Alphanam “hé sáng” sau 4 năm hủy niêm yết

(ĐTCK) Sau 4 năm hủy niêm yết để tái cấu trúc, mảng bất động sản bắt đầu mang lại doanh thu lớn cho Alphanam, mặc dù khoản lỗ lũy kế vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Lỗ vì M&A

Tháng 12/2014, 192 triệu cổ phiếu ALP của CTCP Đầu tư Alphanam chính thức hủy niêm yết tự nguyện sau 7 năm giao dịch trên sàn chứng khoán. Sau khi hủy niêm yết, tên tuổi Alphanam gần như biến mất khỏi thị trường, các thông tin về doanh nghiệp cũng khó tiếp cận. Tuy nhiên, từ năm 2017, các thông tin tài chính của ALP bắt đầu xuất hiện trở lại. Từ đây cũng hé lộ tình hình kinh doanh của ALP sau những năm “ẩn mình”.

Cho đến khi hủy niêm yết, thông tin tài chính cuối cùng mà ALP công bố là báo cáo quý III/2014. Tính đến cuối quý III/2014, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của ALP là 385 tỷ đồng. Sau đó, Công ty không hé lộ về sức khỏe tài chính, cả năm 2014, 2015 và 2016.

Tuy nhiên, một bản báo cáo tài chính năm 2017 mới đây được nộp lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Theo báo cáo này, tính đến cuối năm 2016, ALP vẫn còn lỗ lũy kế tới 657 tỷ đồng, gần gấp đôi khoản lỗ tính đến quý III/2014.

Như vậy, trong năm 2015-2016, ALP vẫn tiếp tục lỗ. Khoản lỗ ghi trong riêng năm 2016 là 134,4 tỷ đồng. Tới năm 2017, ALP ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế đột biến lên tới 444,8 tỷ đồng. Trong năm này, ALP ghi nhận khoản doanh thu thuần lên tới 1.610 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2016.

Cùng với đó, lợi nhuận từ công ty liên doanh - liên kết đưa về gần 6 tỷ đồng cùng khoản doanh thu tài chính hơn 12,8 tỷ đồng đã giúp ALP lãi hợp nhất, vượt qua cảnh thua lỗ triền miên trong những năm trước đó. Nhờ đó, lỗ lũy kế đến cuối 2017 đã giảm xuống còn hơn 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý I/2018, ALP lại tiếp tục lỗ 9,6 tỷ đồng. Như vậy, khoản lỗ lũy kế của ALP vẫn còn hơn 201 tỷ đồng.

Vào thời điểm ra quyết định hủy niêm yết, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT ALP cho biết, bản chất các khoản lỗ là do trích lập dự phòng khi thâu tóm các công ty thua lỗ. Tuy nhiên, khi thực hiện các thương vụ M&A, ALP đã không đánh giá được mức ảnh hưởng của các thông tin này trên thị trường chứng khoán. Nếu tiếp tục giữ niêm yết, ALP vẫn phải ghi nhận lỗ và sẽ nhận cái kết là bị hủy niêm yết bắt buộc.

Hơn nữa, ông Hải cũng tiết lộ, với mong muốn trở thành công ty gia đình, huỷ niêm yết sẽ giúp ALP bảo mật thông tin. Chỉ có điều, cổ đông ALP không biết làm thế nào để hiểu về doanh nghiệp. Một cổ đông đang nắm giữ 1.000 cổ phiếu ALP cho biết, 5 năm qua, ông không nhận được bất cứ thông báo nào về việc họp Đại hội đồng cổ đông, hay những thông tin của doanh nghiệp, cũng như không có bất cứ đầu mối nào để liên lạc với ALP.

Bên cạnh rút niêm yết cổ phiếu ALP, ông Hải từng chia sẻ, sẽ rút niêm yết cả cổ phiếu AME của Alphanam E&C. Tuy nhiên, đến nay, cổ phiếu AME vẫn nằm trên HNX. Thậm chí, cổ phiếu này còn tăng tốt so với thời điểm năm 2014. AME hiện giao dịch quanh mức 13.000-14.000 đồng/cổ phiếu.

Liệu có hy vọng ngày trở lại?

Với hoạt động chính là đầu tư tài chính, danh mục đầu tư của ALP đã thay đổi rất nhiều kể từ sau khi hủy niêm yết. Nếu như cuối năm 2013, ALP đầu tư trực tiếp vào 5 công ty với quyền kiểm soát đều trên 65% và đầu tư gián tiếp vào 3 công ty, thì đến cuối năm 2017, danh sách đầu tư của ALP đã lên tới 21 doanh nghiệp.

Đáng chú ý, danh mục đầu tư của ALP đã tập trung chủ yếu hướng đến bất động sản. Trong danh mục đầu tư tính đến năm 2017 của ALP, tỷ trọng chủ yếu là các công ty bất động sản như CTCP Địa ốc Alphanam, CTCP Đô thị Hanel - Alphanam, CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào, CTCP Địa ốc Foodinco, CTCP Đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa, hệ thống Foodinco…

Tính đến cuối năm 2016, ALP vẫn còn lỗ lũy kế tới 657 tỷ đồng, gần gấp đôi khoản lỗ tính đến quý III/2014.

Xây dựng và bất động sản chính là mảng nổi bật đưa về doanh thu chủ yếu cho ALP trong năm 2017. Các dự án bất động sản đóng góp 860,8 tỷ đồng doanh thu cho ALP năm 2017, trong khi năm 2016 chỉ đưa về hơn 61 tỷ đồng.

ALP xác định, lĩnh vực này tiếp tục là trọng tâm hoạt động của Công ty trong tương lai. Một số dự án bất động sản mà ALP đầu tư mới đang ở giai đoạn xây dựng cơ bản như Công viên văn hóa Mường Hoa; tổ hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ Marriott và nhà ở để bán…

Nhà đầu tư hẳn vẫn còn nhớ mong muốn rút khỏi thương trường sau 30 năm kinh doanh của ông Hải để chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế cận và cần 5 năm để hoàn tất. ALP vẫn đang trong quá trình chuyển giao và ông Hải vẫn chưa thể rút khỏi vị trí cầm trịch để về làm nghề giáo như mong muốn, song 2 người con của ông đang nắm giữ vị trí chủ chốt tại 2 công ty bất động sản quan trọng. Cụ thể, con trai ông Hải là ông Nguyễn Minh Nhật đang là CEO CTCP Địa ốc Alphanam, trong khi con gái là bà Nguyễn Ngọc Mỹ đang là CEO CTCP Địa ốc Foodinco - mảng nòng cốt của ALP.

Từ điểm “hé sáng” về kết quả kinh doanh 2017, ALP liệu có hy vọng hồi phục và trở lại sàn? Một số người cầm cổ phiếu ALP đã đặt câu hỏi như vậy, song “ông chủ” ALP chưa hé lộ thêm điểm sáng nào.

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục