Doanh nghiệp Việt chưa lúc nào ngồi đợi

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp Việt chưa lúc nào ngồi đợi, kể cả trong dịch bệnh, lúc khó khăn bủa vây, vì đằng sau họ là sự êm ấm của hàng vạn, hàng triệu gia đình người lao động...
Các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để sớm có vắc-xin Covid-19 tiêm phòng cho người lao động. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến thịt gà tại Công ty TNHH Koyu & Unitek, Khu công nghiệp Long Bình (Loteco), Biên Hòa (Đồng Nai ) Các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để sớm có vắc-xin Covid-19 tiêm phòng cho người lao động. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến thịt gà tại Công ty TNHH Koyu & Unitek, Khu công nghiệp Long Bình (Loteco), Biên Hòa (Đồng Nai )

1.

Nửa đầu tháng 5/2021, Bắc Giang rồi Bắc Ninh bùng dịch. Trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu của khu vực phía Bắc rơi vào chảo lửa khi F0 trong các khu công nghiệp nhảy số liên tục.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ lập tức liên hệ với các doanh nghiệp trong khu vực, lên lịch trao đổi với một số phóng viên kinh tế.

Khác với những lần trước, đợt dịch thứ tư đe dọa trực tiếp những chủ thể tạo nên sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo. Năm ngoái, đây là khu vực chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các ngành dịch vụ bị Covid-19 xóa sổ gần như toàn bộ thành quả của nhiều năm trước. Bắc Giang cũng là địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020, với mức tăng 13,02%...

Một cuộc đối thoại chớp nhoáng đã diễn ra giữa các chuyên gia và một số doanh nghiệp có nhà máy trong vùng dịch, khá căng thẳng vì tình thế phức tạp. Nhưng, chỉ trong vòng nửa tiếng, nhiều doanh nghiệp đã lên xong phương án tổ chức lại dây chuyền sản xuất để bảo vệ người lao động, hạn chế tối đa tác động tiêu cực trong trường hợp có người nhiễm vi-rút...

Đặc biệt, doanh nghiệp đã nhắc tới các kênh tìm kiếm nguồn cung vắc-xin, chủ động đề xuất đóng góp tài chính để sớm có vắc-xin Covid-19 tiêm cho người lao động và gia đình, đảm bảo sự ổn định của hoạt động sản xuất.

Khi đó, đề nghị này đã gây nên nhiều tranh luận. Nhập khẩu vắc-xin vốn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không dành cho doanh nghiệp “ngoại đạo”. Hơn thế, nguồn cung vắc-xin Covod-19 trên thế giới rất giới hạn, nhiều hãng sản xuất tuyên bố chỉ đàm phán với chính phủ. Nhiều chuyên gia nghi ngờ về tính khả thi của các đề xuất này.

“Chúng tôi đã tranh luận rất nhiều, khó không có nghĩa là không thể. Họ chỉ cần rõ ràng cơ chế, quy trình thủ tục, họ sẽ tìm được nguồn cung. Với doanh nghiệp, người lao động an toàn là doanh nghiệp an toàn. Báo chí cần phải hiểu rõ điều này, để thể hiện đúng mong muốn của doanh nghiệp”, ông Kiên chia sẻ với nhiều cảm xúc.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã chủ động tìm đến nhau, bàn về bài toán vắc-xin cho người lao động. Các doanh nghiệp đã tính toán, với số lao động cả triệu người như Hiệp hội Dệt May Việt Nam, chi phí bỏ ra để mua vắc-xin có thể lên tới vài chục tỷ đồng, nhưng số đó chắc chắn sẽ nhỏ hơn thiệt hại khi dịch bệnh tràn đến, sản xuất bị ngưng trệ, đơn hàng không hoàn thành. Đơn cử một doanh nghiệp quy mô chưa đầy 200 lao động, chỉ riêng chi phí xét nghiệm, mua sắm các thiết bị theo các phương án phòng chống dịch từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã lên tới vài trăm triệu đồng...

Mặc dù các địa phương tâm dịch cũng như các ngành, lĩnh vực đều công bố các khoản ngân sách hỗ trợ, các chính sách ưu đãi cho các đối tượng chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, nhưng đây không phải là mối quan tâm số 1 của doanh nghiệp vào lúc này.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn nhớ, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đã liên tục họp trực tuyến để trao đổi, tìm kiếm các khả năng tiếp cận với nguồn cung vắc-xin Covid-19. Mọi mối liên kết với các công ty mẹ ở nước ngoài, các đối tác là tập đoàn toàn cầu được xới lên...

“Nhiều cánh cửa đã mở ra. Đây là lý do chúng tôi đề nghị cuộc làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vào đầu tháng 6/2021. Hôm đó, chúng tôi đã nói với Phó thủ tướng, các đề xuất của doanh nghiệp sẽ chỉ thực hiện khi được Chính phủ đồng ý, nhưng doanh nghiệp muốn Chính phủ biết là họ không ngồi đợi, muốn chung tay với Chính phủ”, ông Lộc nói.

2.

Một tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý đề nghị của UBND TP.HCM về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Trước đó, UBND TP.HCM đã có tờ trình đề nghị cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được chủ động đàm phán tìm nguồn vắc-xin từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới, được nhập khẩu hoặc thuê các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc-xin để nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 về Việt Nam.

Nếu các chính sách bắt kịp xu hướng đổi mới, sáng tạo, chúng ta sẽ có nhiều VinFast, nhiều Thaco, nhiều TH True Milk, Hòa Phát... hơn.

Ngay sau đó, trong cuộc làm việc với doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Thạch Thất (Quốc Oai, Hà Nội), Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhắc tới phương án doanh nghiệp chủ động mua vắc-xin để tiêm phòng cho cán bộ, công nhân viên qua việc đặt hàng với 27 đơn vị đã được cấp phép chính thức nhập khẩu..

Ông Lộc đã nhắc đến 2 ví dụ trên khi đề nghị báo chí đề câp đến những áp lực, đòi hỏi từ thực tiễn tới cách thức điều hành của Chính phủ trong dịch bệnh. Ông tin rằng, những quyết tâm, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã tác động rất lớn tới các cơ quan quản lý nhà nước, kích hoạt Chính phủ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói trong cuộc họp đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn.

Chưa đến hai tuần, kể từ khi những kiến nghị đầu tiên về việc cho phép doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung vắc-xin Covid-19, Chính phủ đã có những thông điệp ủng hộ, bắt đầu bằng việc công bố danh mục doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vắc-xin và cơ chế làm việc. Giờ thì các văn bản pháp lý cũng được hoàn tất...

“Tôi muốn chia sẻ điều này vì tài nguyên, nguồn lao động dồi dào với chi phí thấp sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Thay vào đó, chìa khóa là đổi mới, sáng tạo. Doanh nghiệp nhận rõ thách thức này và có chiến lược phù hợp. Nhưng, hành trình đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp đang vướng phải những tư duy, quy trình “bình thường cũ”. Việc tìm lời giải cho bài toán vắc-xin Covid-19 theo “cơ chế thời chiến” có thể chứng minh, khi chung tay vì lợi ích chung, Chính phủ và doanh nghiệp sẽ cùng dám làm, dám chịu”, ông Lộc nói.

Hàm ý của ông Lộc là nhắm đến các khuyến nghị của VCCI về các nhóm vấn đề vướng mắc liên quan đến môi trường kinh doanh đã gửi các bộ, ngành nhiều lần, nhưng vẫn đang trong trạng thái chờ nghiên cứu, xem xét.

Khác với năm ngoái, sự chủ động ứng phó với dịch bệnh cũng như sự trở lại của các trung tâm kinh tế toàn cầu, Mỹ, EU... đã khiến doanh nghiệp không thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp có cơ hội đầu tư nhiều hơn vào đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) hay thực hiện thay đổi chiến lược kinh doanh.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cảm thấy sốt ruột khi so tốc độ thay đổi của doanh nghiệp với tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh. “Nếu các chính sách bắt kịp xu hướng đổi mới, sáng tạo; thúc đẩy các ý tưởng kinh doanh, chúng ta sẽ có nhiều VinFast, nhiều Thaco, nhiều TH True Milk, Hòa Phát... hơn. Khi đó, nền kinh tế sẽ có động lực tăng trưởng mới, đúng xu thế thời đại”, ông Cung lý giải khi đề xuất các gói phục hồi và kích thích kinh tế, thay vì chỉ nghĩ đến hỗ trợ doanh nghiệp.

3.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về dự báo kết quả kinh doanh năm 2021, ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Dolphin Sea Air Services Corp., tân Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội vẫn tin vào khả năng tăng ít nhất 10% lãi ròng trong năm nay của Công ty. Ông cũng tin tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay vẫn đạt được như kế hoạch.

Cơ sở của niềm tin mà ông gọi là mãnh liệt này chính là nguyên tắc chống dịch, nhưng “không ngăn sông cấm chợ”, “khoanh vùng hẹp” , yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ... của Chính phủ.

“Khi thông thương thuận lợi, doanh nghiệp sẽ tìm được cách để vượt khó, đó là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp”, ông Nam nói.

Khi Hải Dương bùng dịch vào tháng 2/2021, ông Nam và cộng sự đã lên nhiều phương án kinh doanh cho các kịch bản khác nhau. Từng cấu phần hình thành doanh thu được phân tích, dự tính nguy cơ và có phương án bù đắp khi doanh thu bị ảnh hưởng. Các phương án tiếp cận thị trường, ngành hàng mới, phát triển thị trường quốc tế... cũng như phương án bảo vệ, hỗ trợ người lao động ngay lập tức được thiết kế, trên nguyên tắc không để trứng cùng một giỏ. Khi dịch bùng phát vào tháng 5/2021, các kịch bản được kích hoạt một cách chủ động.

Đáng nói là những việc Dolphin Sea Air đã làm không có gì là bí mật. Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội ai cũng biết. Thậm chí, ông Nam kể, nhóm doanh nghiệp công nghệ trong Hội đã được thiết lập, để xây dựng các gói giải pháp phù hợp với quy mô của từng doanh nghiệp, chuyển dần hình thức làm việc tập trung sang hình thức làm việc trực tuyến một cách thông suốt…

“Chúng tôi đang có kế hoạch nghiên cứu, đào tạo để áp dụng số hóa tối đa trên các bước làm việc, sao cho phù hợp nhất với mô hình kinh doanh của hội viên”, ông Nam chia sẻ đầy hào hứng khi được hỏi về các giải pháp cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Doanh nghiệp đã bước vào trạng thái bình thường mới với tâm thế chủ động hơn rất nhiều.

Nhưng theo ông Nam, lúc này, chiến dịch vắc-xin toàn quốc là mối quan tâm lớn nhất.

“Chính phủ nói cần dành quyền chủ động và chuyển sang thế tấn công. Vắc-xin là vũ khí tốt nhất. Chúng tôi sẵn sàng chung tay. Tôi mong báo chí sẽ lan tỏa được tâm thế này”, ông Nam khuyến nghị.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục