5 tháng, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt 22,6 tỷ USD

Với kim ngạch xuất khẩu đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018 trong 5 tháng đầu năm 2019, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn hàng hóa nhất của Việt Nam.
5 tháng 2019, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018. 5 tháng 2019, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2019, Mỹ tiếp tục dẫn đầu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường này tăng 109,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 58,4%; hàng dệt may tăng 9,8%.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 là Trung Quốc lại có dấu hiệu giảm tốc, với kim ngạch đạt 13,4 tỷ USD, giảm 2,6%, trong đó thủy sản giảm 11,8%; điện thoại và linh kiện giảm 56,6%; gạo giảm 78,7%.

Những diễn biến mới nhất từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như các FTA sắp có hiệu lực là yếu tố giúp tăng đơn đặt hàng của Việt Nam đối với một số ngành hàng xuất khẩu lớn vào Mỹ như dệt may, giày dép, linh kiện…

Tốc độ gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ cũng được Cục Thống kê Mỹ xác nhận khi  hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ cơ quan này vừa công bố cho thấy, 3 tháng đầu năm 2019, tốc độ xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến Mỹ tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong nhóm 12 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ năm 2018. Đứng sau Việt Nam là Hàn Quốc với tốc độ tăng 18,4%. Ở chiều ngược lại, hàng hóa Trung Quốc đến Mỹ giảm 13,9% trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước ngày càng gia tăng

Bloomberg bình luận, Việt Nam đã trở nên nổi bật trong khu vực khi "các bộ máy xuất khẩu chủ lực" bị tổn thương vì cuộc chiến thương mại và chu kỳ tăng trưởng đang vào giai đoạn chậm lại. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan đều chứng kiến sự sụt giảm xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trong tháng 4, trong khi Việt Nam tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.

"Việt Nam đang hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp thay đổi chuỗi cung ứng để tránh đòn thuế của Mỹ với hàng hóa từ Trung Quốc. Quốc gia này cung cấp nguồn lao động với chi phí thấp, cũng như có môi trường kinh doanh đang được cải thiện. Đồng thời, đây cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới", Bloomberg  nhận định.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2018, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 47,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2017, trong khi nhập khẩu từ Mỹ đạt 12,75 tỷ USD (tăng 36,4% so với năm 2017), đưa tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 60,28 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2017.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn là các mặt hàng truyền thống như dệt may, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử...

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của 5 nhóm hàng lớn đạt 32,24 tỷ USD,chiếm 67,83% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Dẫn đầu là hàng dệt may đạt 13,7 tỷ USD; Điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính đạt 5,41 tỷ USD;  Giày dép đạt 5,82 tỷ USD; Gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 3,90 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, phụ tùng khác đạt 3,41 tỷ USD.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục