Kết quả kinh doanh quý II/2012 của công ty mẹ Gemadept (GMD) vừa công bố khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng, với khoản lỗ trong quý II hơn 40 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty mẹ GMD lỗ nhẹ 8,9 tỷ đồng. Khoản lỗ này chủ yếu do hoạt động vận tải tàu biển.
GMD đã quyết định bán đi 2 tàu biển để tăng công suất vận chuyển hàng hóa của 3 tàu còn lại. Vì vậy, tháng 7 vừa qua, hoạt động vận tải biển đã bắt đầu dừng lỗ. Theo thông tin của ĐTCK, quý II, kết quả kinh doanh hợp nhất của GMD có lãi nhờ nguồn thu từ các hoạt động khác như giao nhận, cảng biển, bất động sản. Việc cơ cấu lại hoạt động vận tải biển về mức hòa vốn sẽ giúp các mảng kinh doanh khác không phải bù lỗ cho hoạt động này.
Cũng trong ngành vận tải biển, CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO (VIP) vẫn duy trì hoạt động có lãi ổn định. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động, VIP đã bán 1 tàu biển không cho thuê hạn định. Ngoài ra, 2 tàu sông cũng được bán cho công ty chuyên vận tải thủy nội địa của Petrolimex, cổ đông lớn của VIP để khai thác hiệu quả hơn. Hai quý đầu năm, VIP vẫn kinh doanh có lãi và đảm bảo kế hoạch trả nợ và chi phí vốn vay bằng ngoại tệ. VIP dự kiến, đến cuối năm 2014, khi các tàu hiện có đã trả hết nợ vay mua tàu và bắt đầu cho thu nhập ròng, Công ty mới tiếp tục đầu tư thêm tàu mới.
Tuy nhiên, đối với các công ty chỉ hoạt động vận tải biển thuần túy thì việc cơ cấu lại mảng kinh doanh này không dễ dàng. CTCP Vận tải Dầu khí Việt
Falcon chủ yếu vận tải tàu biển với đội tàu 10 con tàu các loại. Công ty này cũng gặp phải vấn đề như một số công ty cùng ngành khác khi đầu tư tàu với giá cao, nhưng giá cước cũng nhu cầu vận tải đang giảm mạnh nên hiệu quả đầu tư kém; chi phí lãi vay lớn do biến động tỷ giá. Có lẽ vì thua lỗ lớn, chưa có lối thoát mà Falcon đã hoãn ĐHCĐ thường niên năm 2012 (dự kiến tổ chức vào ngày 16/5) với lý do cổ đông lớn là Tổng công ty Hàng hải chưa sắp xếp được thời gian tham gia. Sau gần 3 tháng, kế hoạch ĐHCĐ vẫn chưa được khởi động lại.
CTCP Vận tải và cho thuê tàu biển Việt Nam (VST) tuy vẫn còn lỗ nhưng mức lỗ không cao so với các công ty hoạt động cùng lĩnh vực, 15 tỷ đồng/quý. Điều này có được là do VST đã giảm 3 tàu trong đội tàu, cùng với việc giảm trích lập khấu hao theo quy định, giúp giá vốn vận tải giảm 94 tỷ đồng, tương đương 24%.
Lãnh đạo VST cho biết, tình hình khan hiếm đơn hàng vận chuyển và giá cước vận tải tăng chậm trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lãi vay trong nước tăng cao thì việc bán tàu, giảm năng lực vận chuyển là lựa chọn tất yếu để các công ty vận tải biển tiến dần về điểm hòa vốn ở mảng kinh doanh này.