Doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ lo ngại đánh mất thị trường chiến lược

(ĐTCK) Chia sẻ trên được ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết tại hội nghị trực tuyến do VCCI tổ chức mới đây.
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở Bình Dương. Ảnh Lê Toàn

Theo ông Hoài, ước tính 7 tháng đầu năm 2021 ngành gỗ đã xuất khẩu được gần bằng kim ngạch cả năm 2020 (giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2020 đạt 13,23 tỷ USD - Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp), tăng trưởng 53,7% so với cùng kỳ và đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà cung ứng nội thất lớn nhất trên thế giới cho Mỹ.

Tuy nhiên, với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra như hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ lo ngại có thể đánh mất thị trường chiến lược. Theo ông Hoài, các doanh nghiệp ngành gỗ tập trung chủ yếu ở TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Việc triển khai tiêm chủng vaccine chậm ở các tỉnh như Bình Dương và Đồng Nai sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp ngành này trong việc duy trì sản xuất.

“Doanh nghiệp ngành gỗ đã rất cố gắng nhưng cũng phải “đầu hàng” trong việc thực hiện quy định đáp ứng 3 tại chỗ. Chính vì thế Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ để người lao động ở lại chờ tiêm vaccine. Có như thế doanh nghiệp mới có thể duy trì sản xuất không đánh mất thị trường chiến lược”, ông Hoài nói.

Số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm kim ngạch đạt 8,205 tỷ USD, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ 6 về giá trị kim ngạch trong số các mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trong đó, 6 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu G&SPG lớn nhất của Việt Nam, đạt trên 5 tỷ USD, chiếm tới 61% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của cả nước. Đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng lớn nhất trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với mức tăng 93,43% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" khá tốn kém và nhiều khó khăn như: Nhiều công nhân tỏ ra nghi ngại, lo lắng không muốn vào làm tập trung; doanh nghiệp phải xét nghiệm Covid-19 cho công nhân; sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho công nhân trong thời gian ngắn vì nhà máy vốn là nơi chỉ để sản xuất. Thêm vào đó là nỗi lo có đủ nguyên liệu để sản xuất không vì hiện chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy…

Tại Đồng Nai, khảo sát nhanh 50 doanh nghiệp ngành gỗ, có 60% doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất do công nhân bị cách ly, phong tỏa, trong khi việc bố trí sản xuất "3 tại chỗ" đang gặp nhiều khó khăn, 30% doanh nghiệp đang duy trì sản xuất nhưng cầm chừng vì phải tổ chức giãn cách để đáp ứng các đơn hàng đã ký.

N.Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục