Doanh nghiệp tuần qua: Ông lớn không dừng làm ví điện tử; Hanoi Metro có lãi; Vicem xin hồi sinh tòa tháp bỏ hoang

0:00 / 0:00
0:00
Novaland thông báo tái khởi động dự án tại Phan Thiết và Hồ Tràm; Viettel IDC giành giải thưởng quốc tế về điện toán đám mây; Vicem xin hồi sinh tòa tháp nghìn tỷ bỏ hoang 8 năm...

Novaland thông báo tái khởi động dự án tại Phan Thiết và Hồ Tràm

Theo thông tin từ Novaland, Tập đoàn sẽ tái khởi động các dự án tại Phan Thiết và Hồ Tràm. Cụ thể, tuần qua, Novaland đã tổ chức lễ ký kết triển khai dự án NovaWorld Hồ Tràm, phân kỳ Habana Island và Wonderland.

Novaland tái khởi động các dự án tại Phan Thiết và Hồ Tràm

Novaland tái khởi động các dự án tại Phan Thiết và Hồ Tràm

Sau đó, Novaland sẽ tái khởi động dự án NovaWorld Phan Thiết và tổ chức lễ ký kết tài trợ dự án với đối tác là Ngân hàng MB vào ngày 19/05/2023.

MB cũng như nhiều ngân hàng khác đã quay trở lại giải ngân tài trợ cho các dự án của Novaland sau một thời gian dài dừng giải ngân do các lo ngại về tình hình tài chính của tập đoàn này.

Là đối tác của Novaland tại cụm dự án Nova World Hồ Tràm và Nova World Phan Thiết trong vai trò tổng thầu thi công nhiều gói thầu khác nhau, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng thông báo tái khởi động các công trình của NovaWorld Hồ Tràm và Phan Thiết.

Trước đó, hồi tháng 2/2023, NovaWorld Phan Thiết bất ngờ thông báo dừng chính sách hỗ trợ lãi suất đối với nhà đầu tư. Các nhà đầu tư shophouse tại dự án này sẽ phải chi trả hoàn toàn lãi vay.

Về kết quả kinh doanh quý đầu năm 2023, Novaland lỗ ròng hơn 410 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 1.045 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu sụt giảm mạnh gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn hơn 600 tỷ đồng.

Đây cũng là lần đầu tiên tập đoàn này báo lỗ trong một quý kể từ khi niêm yết vào năm 2016 đến nay.

Viettel IDC giành “cú đúp” giải thưởng quốc tế về điện toán đám mây

Viettel IDC, đơn vị tiên phong về cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại thị trường Việt Nam, vừa đạt "cú đúp" giải thưởng quốc tế uy tín trên thế giới là Datacloud Global Awards và Asia Pacific Stevie Awards.Năm nay, Viettel IDC là nhà cung cấp đến từ Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách thắng giải của Datacloud Global Awards bên cạnh nhiều tên tuổi lớn trên thế giới về Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây như EdgeConneX, Chinadata Group, Microsoft, CBRE Data Center Solutions,...

Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây của Viettel IDC.

Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây của Viettel IDC.

Giải thưởng Datacloud Global được đánh giá bởi một hội đồng chuyên gia, độc lập, trên toàn thế giới. Các ứng cử viên được xem xét và chấm điểm dựa trên ba thành phần cốt lõi là sự đổi mới, tính hiệu quả và khả năng dẫn dắt thị trường. Hội đồng Datacloud Global Awards đánh giá, Viettel IDC là đơn vị dẫn đầu thị trường tại Việt Nam, cũng như sở hữu hệ sinh thái dịch vụ đám mây đa dạng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Vicem xin hồi sinh tòa tháp nghìn tỷ bỏ hoang

Sau 8 năm "đắp chiếu", Vicem kiến nghị được hoàn thiện toà tháp ở đường Phạm Hùng, TP Hà Nội để khai thác.

Bộ Xây dựng vừa đề xuất Thủ tướng cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiếp tục hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (tháp Vicem - lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội) để khai thác. Đề xuất này dựa trên chính nhu cầu của Vicem sau nhiều năm doanh nghiệp để hoang hóa toà nhà.

Tháp Vicem được tổng công ty này đầu tư từ năm 2010 trên khu đất rộng gần 8.500 m2, diện tích xây dựng là 2.800 m2; quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm. Tổng mức đầu tư ban đầu là 1.951 tỷ đồng, sau đó, trong quyết định năm 2011 được điều chỉnh lên 2.743 tỷ đồng. Việc đầu tư nhằm xây dựng trụ sở làm việc của Vicem, các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại.

Khởi công xây dựng từ năm 2011, Tòa tháp Vicem đang ở trạng thái bị bỏ hoang

Khởi công xây dựng từ năm 2011, Tòa tháp Vicem đang ở trạng thái bị bỏ hoang

Lý giải về đề xuất, ông Hà Quang Hiện, Chánh Văn phòng Vicem nói họ và các đơn vị thành viên đang thiếu trụ sở làm việc. Văn phòng xây dựng từ năm 1980 hiện đã xuống cấp, diện tích chật hẹp, nằm trong lộ giới an toàn đường sắt nên không đảm bảo an toàn giao thông. Trụ sở mới sẽ đáp ứng được quy mô phát triển của doanh nghiệp, có không gian làm việc, phòng họp, văn phòng giao dịch, giới thiệu sản phẩm.

Năm 2011, toà tháp được khởi công, tuy nhiên sau khi hoàn thành thi công xây lắp toàn bộ kết cấu phần ngầm, phần thân công trình thì bị đắp chiếu từ 8/2015 đến nay.

Giai đoạn sau đó, Vicem đã nhiều lần đề nghị Bộ Xây dựng cho phép lập phương án, tìm đối tác chuyển nhượng toà tháp để hoàn vốn. Bộ Xây dựng đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho Tổng công ty chuyển nhượng vào tháng 3/2017.

Tuy nhiên, hoạt động này không thực hiện được do dự án gặp nhiều vướng mắc về pháp luật đầu tư, đất đai, việc sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất thuộc doanh nghiệp nhà nước.

Nhằm tránh lãng phí, Vicem đề nghị được tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án. Nếu được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ rà soát lại dự án cho phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, tuân thủ pháp luật.

Hiện Văn phòng Chính phủ đã gửi nội dung này đến các bộ gồm Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến để có cơ sở trình Thủ tướng.

Là một trong những doanh nghiệp chủ chốt trực thuộc quản lý của Bộ Xây dựng, thời gian qua Vicem đã gặp khó khăn trước những biến động trong nước, quốc tế. Năm ngoái, doanh nghiệp này có mức lãi thấp kỷ lục, hơn 1.500 tỷ, kể từ khi công bố thông tin từ 2015.

Trong năm nay, thị trường xi măng trong nước tiếp tục được dự báo thách thức do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, các công trình, dự án chậm triển khai do tắc nghẽn vốn, giải ngân đầu tư công chậm, thị trường bất động sản trầm lắng, trong khi giá nguyên nhiên liệu duy trì mức cao

VETC có giấy phép trung gian thanh toán

Ông lớn thu phí không dừng VETC vừa nhận giấy phép trung gian thanh toán - bước đệm quan trọng để phát triển thêm các dịch vụ khác trong hệ sinh thái giao thông số.

VETC được cấp phép 3 dịch vụ gồm ví điện tử, cổng thanh toán điện tử và thu hộ, chi hộ.

VETC được cấp phép 3 dịch vụ gồm ví điện tử, cổng thanh toán điện tử và thu hộ, chi hộ.

Theo giấy phép có thời hạn 10 năm, VETC được cấp phép 3 dịch vụ gồm ví điện tử, cổng thanh toán điện tử và thu hộ, chi hộ.

Đây cũng là giấy phép trung gian thanh toán đầu tiên được SBV cấp từ đầu năm. Đến hết năm ngoái, 48 đơn vị không phải là ngân hàng có giấy phép này.

VETC cho biết đây là "bước tiến rất quan trọng" để đảm bảo lợi ích và gia tăng tiện ích cho chủ tài khoản thu phí tự động không dừng (ETC). Với việc được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, ngoài chi trả phí giao thông, chủ tài khoản ETC của VETC có thể dùng để thanh toán bãi đỗ xe, phí cảng biển, cảng hàng không, xăng dầu.

VETC cùng Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC, ePass) là hai nhà cung cấp dịch vụ ETC trên thị trường. Tuy nhiên, trên ứng dụng của VETC chưa tích hợp với ví điện tử nào, còn ePass đã có liên kết với một số ví.

Theo số liệu của công ty mẹ - Tasco, VETC nắm một nửa thị phần cả nước về số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng, nhưng chiếm hơn 80% thị phần nếu tính riêng lượng xe active (có phát sinh giao dịch thu phí không dừng). Bình quân một ngày, hệ thống VETC có 1 triệu giao dịch, và ngày cao điểm lên tới 1,7 triệu giao dịch.

Công ty vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông có lãi

Năm 2022, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) lãi gần 97 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lỗ hơn 37 tỷ.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm ngoái, Hanoi Metro đạt tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 483 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần năm 2021. Trong đó, doanh thu bán vé tăng gấp gần 12,5 lần lên 65,8 tỷ đồng. Doanh thu 2022 của Hanoi Metro tăng mạnh một phần bởi năm 2021 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) mới bắt đầu thu phí từ tháng 11.

Doanh thu bán vé năm 2022 của Hanoi Metro tăng gấp gần 12,5 lần, lên 65,8 tỷ đồng.

Doanh thu bán vé năm 2022 của Hanoi Metro tăng gấp gần 12,5 lần, lên 65,8 tỷ đồng.

Cả năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu trợ giá lên đến 417 tỷ đồng, tăng gấp 6,6 lần 2021. Cũng nhờ khoản trợ giá này, Hanoi Metro đã thoát tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khi lãi gộp 109,5 tỷ đồng.

Trong cơ cấu chi phí của Hanoi Metro, khấu hao chiếm 60%, tương đương 225 tỷ đồng. Tiếp sau đó là nhân công với 99,4 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi năm ngoái) và chi phí dịch vụ mua ngoài gần 60 tỷ đồng (tăng gấp 3,7 lần).

Sau khi trừ hết các chi phí, doanh nghiệp này lãi trước thuế 96,8 tỷ đồng. Nhờ đó, khoản lỗ luỹ kế đến hết 31/12 của Hanoi Metro giảm, chỉ còn âm 36,8 tỷ đồng. Đến hết năm 2021, doanh nghiệp lỗ luỹ kế 160 tỷ đồng.

Hồi giữa năm ngoái, Hanoi Metro từng cho biết bức tranh tài chính chắc chắn sẽ khác sau khi được cộng thêm trợ giá theo đặt hàng của thành phố. Bởi trợ giá của thành phố không chỉ bù đắp phần thiếu hụt do doanh thu không đảm bảo chi phí mà còn có lãi định mức theo quy định.

Từ đầu tháng 9 năm ngoái, để phục vụ nhu cầu của hành khách lên cao, Hanoi Metro đã tăng thêm 2 đoàn tàu, nâng tổng số lên 9. Trong khu giờ cao điểm, cứ 6 phút lại có một chuyến tàu thay vì tần suất 10 phút một chuyến như trước.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km đi trên cao, có 12 nhà ga. Mỗi đoàn gồm 4 toa, sức chở tối đa 960 người một đoàn, tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác 35 km/h. Thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến hết 23 phút.

Năm 2023, Hanoi Metro khá thận trọng khi chỉ đặt kế hoạch lãi 5,9 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu có thể tăng lên 519 tỷ đồng (tăng 7% so với 2022), trong đó thu từ bán vé gần 74 tỷ đồng. Công ty dự kiến phục vụ hơn 10,6 triệu lượt khách với hơn 81.300 lượt tàu.

VinFast sẽ niêm yết ở Mỹ thông qua SPAC, định giá hơn 23 tỷ USD

Ngày 12/05/2023, VinFast Auto Pte. Ltd. và Black Spade Acquisition Co công bố thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp. Sau giao dịch, VinFast có mức định giá hơn 23 tỷ USD và tiếp tục kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Black Spade là công ty séc trắng được thành lập nhằm mục đích thực hiện giao dịch hợp nhất kinh doanh với công ty mục tiêu (Special Purpose Acquisition Company - SPAC) và hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE của Mỹ, với mã BSAQ.

Công ty được thành lập bởi Black Spade Capital hiện đang điều hành một danh mục đầu tư bao gồm nhiều khoản đầu tư xuyên biên giới.

Ban lãnh đạo của Vingroup, VinFast và Black Spade tại lễ ký kết.

Ban lãnh đạo của Vingroup, VinFast và Black Spade tại lễ ký kết.

Công ty hợp nhất sẽ có giá trị doanh nghiệp khoảng 27 tỷ USD. Giá trị vốn chủ sở hữu là 23 tỷ USD sau khi sáp nhập, chưa bao gồm số tiền sẽ quy đổi từ 169 triệu USD tiền mặt tín thác.

Giao dịch dự kiến sẽ kết thúc trong năm 2023 sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý và cổ đông, cũng như các điều kiện hoàn tất khác theo thông lệ. Sau giao dịch, các cổ đông hiện hữu của VinFast sẽ sở hữu 99% trong công ty sau sáp nhập.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc VinFast Auto Pte. Ltd. cho biết, việc hợp tác với Black Spade và đưa VinFast niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ sẽ là một cột mốc phát triển quan trọng đối với Vingroup, mở ra cơ hội huy động vốn lý tưởng cho quá trình phát triển toàn cầu hóa Công ty.

VinFast thành lập năm 2017, là thành viên của Tập đoàn Vingroup với tầm nhìn trở thành thương hiệu xe điện thông minh thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng xe điện toàn cầu. VinFast sản xuất và xuất khẩu dải SUV điện, xe máy điện và xe buýt trên khắp Việt Nam, Bắc Mỹ và Châu Âu. Nhà máy VinFast tại Hải Phòng có mức tự động hóa lên tới 90%, công suất giai đoạn 1 là 300,000 ô tô/năm.

Khánh An tổng hợp
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục