Doanh nghiệp Việt đang sử dụng máy móc, thiết bị lạc hậu 2 - 3 thế hệ

Xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2015 đứng thứ 56/140 quốc gia xếp hạng, nhưng mức độ sẵn sàng về công nghệ chỉ đứng thứ 92, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thứ 121 và khả năng tiếp thụ công nghệ mới chỉ đứng thứ 112/140 quốc gia.     
Doanh nghiệp Việt đang sử dụng máy móc, thiết bị lạc hậu 2 - 3 thế hệ
Đánh giá 10 năm triển khai Luật chuyển giao công nghệ (CGCN), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh cho rằng, Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

“Từ năm 2008 đến nay tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp đạt mức 10%/năm. Hoạt động trao đổi, mua bán công nghệ cũng được thực hiện tại các chợ công nghệ và thiết bị, hội chợ sản phẩm và công nghệ mới thuộc nhiều ngành nghề như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, xây dựng… Các chợ công nghệ thiết bị đã huy động được 5.908 đơn vị tham gia, giới thiệu và chào bán 24.802 công nghệ và thiết bị, đã ký được 6.768 biên bản ghi nhớ và hợp đồng mua bán công nghệ với tổng giá trị giao dịch là 8.306 tỷ đồng”, ông Ngọc Anh thống kê nhưng không cho biết các số liệu kể trên là ít hay nhiều so với thế giới và khu vực trong bối cảnh nền kinh tế tri thức phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 12 bậc, đứng thứ 56/140 quốc gia xếp hạng, nhưng mức độ sẵn sàng về công nghệ chỉ đứng thứ 92, doanh nghiệp có vốn đầu tư nướ ngoài và chuyển giao công nghệ thứ 81, mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thứ 121 và khả năng tiếp thụ công nghệ mới chỉ đứng thứ 112/140 quốc gia.

Mặc dù vậy, ông Ngọc Anh vẫn khẳng định, năng lực công nghệ của nhiều doanh nghiệp được nâng cao đáng kể, nhiều sản phẩm được tạo ra từ các công nghệ tiên tiến đã được sử dụng và khai thác trong các công trình quốc gia, quy mô lớn như Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, Lai Châu; giàn khoan dầu khí hoặc trong các chương trình quốc gia như Chương trình quốc gia sản xuất vaccine tiêm chủng...

Tuy nhiên, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội lại cho rằng, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực (các nhà máy nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng, …) vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.

“Chúng ta vẫn CGCN thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Mặc dù nhìn nhận, đánh giá nền khoa học - công nghệ thế nào, tại Phiên họp thứ 3 vào sáng nay (ngày13/9/2016) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn quyết định sửa đổi toàn bộ Luật CGCN thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều như dự kiến ban đầu.

Trước thực trạng Việt Nam đã và đang trở thành bãi rác công nghệ của thế giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với việc sửa đổi toàn diện Luật CGCN năm 2006.

Không chỉ dẫn chứng Công ty Formosa Hà Tĩnh đầu độc môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do sử dụng công nghệ không đúng với cam kết, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân còn cho biết, có nhà máy ở Hậu Giang mỗi ngày sử dụng 20.000 m3 nước sông Hậu, thải ra môi trường 20.000 m3 nhưng chỉ xử lý được 20% để minh chứng việc sửa đổi toàn diện Luật CGCN rất bức thiết trong bối cảnh hiện nay.

“Sau khi luật được ban hành phải bảo đảm khắc phục được thực tế là Việt Nam đã và đang trở thành bãi rác, là nơi chuyên sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu của thế giới không. Một vấn đề nữa cũng không kém phần quan trọng là chúng ta phải vừa quản lý được môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, kiểm soát được tình trạng nhập khẩu công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu, cũ kỹ nhưng vừa phải bảo đảm môi trường thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh và tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường khoa học công nghệ”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông Phan Thanh Bình đặt ra 3 câu hỏi cho Ban soạn thảo mà theo ông là 3 câu hỏi rất khó nhưng phải giải quyết bằng được trong Luật CGCN sửa đổi.

“Thứ nhất, CGCN trong nước hiện nằm ở đâu, quy trình thế nào phải làm rõ. Thứ hai chuyển giao từ nghiên cứu đến doanh nghiệp phải qua khâu trung gian, đó là tổ chức kết nối giữa viện nghiên cứu với doanh nghiệp như người nông dân muốn bán, xuất khẩu sản phẩm của mình phải qua các công ty lương thực chứ người nông dân không thể tự đem sản phẩm xuất khẩu được, cũng tương tự như nhà khoa học không thể đem sản phẩm công nghệ vào sản xuất đại trà mà phải qua khâu trung gian, khâu khớp nối giữa nghiên cứu và ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất. Nhưng khâu khớp nối này hiện nay gần như chưa có. Thứ ba, CGCN phải đặc biệt quan tâm tới doanh nghiệp nhỏ và vừa vì ngay cả những sản phẩm có giá trị lớn, đòi hỏi công nghệ tiên tiến như ô tô cũng chủ yếu do các doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp linh kiện, phụ tùng”, ông Bình phát biểu.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng đặt ra câu hỏi không mới nhưng rất khó và yêu cầu Ban soạn thảo phải giải quyết được: “Sửa Luật CGCN có khắc phục tình trạng “cất ngăn kéo” các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu?”.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục