phiếu bằng hoặc thấp hơn giá bảo lãnh”. Một ước tính đơn giản như sau: Nếu thời hạn từ lúc nộp tiền đến lúc được chấp thuận niêm yết kéo dài 3 tháng thì giá bảo lãnh được xác định là 10.000 đồng + mức lãi suất 22%/năm (giải sử chọn lãi suất này) tính cho 3 tháng của 10.000 đồng. Như vậy mức cộng thêm vào khoảng 550 đồng. Giá bảo lãnh sẽ là 10.550 đồng/cổ phiếu.

 

Nếu giá tham chiếu của THV ngày niêm yết bằng hoặc thấp hơn 10.550 đồng/cổ phiếu, cổ đông có quyền từ chối quyền, bán lại số cổ phiếu đã mua trong đợt phát hành thêm cho tổ chức tư vấn tại giá bảo lãnh. Tuy nhiên, nếu thị giá của THV trong ngày đó là 10.600 đồng/cổ phiếu thì sao? Cổ đông sẽ mất quyền bán cho tổ chức tư vấn?

 

Đành rằng khi đó cổ đông vẫn có lãi 600 đồng/cổ phiếu so với giá mua phát hành thêm. Nhưng nếu vài ngày sau khi niêm yết, giá THV lại tụt xuống dưới 10.000 đồng/cổ phiếu thì rủi ro lúc này hoàn toàn thuộc về cổ đông. Nhà đầu tư cần lường trước biến động này.

 

Như vậy điểm mấu chốt là để đợt phát hành thành công, phải làm sao để giá THV cao hơn mức giá bảo lãnh (ở đây là 10.550 đồng/cổ phiếu) tại thời điểm niêm yết. Sau đó giá THV đi đâu thì tùy vì cổ đông đã nộp tiền rồi, đã mất quyền bán cho tổ chức tư vấn. Sau thời điểm này, tổ chức tư vấn hết trách nhiệm, doanh nghiệp đã thu được tiền.

 

Thứ hai, trong trường hợp giá tham chiếu của THV tại ngày niêm yết thấp hơn giá bảo lãnh, cổ đông muốn từ chối quyền sẽ bán cho tổ chức tư vấn bằng cách nào? Khi đó cổ đông đã lưu ký khối lượng cổ phiếu của mình sẽ bán qua sàn hay bán bằng hình thức nào cho đơn vị tư vấn? Thời gian giải quyết những nhu cầu bán sẽ diễn ra trong bao lâu? Đơn vị tư vấn có thể thu mua hết từ những cổ đông phân tán hay không? Kế hoạch bảo lãnh phải làm rõ nhưng vấn đề đó.

 

Dĩ nhiên kế hoạch bảo lãnh của THV chỉ là biện pháp phòng ngừa. Quan trọng nhất là lựa chọn thời điểm phát hành vì nếu thị trường ấm lên, THV có triển vọng phục hồi lên trên tham chiếu thì không cần giá bảo lãnh rắc rối như trên.

 

Thị trường mấy phiên gần đây tỏ ra khá hào hứng với kế hoạch bảo lãnh phát hành của THV. Nếu kế hoạch này được thực thi, gần như mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu được đưa ra để đảm bảo. Chính vì vậy nhu cầu mua THV mấy hôm nay rất mạnh và cổ phiếu này đang hướng về mức mệnh giá. Tuy nhiên, liệu THV có khả năng giữ ngưỡng tối thiểu này cho tới lúc đợt phát hành diễn ra hay không vẫn chưa thể khẳng định.


VNE

Tin cùng chuyên mục