Cộng thêm giá trị
Tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, Tập đoàn Novaland công bố con số đáng ngưỡng mộ: quỹ đất hơn 5.400 ha, với tổng giá trị phát triển dự án (Gross Development Value - GDV) ước đạt gần 45 tỷ USD.
Thời gian qua, Novaland đã thực hiện nhiều thương vụ M&A dự án bất động sản, nhưng thị trường biết đến Novaland không chỉ vì Công ty có quỹ đất lớn giá vốn rẻ, mà còn là khả năng phát triển dự án tạo ra lợi nhuận hợp lý trên quỹ đất được lựa chọn sở hữu.
Nhìn ra các doanh nghiệp bất động sản khác sử dụng M&A để phát triển quỹ đất, cũng có đặc điểm khá tương đồng.
Như Tập đoàn Nam Long mua lại dự án lớn từ tay nhà đầu tư nước ngoài, sau đó làm thủ tục pháp lý và bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản để cùng phát triển dự án. Nếu chỉ xét tiềm lực tài chính, cả bên bán dự án cho Nam Long hay bên hợp tác đầu tư đều có thể mua dự án, nhưng Nam Long mới là nhà phát triển dự án bởi năng lực triển khai, định vị thị trường và phân khúc khách hàng.
Bước tiến mới đáng chú ý ở một doanh nghiệp bất động sản khác là An Gia. Công ty này mới niêm yết trong năm 2020 với quy mô vốn 750 tỷ đồng - là quy mô nhỏ so với nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Từ trước đến nay, An Gia được biết đến là đơn vị phát triển các dự án quy mô nhỏ khoảng 3 - 5 ha ở TP.HCM. Sau thành công với dự án nhỏ, An Gia đang nhận chuyển nhượng dự án BC27 tại Bình Chánh, TP.HCM từ Công ty cổ phần Năm Bảy Bảy và đang đi đến bước cuối cùng để mua lại quỹ đất thấp tầng 50 ha ở Bình Dương.
Chiến lược mua các quỹ đất có pháp lý hoàn chỉnh, hoặc gần hoàn chỉnh giúp An Gia tiết kiệm thời gian triển khai dự án, cộng thêm khả năng bán hàng tốt, khả năng phát triển dự án lớn dần được khẳng định trên phân khúc nhà có nhu cầu thực.
Việc các nhà đầu tư Việt mua lại dự án từ nhà đầu tư ngoài, chẳng hạn, Tập đoàn Danh Khôi mua lại 100% dự án Sun Frontier từ tay nhà đầu tư Nhật Bản; Nam Long mua thêm 20 ha đất tại dự án Waterfont Đồng Nai từ Keppel Land… không còn là bất ngờ.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, các thương vụ M&A sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2021 sôi động hơn. Bởi lẽ, quá trình phê duyệt pháp lý kéo dài kể từ giữa năm 2018 và tác động của dịch Covid–19 đã khiến nhiều nhà phát triển có quy mô nhỏ đối mặt với các vấn đề tài chính. Điều này đã tạo cơ hội săn tìm đất cho các công ty bất động sản có tiềm lực mạnh về tài chính.
Các doanh nghiệp trong nước là bên mua tiềm năng không phải do “bạo vì tiền” mà mạnh về giá trị mềm, tức khả năng phát triển dự án, tạo ra giá trị gia tăng sau bước mua lại.
Lớn mạnh nhờ M&A
M&A không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt tăng trưởng mà còn có thể tạo nên bước tiến hóa của doanh nghiệp khi sự thay đổi về lượng làm thay đổi về chất và sự thay đổi chất lại thúc đẩy phát triển về lượng. Trong lĩnh vực bất động sản, khi mua và triển khai thành công một dự án lớn là doanh nghiệp có thể bước sang một đẳng cấp cao hơn trên bảng xếp hạng chủ đầu tư. Chính vì thế, có doanh nghiệp sẵn sàng hy sinh lợi ích ngắn hạn để có cơ hội tiến hóa.
Đối với doanh nghiệp ở ngành sản xuất, dịch vụ khác thì M&A nhắm tới nhiều lợi ích như tăng quy mô, thị phần, giảm chi phí, thời gian đầu tư, hoàn thiện hệ sinh thái, mở ra những cơ hội tiến hóa khi tăng trưởng mới tính bằng lần.
Như Dầu thực vật Tường An, nhiều năm duy trì doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận ở mức 65 tỷ đồng, khi sáp nhập vào Tập đoàn KIDO (KDC) lãi tới 221 tỷ đồng, tăng gần 30% so với các năm trước và cũng là kết quả cao nhất từ trước đến nay.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KDC chia sẻ, bằng chiến lược M&A, KDC đã sở hữu được TAC, có công ty con KDF, VOC… và đang thực hiện từng bước sáp nhập các công ty này vào Tập đoàn, qua đó, tối ưu hóa chi phí sản xuất, quản lý, kênh phân hối, gia tăng thị phần nhiều hơn. Với việc KDC sở hữu Kido Nhà Bè, VOC, TAC thì ba công ty hợp nhất trong một tập đoàn, sức mạnh sẽ gia tăng, tiết giảm chi phí, biên lợi nhuận tăng.
Cùng với đó, Kido cũng tiến đến bắt tay với Vinamilk để tiến sâu hơn vào ngành tiêu dùng, mở rộng sang ngành nước giải khát (không gas), sữa… với thương hiệu Vibev. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sự hợp nhất Tập đoàn cùng cái bắt tay với Vinamilk, theo ông Trần Lệ Nguyên, là bước đi cần thiết nhằm gia tăng thương hiệu, củng cố thế mạnh phân phối, đối tác (đặc biệt là thị trường xuất khẩu), quy mô vốn, tài chính…
Mới đây, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) công bố thông tin đã hoàn tất việc mua thêm hơn 1,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) - doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh phở, hủ tíu, mì..., nâng sở hữu từ 3,6 triệu cổ phiếu, tương đương 51,29% vốn (là lượng mua từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hồi tháng 1/2021) lên 5,4 triệu cổ phiếu SGC, tương ứng 76,72% vốn SGC.
Vĩnh Hoàn là đơn vị không xa lạ trên thị trường M&A. Những năm trước đó, doanh nghiệp này thực hiện nhiều thương vụ như mua lại 100% cổ phần Công ty cổ phần Thủy sản Thanh Bình Đồng Tháp để tăng năng lực sản xuất; mua lại một nhà máy chế biến để thành lập Công ty Vĩnh Phước. M&A là công cụ mở rộng quy mô nhanh và đa dạng nguồn thu của Vĩnh Hoàn.
Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) đã hoàn tất mua vào 18,57 triệu cổ phiếu VGC, nâng sở hữu tại Tổng công ty Viglacera từ 46,07% lên 50,2%. Gelex chính thức trở thành công ty mẹ và sẽ tiến hành hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera từ đầu quý II/2021.
Các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi, đặc biệt với triển vọng kinh tế tích cực trong năm 2021
Sau hợp nhất, hai bên kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất khu công nghiệp với mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng số các khu công nghiệp của VGC lên hơn 20 địa điểm, với trên 10 khu công nghiệp mới, tổng diện tích tăng thêm từ 2.000 - 3.000 ha; duy trì mục tiêu phát triển quỹ đất khu công nghiệp dự trữ tối thiểu gấp đôi đất cho thuê hàng năm.
Ông Tiong Hooi, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn thương vụ và thẩm định giao dịch tại PwC Việt Nam nhận xét, các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi, đặc biệt với triển vọng kinh tế tích cực trong năm 2021.
Bên cạnh đó, sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa Covid-19.
Diễn biến thực tế cũng cho thấy, bất chấp dịch bệnh Covid-19, từ năm 2020 đến nay, ngoại trừ những giai đoạn trầm lắng do giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm chủ hoàn toàn trên thị trường M&A, không ít thương vụ dần được hé lộ.
Vinamilk đã từng bước thâu tóm thành công Mộc Châu Milk. Ảnh: Dũng Minh. |
Vinamilk - tay chơi lớn trên thị trường M&A, mua vào gần 79 triệu cổ phần Công ty cổ phần GTNFoods (GTN) năm 2019, nâng tỷ lệ sở hữu từ 43% lên 75%, chính thức nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp.
Giá trị giao dịch ước tính vào khoảng 1.800 tỷ đồng. GTNFoods thời điểm này đang là công ty mẹ của Mộc Châu Milk, sở hữu 51% vốn thông qua công ty con là Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico).
Mới đây, GTNfoods thông qua phương án sáp nhập GTNfoods vào Vilico. Sau khi hoàn tất việc hoán đổi cổ phần để thực hiện sáp nhập, tất cả các cổ đông của GTNfoods sẽ trở thành cổ đông của Vilico, cổ phiếu GTN sẽ hủy niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), còn vốn điều lệ VLC sẽ được tăng thêm một khoản tương ứng với số cổ phiếu phát hành trên với mệnh giá.
Điểm đáng chú ý là GTNfoods hiện sở hữu 74,49% cổ phần của Vilico, đồng nghĩa với việc công ty mẹ sáp nhập vào công ty con.
Thông tin sáp nhập hai doanh nghiệp này gây bất ngờ cho thị trường nhưng lại được các bên phân tích đánh giá là quyết định đầy khôn ngoan của “người cầm trịch” Vinamilk. Bởi lẽ, GTNfoods là công ty theo mô hình holdings, sở hữu cổ phần tại Vilico, gián tiếp sở hữu Mộc Châu Milk nên sự tồn tại của GTNfoods là không cần thiết.
Thương vụ đình đám không kém là Thaco chính thức tiếp quản HAGL Agrico (HNG). Đại hội cổ đông HNG cũng đã thống nhất phương án tăng vốn thêm 7.414 tỷ đồng, thông qua phát hành 741.446.105 cổ phiếu cho Thagrico (công ty nông nghiệp của Thaco) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Sau đợt phát hành, cơ cấu cổ đông HNG gồm Thaco Group và gia đình ông Trần Bá Dương là 63,08%; HAGL Group là 26,82%; các cổ đông khác là 10,1%.
Lần mua trên đã chính thức hình thành một Thaco có mảng nông nghiệp sở hữu quỹ đất lớn có tầm nhìn trở thành công ty nông nghiệp lớn trong khu vực, chỉ sau vài năm tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco tham gia vào lĩnh vực này. Một tham vọng không thể có nếu không có M&A.
Ngày càng nhiều tay chơi mới
Tại Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) tuần qua, có cổ đông đã góp ý với Hội đồng quản trị về việc thực hiện M&A dự án mới, hoặc mua cổ phần tại các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn để rút ngắn thời gian đầu tư các dự án, tăng quỹ đất kinh doanh trong giai đoạn tới do quỹ đất của NTL không còn nhiều, trong khi tiền mặt của Công ty tới đây dự kiến có gần 1.000 tỷ đồng từ việc mở bán dự án Lideco Hoài Đức và Bãi Muối Hạ Long.
Thậm chí, cổ đông này, vốn là một nhà đầu tư "cá mập" trên thị trường, còn chỉ đích danh địa chỉ, tức doanh nghiệp tiềm năng để lãnh đạo Công ty xem xét nghiên cứu.
Ví dụ trên cho thấy, những doanh nghiệp phát triển dự án theo kiểu truyền thống (lập dự án, đấu giá đất…) cũng chịu sức ép tìm đến M&A như một phương thức để mở rộng thị trường, mở rộng đầu tư nếu không muốn rớt lại sau chặng đua.
M&A đã trở thành chìa khóa giúp Gelex thâm nhập sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp và dần thâu tóm được doanh nghiệp hàng đầu về bất động sản công nghiệp và vật liệu xây dựng với giá được đánh giá vô cùng hợp lý, là Viglacera.
Hiện nay, tỷ lệ sở hữu của Gelex tại Viglacera đã đạt 51%, được cho là nắm quyền quản trị doanh nghiệp, với 3/5 vị trí trong Hội đồng quản trị, trong đó có ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Năm 2021, Viglacera đặt kế hoạch lãi 1.000 tỷ đồng, tập trung phát triển bất động sản công nghiệp và hàng loạt nhà máy vật liệu xây dựng hiệu quả. Doanh nghiệp dự kiến cho thuê khoảng 173 ha trên tổng số 8 khu công nghiệp đang còn quỹ đất.
Thị trường chứng khoán thời gian qua cũng chứng kiến hàng loạt câu chuyện về mua chi phối doanh nghiệp có tiềm năng như CVT, Ninh Vân Bay, các doanh nghiệp dược như Dược Hậu Giang, Domesco, Phymeco… Cùng với những toan tính M&A, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp cũng tăng vọt.
Ví dụ, thị giá CTV từ 25.000 - 26.000 đồng/cổ phiếu đã vọt lên trên 50.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu Dược Hậu Giang từ 65.000 đồng/cổ phiếu vọt lên trên 120.000 đồng/cổ phiếu…
Trên thị trường, có các nhóm nhà đầu tư chuyên tìm kiếm các doanh nghiệp còn dư địa tăng trưởng nhưng đang có giá trị dưới tiềm năng hoặc bết bát nhất thời để thâu tóm.
Trên thị trường, có các nhóm nhà đầu tư chuyên tìm kiếm các doanh nghiệp còn dư địa tăng trưởng nhưng đang có giá trị dưới tiềm năng hoặc bết bát nhất thời để thâu tóm, thay quyền quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp tốt lên để đầu tư lâu dài hoặc đơn giản là hiện thực hóa lợi nhuận sau một thời gian ngắn.
Nguồn tin thân cận với nhóm nhà đầu tư “cá mập” trên cho biết, khi nhà đầu tư có mục tiêu M&A gom cổ phần, đối với họ, giá cả không thành vấn đề, họ sẽ gom và đẩy giá lên cho đến khi đạt mục tiêu về tỷ lệ sở hữu.
Khi nhà đầu tư đạt được tỷ lệ cần sở hữu, giá cổ phiếu sẽ đi ngang quanh mức đó, hoặc sẽ giảm trở lại về giá trị thực, thanh khoản cũng giảm trở lại vì nhà đầu tư ít mua bán do hết “sóng”.
Một công ty nước sạch địa phương có giá giao dịch bình quân chỉ 12.000 đồng/cổ phiếu đã được đẩy vọt lên gấp 3 lần khi trở thành mục tiêu M&A của nhóm nhà đầu tư trên. Sau khi nhóm nhà đầu tư gom đủ, một thời gian sau, giá cổ phiếu lại rớt về mức 1x và giao dịch lèo tèo.
Không chỉ có M&A thân thiện, trên thị trường cũng có nhiều chiêu trò M&A thù địch. Chủ tịch một doanh nghiệp vật liệu xây dựng “có đai có đẳng” tại Việt Nam kể câu chuyện một doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã về tay “cá mập” nước ngoài.
Bên cạnh việc trả giá thật cao cho lô cổ phần của các nhà sáng lập, phía thâu tóm còn liên kết với nhiều bên sử dụng ngân hàng, các nhà phân phối… ép lãnh đạo doanh nghiệp mục tiêu bằng nhiều cách, để buộc họ phải chóng mặt mà “gật đầu”.
Cũng có nhiều thương vụ sau khi M&A đã ngả bài, thị giá cổ phiếu lại tăng vọt. Những trường hợp này là lãnh đạo doanh nghiệp hoặc nhóm cổ đông trong doanh nghiệp sử dụng cổ phiếu để cầm cố lấy vốn hoặc có mục tiêu huy động vốn qua thị trường chứng khoán nên cùng nhà tạo lập sử dụng các biện pháp kỹ thuật thúc đẩy giá cổ phiếu cũng như giao dịch cổ phiếu…
Một báo cáo của PwC công bố hồi cuối năm 2020 nhận định, năm 2021 và 2022 có thể là quãng thời gian bận rộn cho việc mua bán và sáp nhập.
Các công ty đã tích lũy hơn 7.600 tỷ USD tiền mặt, trong khi thị trường chứng khoán sôi động, lãi suất vẫn ở mức thấp kỷ lục là những nhân tố thúc đẩy việc hợp nhất, mua bán doanh nghiệp. Đây là phương thức có thể nhanh chóng giúp doanh nghiệp lấp đầy những khoảng trống cấp bách về kỹ năng, nguồn lực và công nghệ mà họ đang cần.