Buôn Ma Thuột thành thương hiệu càphê của doanh nghiệp Trung Quốc

Việc chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột của Việt Nam vừa được phát hiện bị một công ty ở Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Trung Quốc đang gây ra những lo ngại, rằng có nguy cơ càphê mang chỉ dẫn địa lý này của Việt Nam sẽ bị ngăn chặn vào thị trường Trung Quốc, và xa hơn, công ty này sẽ lợi dụng quyền sở hữu của mình để đăng ký sở hữu nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột trên toàn thế giới.
Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột bị một công ty ở Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Trung Quốc. Ảnh: Lê Quang Nhật Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột bị một công ty ở Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Trung Quốc. Ảnh: Lê Quang Nhật

Ngày 13.9, ông Trịnh Đức Minh, phó giám đốc sở Khoa học và công nghệ Dăk Lăk cho hay, sự việc cũng đã được UBND tỉnh bàn bạc, tìm phương hướng giải quyết và nhờ cục Sở hữu trí tuệ (bộ Khoa học và công nghệ) giúp đỡ nhưng chưa thấy phản hồi. Tuy nhiên, theo ông Minh, sự việc không nguy cấp, nghiêm trọng đến mức là càphê Buôn Ma Thuột sẽ bị chặn xuất khẩu vào Trung Quốc hay ra các nước nhập khẩu, tiêu thụ càphê như nhiều thông tin lo ngại.

 

Ông Trần Hà Nam , phó chủ tịch hiệp hội Càphê – cacao cũng cho rằng, lượng càphê của Việt Nam bán vào Trung Quốc không đáng là bao. “Ngay cả khi họ áp dụng ngăn chặn thì cũng chỉ với càphê bột, đóng gói bán lẻ và có nhãn mác như với Vinacafé, chứ việc xuất khẩu càphê hạt, càphê thô thì không hề bị ảnh hưởng”, ông Nam khẳng định.

 

Cần sớm khởi kiện

 

Ông Trần Việt Hùng, người vừa thôi chức cục trưởng cục Sở hữu trí tuệ ngày 12.9 để nhận nhiệm vụ mới thì cho rằng, dù chưa có thông báo nào về việc công ty này sẽ lợi dụng quyền sở hữu của mình để áp dụng các biện pháp cấm càphê Buôn Ma Thuột của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc, song việc đòi hỏi công ty này loại bỏ đăng ký độc quyền nhãn hiệu trên là việc “càng sớm càng tốt”, và có thể thực hiện thông qua khởi kiện tại toà án Trung Quốc. “Luật của Trung Quốc cũng như nhiều nước khác đã tham gia WTO, đều quy định quyền của bất kỳ ai khi thấy có dụng ý xấu, làm ăn không trung thực thì có quyền yêu cầu huỷ bỏ các hành vi chiếm đoạt, không trung thực, lợi dụng uy tín các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các nước khác gây nhầm lẫn xuất xứ sản phẩm”, ông Hùng nói.

 

Dẫn câu chuyện thành công của chủ một doanh nghiệp kẹo dừa Bến Tre – năm 1999, từng sang tận Trung Quốc kiện một doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc đăng ký độc quyền nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre để ngăn chặn kẹo dừa Bến Tre vào nước này, ông Hùng khuyên: vụ việc càphê Buôn Ma Thuột cũng tương tự, vì vậy UBND tỉnh cần có đơn yêu cầu phía Trung Quốc huỷ bỏ nhãn hiệu đó.

 

Mất bò mới lo làm chuồng

 

Ông Minh cũng rút ra bài học: việc cần làm ngay nữa là các địa phương phải nhanh chóng đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu của mình. Dẫu vậy, ông Minh thừa nhận, khó khăn lâu nay là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên yếu cả về tài chính và pháp lý. “Có doanh nghiệp đi đăng ký nước ngoài nhưng đến mấy năm trời vẫn chưa xong, có nơi mình gửi hồ sơ đi nhưng họ làm khó”, ông Minh ví dụ.

 

Với kinh nghiệm một người làm công tác sở hữu trí tuệ, ông Hùng cho biết đây không phải là lần đầu một chỉ dẫn địa lý của ta bị đánh cắp làm nhãn hiệu ở nước khác, như với nước mắm Phú Quốc đầu năm 2000 là ví dụ. Và ngay sau đó, hiệp hội Nước mắm Phú Quốc đã tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý tại châu Âu. Cho nên, theo vị này, giải pháp để tránh vụ việc tương tự là các doanh nghiệp phải sớm tiến hành đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ ở Việt Nam mà còn các thị trường khác.

 

Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, trưởng khoa quản trị công nghệ – trường Quản lý khoa học công nghệ (bộ Khoa học và công nghệ), hiện nhận thức của các địa phương về chỉ dẫn địa lý, và các doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Một số nhận thức cao hơn thì khi đăng ký cũng chỉ dừng lại ở chỗ đăng ký tại Việt Nam chứ chưa tham gia vào hệ thống quốc tế. “Bây giờ có một danh sách các nước thành viên tham gia vào hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế (WIPO) theo nghị định thư Madrid, vì thế, nếu muốn đăng ký ở châu Âu thì không cần đăng ký từng nước mà vào WIPO sẽ được chấp nhận tại những nước tham gia nghị định thư này”, ông Hưng đưa ra lời khuyên.

 

Kiện có thể thắng nhưng vẫn chưa kiện

 

Ngày 13.9, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị phỏng vấn ông Trịnh Đức Minh, phó giám đốc sở Khoa học và công nghệ Dăk Lăk:

 

Thưa ông, có thông tin cho rằng tỉnh Dăk Lăk không kiện vì ngại chi phí cao, có thể lên đến 9.000 USD?

 

9.000 USD ăn thua gì! Tôi tính chi phí tối đa cho kiện cũng phải 2 tỉ đồng, tức tương đương 50 tấn càphê, như thế là không bao nhiêu so với sản lượng 400.000 tấn càphê. Ngại kiện là thủ tục rườm rà.

 

Tức là nếu kiện, về chứng lý thì ta có cơ sở, chặt chẽ để kiện?

 

Theo tôi là có cơ sở: tên gọi đó hiện hữu Việt Nam từ lâu, tên gọi Buôn Ma Thuột xuất hiện hàng trăm năm nay, Trung Quốc làm gì có từ đó? Ngoài ra mình có bộ hồ sơ đăng ký từ năm 2005; hơn nữa, mặt hàng càphê mình thuộc nước xuất khẩu rất lớn, có uy tín.

 

Giải pháp về lâu dài thì mình phải bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở các thị trường lớn vì trước nay khó khăn về pháp lý, thời gian, tiền bạc, ngại đi đăng ký nước ngoài.

 


SGTT

Tin cùng chuyên mục