Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay khi chuyển đổi xanh

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần sớm ban hành các tiêu chuẩn xanh cụ thể và đồng bộ, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế hoặc các nguyên tắc ESG.
Tiếp cận "vốn xanh" vẫn đang là điểm nghẽn với các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Tiếp cận "vốn xanh" vẫn đang là điểm nghẽn với các doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

“Đỏ mắt” tìm vốn rẻ cho chuyển đổi xanh

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho hay, nhu cầu tín dụng xanh hiện nay là rất lớn khi nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, phần lớn những doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp SME gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa.

“Một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính. Theo thống kê, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh”, ông Đinh Hồng Kỳ chia sẻ.

Khi doanh nghiệp Việt còn loay hoay, các tập đoàn lớn nước ngoài đã có bước đi mạnh mẽ. Heniken đầu tư 14 triệu USD vào năng lượng tái tạo và cắt giảm 50% lượng carbon. Unilever mỗi năm tái chế 10.000 tấn nhựa. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không được hỗ trợ và kịp thích nghi, nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng quốc tế là rất lớn.

Nhưng câu chuyện này không mới, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nhà băng thường yêu cầu tài sản đảm bảo để bảo vệ rủi ro cho mình. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên thông tin, chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng cấp tín dụng xanh của các ngân hàng nội địa đang là một khoảng trống lớn. Trong vài năm trở lại đây, Xuân Nguyên cố gắng tiếp cận nguồn vốn xanh với lãi suất ưu đãi để đầu tư cho vùng trồng, nhà máy sản xuất… nhưng vẫn không thành công.

“Yếu tố xanh không phải là tiêu chí được ưu tiên khi tiếp cận vốn. Ngoài phần pháp lý, câu chuyện khó khăn là chưa có những tiêu chí xanh cụ thể để các tổ chức tài chính đánh giá, thẩm định doanh nghiệp đầu tư xanh. Gần đây, Xuân Nguyên đã được hỗ trợ vay vốn, đáp ứng 50% nhu cầu, nhưng là thông qua khoản vay dành cho doanh nghiệp và cá nhân với tài sản đảm bảo”, ông Vũ chia sẻ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường vốn xanh toàn cầu có thể đạt giá trị lên đến 23.000 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt, đây là điều khiến nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang gặp khó khăn khi thiếu tiêu chuẩn xanh rõ ràng.

Cần bộ tiêu chí xanh

Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, nguy cơ bị loại khỏi thị trường là rất lớn, thậm chí có thể dẫn đến phá sản. Bài học từ ngành dệt may đã cho thấy rõ điều này.

Tuy nhiên, nếu chỉ hỗ trợ tín dụng xanh cho khoảng vài trăm doanh nghiệp đạt chứng nhận xanh thì chưa đủ tính đồng bộ và tạo được sức bật trong cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ kiến nghị, mong muốn Nhà nước có thể ban hành một bộ tiêu chuẩn chung cho các doanh nghiệp sản xuất xanh. Qua đó các doanh nghiệp có thể đăng ký đến một đầu mối để kiểm tra, thẩm định và được cấp chứng nhận một cách nhanh chóng. Thông qua đạt chứng nhận này, doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng xanh một cách dễ dàng hơn.

Đồng tình ý kiến, đại diện HUBA kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý có giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Ông Kỳ cho rằng để chuyển đổi xanh thực sự hiệu quả, cần đặt mục tiêu cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, đồng thời có chính sách dài hạn bảo đảm phát triển bền vững.

Có mục tiêu cụ thể sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn xanh, đây sẽ là chìa khóa đáp ứng các tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe và tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Về phía ngân hàng, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cho hay, hiện nay, việc thiếu tiêu chuẩn xanh rõ ràng sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đo lường và báo cáo hiệu quả môi trường của các dự án. Các tổ chức tài chính quốc tế thường yêu cầu báo cáo chi tiết về lượng khí thải carbon, mức độ tiêu thụ năng lượng và các chỉ số môi trường khác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có hệ thống quản lý và báo cáo đủ mạnh để đáp ứng các yêu cầu này.

Qua đó, ông Hải hy vọng năm nay, ngân hàng Nhà nước sẽ có hướng dẫn về khung tài chính xanh để có sự hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

“Ngoài bộ tiêu chí xanh rõ ràng, các ngân hàng luôn mong muốn doanh nghiệp minh bạch về vấn đề tài chính để có thể tiếp cận với nguồn vốn xanh. Song song đó, doanh nghiệp cũng phải thẳng thắn chia sẻ với ngân hàng về những khó khăn của doanh nghiệp đang gặp phải để cùng nhau tháo gỡ nút thắt. Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng ESG là một quá trình chuyển đổi đòi hỏi phải cam kết lâu dài. Thông thường các khoản tài chính xanh là vốn đầu tư dài hạn nên đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược, lộ trình rõ ràng và dài hạn”, ông Hồng Hải chia sẻ.

Hoài Sương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục