Doanh nghiệp Việt lên sàn ngoại, đường dài còn xa!

(ĐTCK) Đã lâu, thị trường chứng khoán Việt Nam mới có thêm 1 doanh nghiệp công bố ý định niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Nhưng một lần nữa, người có liên quan lại phải tự hỏi, liệu cửa huy động vốn cho các doanh nghiệp thông qua hình thức này đã mở đủ rộng?
Doanh nghiệp Việt lên sàn ngoại, đường dài còn xa!
Ngày 4/8/2014, thông tin Tập đoàn FLC làm việc với các tổ chức của Singapore về kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán nước này gây xôn xao thị trường. Điều khiến những cổ đông FLC vui mừng hơn là nhận định của giám đốc công ty tư vấn về việc, FLC có đủ điều kiện để niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore, mà không cần phải đi đường vòng.

Niêm yết thị trường chứng khoán nước ngoài, nếu thành công, rõ ràng sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp trong việc huy động thêm nguồn vốn. Bên cạnh đó, còn những yếu tố khác khiến cổ đông ủng hộ, đó là niêm yết ở thị trường chứng khoán ngoại, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe hơn về quản trị, công bố thông tin, và cả hiệu quả sinh lời.

Đáp ứng được điều kiện ban đầu để niêm yết, kỳ vọng vào việc niêm yết trên thị trường chứng khoán ngoại là vậy, nhưng thực tế, con đường niêm yết của FLC trên thị trường chứng khoán Singapore liệu có dễ dàng?

Còn nhớ, trước FLC, hàng loạt đại gia khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mà đáng lưu ý nhất là Vinamilk (VNM), FPT, PVDrilling (PVD) cũng từng công bố kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài, nhưng cuối cùng, kế hoạch chỉ dừng ở kế hoạch!

Vấn đề không phải ở chỗ các doanh nghiệp này không đủ hấp dẫn, không đáp ứng quy định, mà nằm ở một nguyên nhân khác: chính sách! Những cản ngại về pháp lý đã từng khiến nhiều doanh nghiệp Việt phải lặng lẽ khép lại hồ sơ “xuất ngoại” cổ phiếu.

Trên thực tế, cơ quan quản lý đã biết về ách tắc này và có những động thái gỡ khó. Bằng chứng là câu chuyện về pháp lý cho việc niêm yết trên sàn ngoại đã có bước chuyển biến khá tích cực, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, với 3 điều thuộc Mục 2 Chương 3 quy định chi tiết về điều kiện, hồ sơ, thủ tục niêm yết.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, cho biết, với quy định hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, niêm yết mới tại thị trường chứng khoán nước ngoài, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo là đủ yêu cầu. Hiện tại, Vingroup là đơn vị đã có đủ điều kiện để niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán ngoại.

Chính sách đã thông, nhưng hành trình ra sàn ngoại vẫn chưa hết vướng, mà theo ghi nhận của ĐTCK từ phản hồi của một số lãnh đạo cơ quan quản lý niêm yết, lại đến từ việc… chưa liên thông cơ chế giám sát công bố thông tin.

Một nguồn tin nói rằng, chưa có sự hợp tác đủ chặt chẽ giữa Sở GDCK trong nước - nơi doanh nghiệp niêm yết trong nước với các Sở GDCK nước ngoài, nơi doanh nghiệp muốn niêm yết cổ phiếu, để đảm bảo thông tin hoạt động giám sát giao dịch công bố giữa các bên đồng thời, nhất quán. Vì thế, câu chuyện niêm yết và hậu niêm yết của doanh nghiệp chắc chắn không phải doanh nghiệp muốn là được ngay.

Vướng mắc này, một lần nữa, thị trường chờ các Sở GDCK vào cuộc!

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục