“Qua Tết tính”
“Có gì qua Tết rồi tính em nhé”, Công trả lời ngắn gọn cô gái ở đầu dây bên kia sau một lúc trao đổi, hỏi ra mới biết là phụ trách nhân sự nơi anh làm việc gọi thuyết phục trở lại thành phố làm việc.
Công là người cùng làng với tôi (Ba Vì, Hà Nội), làm công nhân xây dựng trên thành phố, về quê tránh dịch từ đầu tháng 4/2021 - trước thời điểm làn sóng Covid-19 thứ 4 tái bùng phát. Công cho biết, hơn 1 tháng qua, công ty liên tục điện thoại giục đi làm trở lại, nhưng vì chưa muốn nên từ chối.
“Từ khi về quê tới nay dù chưa tìm được công việc mới, nhưng nhờ có mảnh vườn trồng rau màu đem bán nên cũng đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày. Mặt khác, thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán 2022 không còn nhiều, nếu lên Hà Nội làm việc rồi lại về quê ăn tết sẽ rất cập rập, chưa kể dịch bệnh vẫn đang phức tạp nên tôi quyết định ở lại, chờ sau Tết rồi tính tiếp”, Công tâm sự.
Hiện nay, trường hợp người lao động ngoại tỉnh về quê tránh dịch và không muốn trở lại thành phố làm việc không hiếm. Dịch bệnh khiến quãng thời gian làm việc ở thành phố không đảm bảo thu nhập, cộng thêm cảm giác an toàn không cao bằng ở quê, nhiều người đã chọn giải pháp trở về và chưa tính ngày quay lại.
Việc một lượng không nhỏ lao động phổ thông “bỏ phố về quê” đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp xây dựng, khi cuối năm thường là thời điểm các dự án tăng tốc thi công nên rất cần nhân lực. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Nhật Thành, Chủ tịch HĐQT Delta Group cho biết, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực.
“Tính đến hiện tại, Delta Group mới chỉ có được 60% số công nhân theo yêu cầu, gây ảnh hưởng tới tiến độ các dự án. Vấn đề này hiện chưa có hướng giải quyết thấu đáo, gây khó cho Delta Group”, ông Thành nói.
Tương tự, tại Phục Hưng Holdings, nhân sự cũng đang là vấn đề khiến Ban lãnh đạo doanh nghiệp này đau đầu, khi mới có được khoảng 70% số nhân công cần thiết. Ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Phục Hưng Holdings cho biết, xây dựng là ngành đặc thù, cơ giới, tự động hóa không hỗ trợ được nhiều nên vẫn cần lượng lao động lớn. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực này.
Khoảng trống khó sớm bù đắp
Để giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực cũng như kéo người lao động trở lại làm việc, Phục Hưng Holdings đã thực hiện nhiều giải pháp như trực tiếp xuống địa phương tìm kiếm, tăng cường tuyển dụng thông qua các đơn vị cung ứng lao động, thậm chí còn bố trí xe đưa đón tận nơi, ứng trước tiền lương, cải thiện nơi ăn ở, sinh hoạt…, song nhiều người vẫn chưa sẵn sàng trở lại thành phố làm việc.
“Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng kết quả chưa nhiều khả quan, hiện giá nhân công đã tăng cao từ 30-40% mà vẫn khó tuyển người. Trước là người lao động tìm doanh nghiệp, giờ thì doanh nghiệp phải đi tìm lao động, vận động họ làm việc cho mình. Cùng với đó, ở nhiều vùng quê đã có các nhà máy, xí nghiệp, người lao động thích làm việc gần nhà hơn nên việc tuyển dụng ngày càng khó”, ông Phúc nói.
Với các lao động tuyển dụng được, ông Phúc cho hay, Phục Hưng Holdings đang áp dụng chế độ cầm tay chỉ việc cho người mới theo nguyên tắc “một kèm một” và để tìm kiếm thêm nguồn nhân lực, doanh nghiệp đã phải tìm về các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc để tuyển dụng và trong số lao động hiện tại, có không ít đồng bào dân tộc Sán Chỉ, Thái, Dao…
Theo ông Phúc, để kéo người lao động trở lại làm việc tại các công trường, dự án thì không chỉ đòi hỏi nỗ lực của các nhà thầu, mà cần có sự chung sức từ nhiều phía, trong đó quan trọng là cần tạo được tâm lý yên tâm cho người lao động qua việc đẩy mạnh tiêm vắc-xin Covid-19, tạo độ phủ ngăn ngừa dịch bệnh tốt…