Doanh nghiệp Việt được gì từ các FTA?

Khoảng 1,8 triệu bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi, trị giá hơn 100 tỷ USD đã được nhà chức trách cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024, cao hơn con số 86 tỷ USD của năm 2023.
Nhiều doanh nghiệp, trong đó có dệt may, đã tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA để gia tăng xuất khẩu. Ảnh: Đức Thanh

Rộng cửa cho hàng xuất khẩu

Thông tin về tác động của hiệp định thương mại tự do (FTA) tới thương mại hàng hóa, Bộ Công thương cho biết, việc ký kết thành công 17 FTA với nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu (trong đó 16 FTA đã thực thi, 1 FTA đang chờ phê chuẩn) đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quy mô ngoại thương của Việt Nam.

FTA mới nhất được ký kết tháng 10/2024 là với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE (CEPA), được đàm phán, ký kết trong thời gian ngắn kỷ lục, chỉ 16 tháng, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với hơn 60 nền kinh tế. Thông qua các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, góp phần nâng quy mô thương mại tăng nhanh chóng.

Dữ liệu của Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2022, lần đầu tiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt 730 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD; sang năm 2023, dù chịu ảnh hưởng của thương mại toàn cầu chậm lại, nhưng xuất khẩu vẫn đạt gần 355 tỷ USD. Kết thúc năm 2024, xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 800 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gần 406 tỷ USD.

Các FTA đã giúp Việt Nam gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu, với mức tăng trưởng hơn 20%, một số thị trường tăng hơn 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung.

Đánh giá về kết quả tận dụng cơ hội mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu từ các FTA, Bộ Công thương nhận định là tích cực. Hoạt động xuất nhập khẩu đã cơ bản tận dụng, khai thác có hiệu quả cam kết mở cửa thị trường từ các FTA, xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết thị trường đã ký FTA đều tăng.

Năm ngoái, xuất khẩu sang EU đạt 51,6 tỷ USD, tăng 18,3%; sang khu vực ASEAN gần 37 tỷ USD, tăng 13,6%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,6%; sang Nhật Bản 24,6 tỷ USD, tăng 5,5%...

Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu được ưu đãi thuế quan theo các FTA có sự cải thiện theo từng năm. Thông qua tận dụng FTA để thúc đẩy xuất khẩu, giai đoạn 2013-2022, mức tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam có sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA là 12,7%/năm.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được hưởng cam kết xóa bỏ hay cắt giảm thuế quan theo các FTA đạt trên 86 tỷ USD, thì năm 2024, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 1,8 triệu bộ C/O ưu đãi, trị giá hơn 100 tỷ USD cho hàng hóa xuất khẩu, tăng 18% về số lượng C/O, tăng 28% về trị giá so với năm 2023, chiếm 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA.

Giải thích về con số này, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tỷ lệ cấp C/O ưu đãi trung bình 28% trong năm qua không có nghĩa là 72% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao, bởi thuế nhập khẩu tại một số thị trường như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) đã là 0%. Hơn nữa, con số 28% chỉ là tỷ lệ cấp trung bình của các mẫu C/O ưu đãi, tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O, từng thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

“Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi năm 2024 tăng 28% so với năm trước, cho thấy đây là kết quả tích cực, thể hiện Việt Nam đang tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA”, bà Thu Hiền khẳng định.

Có thể nói, các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, tạo cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tận dụng ưu đãi

Quy mô xuất nhập khẩu không ngừng tăng, “trái ngọt” từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm qua là không thể phủ nhận, nhưng mổ xẻ kỹ hơn về những con số về kim ngạch xuất khẩu ưu đãi theo các FTA, Bộ Công thương thừa nhận, dù tăng song vẫn chưa cao và có sự chênh lệch đáng kể giữa các địa phương và giữa các khối doanh nghiệp. Hơn 70% kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào khối FDI, tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA cũng nghiêng về khối này. Chưa kể, xuất khẩu còn phụ thuộc một số thị trường lớn.

Một trong những trở ngại khiến việc tận dụng ưu đãi FTA chưa như mong đợi là giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng, phần lớn hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng gia công, chế biến và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp FDI, tỷ lệ nội địa hóa thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.

Thặng dư trong cán cân thương mại chủ yếu do các doanh nghiệp FDI mang lại, trong khi xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước liên tục thâm hụt.

Theo các điều tra của Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), tỷ lệ các doanh nghiệp Việt biết về các cam kết FTA có lợi cho mình chỉ chiếm khoảng 15-25%, tỷ lệ tận dụng được các cam kết này còn thấp hơn nữa.

Một khảo sát gần đây cũng của VCCI cho thấy, phần lớn doanh nghiệp làm thủ tục xin chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan FTA cho hàng hóa xuất khẩu một cách thụ động, do nhà nhập khẩu yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp hoặc chưa biết, hoặc chưa chủ động biến các ưu đãi thuế quan FTA thành lợi thế của mình khi tìm kiếm khách hàng hay đàm phán các đơn hàng xuất khẩu.

Đó là chưa kể tới các hạn chế cố hữu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, trong năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn truyền thống lẫn các tiêu chuẩn mới về xanh, bền vững ở các thị trường.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên xuất khẩu nông sản thừa nhận, tình trạng thiếu thông tin thị trường, những hàng rào kỹ thuật trong thương mại vẫn làm khó doanh nghiệp. Khi có thông tin rồi thì doanh nghiệp cũng không dễ đáp ứng, bởi với các FTA hiện hành thì thuế về bằng 0 hoặc rất thấp, thì các quốc gia đó áp dụng rất nhiều hàng rào kỹ thuật. Thậm chí có những rào cản mà doanh nghiệp chưa bao giờ biết đến.

Không phải ngẫu nhiên mà tại buổi công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý: “Thế mạnh của Việt Nam là xuất khẩu, nhưng phải hướng đến bền vững, tuân thủ cao. Hội nhập không chỉ có thảm đỏ và hoa hồng, mà có nhiều chông gai, đòi hỏi nhiều nỗ lực để vượt lên, đạt được các kết quả thực chất nhất”.

Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới là động lực quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên và trọng yếu. Do đó, hội nhập trong bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cần có tư tưởng mới, từ tiếp nhận sang đóng góp, từ vị thế quốc gia đi sau, sang trạng thái quốc gia đi lên, tiên phong trong nhiều lĩnh vực.

Việt Nam cần khai thác hiệu quả các cam kết và thỏa thuận quốc tế, với tinh thần đã nói là làm, cam kết phải thực hiện và đã thực hiện là phải hiệu quả. Bởi theo Thủ tướng, ký kết nhiều nhưng phải hiệu quả, không phải ký kết xong rồi để đó.

Tới đây, Việt Nam tiếp tục đàm phán, ký kết, thực hiện các hiệp định thương mại, liên kết kinh tế với các đối tác có tiềm năng, các nền kinh tế có tính bổ trợ với nền kinh tế Việt Nam như với Brazil, Ấn Độ, Trung Đông… để mở ra cơ hội xuất khẩu mới.

Để FTA thực sự lan tỏa tác động tới các ngành hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu một chương trình chuyên sâu, thiết kế riêng gói hỗ trợ cho doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu để đáp ứng FTA. Cùng với sự phối hợp của các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, gói hỗ trợ chuyên sâu sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng FTA thực chất hơn.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

“Cà Mau đang khai thác tốt lợi thế từ các FTA”

- Ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Nhờ việc hội nhập thông qua 17 FTA đã ký kết và thực thi, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã giúp tỉnh Cà Mau khai thác và tận dụng hiệu quả, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, nhất là với nhóm hàng thủy sản, vốn là thế mạnh của địa phương. Việc khai thác tốt lợi thế từ các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP đã giúp kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2024 đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 5,31% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra. Hiện, địa phương sở hữu 41 nhà máy hiện đại, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất của thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

"Thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu"

- Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10

Việc hội nhập sâu rộng với 17 FTA đã ký kết có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của ngành dệt may, trong đó có May 10. Doanh nghiệp đã có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, nỗ lực đáp ứng các quy tắc xuất xứ nhằm tận dụng ưu đãi theo cam kết thuế quan từ các FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP, UKVFTA… Nguyên liệu nội địa được doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn, tăng khả năng đáp ứng theo các FTA thế hệ mới.

"Các FTA đã tiếp sức nhiều cho doanh nghiệp"

- Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group

Các FTA mà Việt Nam ký kết, đưa vào thực thi thời gian qua đã tiếp sức nhiều cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Với ngành nông sản, Vina T&T là doanh nghiệp đi đầu, tiên phong với sản xuất xanh, sạch, bài bản để tiến vào các thị trường khó tính. Chúng tôi là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lô hàng trái cây gồm dừa tươi, thanh long, bưởi da xanh sang EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Tất cả các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu từ Việt Nam vào các thị trường có FTA đều được ưu đãi thuế quan.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục