Doanh nghiệp xe máy ‘nội’ đứng ngoài

(ĐTCK-online) Trong Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp xe máy Việt Nam vừa được phê duyệt, có đề ra mục tiêu tới năm 2010, Việt Nam sẽ đạt doanh số xuất khẩu xe máy là khoảng 300 triệu USD/năm. Mặc dù còn khá lâu mới tới thời điểm trên, nhưng xem ra dự báo này của các chuyên gia có phần quá lạc quan khi đặt ra mục tiêu như vậy cho ngành xe máy.

Theo Bộ Công Thương, năm 2005, kim ngạch xuất khẩu xe máy của Việt Nam là 70 triệu USD, tăng gấp 30 lần so với năm 2001. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm bộ linh kiện xe máy, động cơ và linh kiện rời. Còn việc xuất khẩu xe máy nguyên chiếc trong thời gian qua chủ yếu là chào hàng mẫu và thăm dò thị trường. Dẫu sao,  xe máy “Made in Việt Nam ” cũng đã được chào hàng tới 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn 2001 - 2005 cũng đã có 1.700 chiếc xe máy được xuất khẩu với trị giá khoảng 1,03 triệu USD.

Ở đây, cần thấy rõ một điều rằng, xuất khẩu xe máy và phụ tùng xe máy hiện do các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đảm nhiệm là chính và đang theo hướng gia tăng tỷ trọng bộ linh kiện xe máy và động cơ nguyên chiếc, giảm tỷ trọng linh kiện, phụ tùng rời. Hiện mới chỉ có hai công ty là Honda Việt Nam và VMEP là xuất khẩu động cơ xe máy.

Tuy nhiên, khi đánh giá về khả năng xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng, các sản phẩm xe máy Việt Nam khó có thể chen chân vào thị trường thế giới. Ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Cơ khí - Hoá chất - Luyện kim (Bộ Công Thương) nhận xét: “Muốn phát triển xuất khẩu, ngành sản xuất xe máy Việt Nam cần chủ động tham gia hệ thống sản xuất-phân phối sản phẩm của khu vực và thế giới, theo hướng xuất khẩu linh kiện, phụ tùng”.

Chiếm trên 60% giá trị xuất khẩu của toàn ngành xe máy, Honda Việt Nam được mong chờ là có được những con số ấn tượng về xuất khẩu. Kể từ năm 2002 (thời điểm  bắt đầu xuất khẩu xe máy) đến cuối tháng 6/2007, Honda Việt Nam đã xuất khẩu được gần 186.000 xe máy Wave Alpha, hơn 47.000 bộ linh kiện động cơ, hơn 121.000 bộ linh kiện IKD và gần 2 triệu phụ tùng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 147 triệu USD. Nếu tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2007, Công ty đã xuất khẩu gần 5.500 xe máy Wave Alpha sang Lào và Philippines, hơn 76.000 bộ linh kiện IKD và gần 107.000 phụ tùng, đạt kim ngạch xuất khẩu gần 15 triệu USD.

Như vậy, dường như tốc độ xuất khẩu xe máy và linh phụ kiện xe máy của Honda Việt Nam đang có dấu hiệu không tăng mạnh như mong đợi.

Lẽ dĩ nhiên, Honda là một tập đoàn có quy mô toàn cầu, việc sản xuất sản phẩm gì, mẫu mã ra sao, xuất khẩu vào thị trường nào không chỉ do các công ty con ở từng nước quyết định, mà phải có sự điều phối từ Tập đoàn để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Điều đó nghĩa là, Honda Việt Nam xuất khẩu đi đâu, số lượng bao nhiêu, chủng loại gì... là phải có sự thống nhất nhất định giữa các công ty Honda sản xuất xe máy đặt tại các nước trong cùng khu vực.

VMEP cũng được mong đợi là một nhà xuất khẩu có năng lực. Hiện tại, VMEP đã có kế hoạch xây dựng Việt Nam thành trung tâm sản xuất xe máy của Tập đoàn với định hướng xuất khẩu sản phẩm rõ nét và đã có những sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Với các DN nội địa, việc khai thác thị trường ngách có quy mô nhỏ ở một số nước có thu nhập thấp, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam như một số nước ở châu Phi, Trung Đông, Mỹ La- tinh được xem là có cơ hội, nhưng cũng không phải là thuận lợi hoàn toàn. Nguyên do là, các thị trường này thường gặp khó khăn về thanh toán, nên DN cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong bảo lãnh thanh toán. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của các DN trong nước cũng chỉ chiếm chưa đến 0,05% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành xe máy.

Vậy nên, để xuất khẩu xe máy đạt được mục tiêu đề ra sẽ hoàn toàn được trông chờ từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài.ª=

Thanh Hương
Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục