Chủ đề lớn nhất được nhiều chuyên gia đề cập tại Diễn đàn là cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong “thương chiến” Mỹ-Trung, ông Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế cao cấp của MayBank Kim Eng chỉ ra bức tranh lạc quan của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh này như kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 30%, trong đó những ngành hàng tiêu dùng hưởng lợi nhiều nhất...
Bên cạnh đó, dòng chảy FDI vào Việt Nam đã rất ổn định trong suốt 20 năm qua, "Điều đáng khen ngợi là FDI Việt Nam được phân tán và không phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ nước nào. Điều này, góp phần tạo ra môi trường hoạt động rất tích cực cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam", ông Chua Hak Bin nhận xét.
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Thiên, ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, kinh tế Việt Nam đã phát triển tốt từ khoảng ba năm trở lại đây chứ không phải từ khi chiến tranh thương mại nổ ra. Thành quả đó còn nhờ sự thay đổi chính sách của Việt Nam.
Theo ông Thiên, việc Việt Nam vừa ký được những hiệp định thương mại với những đối tác kinh tế lớn đã "biến Việt Nam thành nơi trú ẩn đáng tin cậy của doanh nghiệp thế giới".
Ngoài những điểm sáng được các chuyên gia kinh tế chỉ ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng mang lại không ít thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Trần Đình Thiên, những ảnh hưởng dài hạn từ chiến tranh thương mại bởi hai nền kinh tế khủng lồ là Mỹ và Trung Quốc đều là hai đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
"Điều này đặt Việt Nam vào nhiều thách thức đan xen cơ hội. Nói cách khác, đây là thời điểm để Việt Nam vượt qua khó khăn, và cơ hội để đạt đến một đẳng cấp mới", ông Thiên phân tích.
Nói về nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể chuyển hóa thành chiến tranh tiền tệ, ông Lê Anh Tuấn, chuyên gia cao cấp Dragon Capital phân tích: “Thế giới và cả Việt Nam đều đang ở chu kỳ nới lỏng tiền tệ, tuy vậy dư địa tiền tệ của Việt Nam lại không đủ mạnh như nhiều nơi trên thế giới do xu hướng ưa tích trữ tiền mặt và vàng của người dân”.
Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần những chuyển động gì? Ông Nguyễn Đức Thuấn, nhà sáng lập và chủ tịch TBS Group cho rằng, tranh thủ nắm bắt công nghệ để hiện thực hóa mục tiêu “đi tắt, đón đầu”, đẩy mạnh ứng dụng quản trị doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội kinh doanh trên nền tảng số.
Đồng quan điểm này, ông Bruce Delteil, đối tác Điều hành McKinsey&Company cho rằng, có nhiều định nghĩa khác nhau về chuyển đổi số, tùy vào tốc độ ứng dụng công nghệ và lộ trình chuyển đổi của từng quốc gia nhưng có điểm chung là khi nói về khái niệm chuyển đổi nghĩa là mọi thứ đều bị ảnh hưởng, phải thay đổi.
“Với công ty chuyển đổi nghĩa là thay đổi cách sản xuất và tiếp thị sản phẩm và dịch vụ, cải thiện tốc độ sản xuất và cách làm việc, chuyển đổi cũng đồng nghĩa tăng cường tương tác với khách hàng và cung cấp cho họ thứ họ thực sự muốn. Mọi thứ đang dần dịch chuyển từ nhà cung cấp, người sản xuất sang chính người tiêu dùng”, ông Bruce Delteil nói .
Cũng theo ông Bruce Delteil, Việt Nam là quốc gia không chỉ có mức độ thâm nhập internet và sử dụng điện thoại thông minh ở mức cao so với cơ cấu dân số mà còn có mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ cho quá trình chuyển đổi số. Các Doanh nghiệp Việt Nam đang đi đúng hướng và tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trên con đường chuyển đổi số như xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng; sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu giải quyết các bài toán về quản trị, thị trường, sản phẩm, thói quen, dịch vụ cho khách hàng trên cơ sở đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa lẫn quốc tế.