Bách hóa Xanh bán tôm của Vua tôm
Bách Hoá Xanh vừa có ký kết chiến lược với Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú để bán tôm theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho thị trường nội địa.
Theo biên bản ký kết, thì Minh Phú sẽ cung cấp tôm cho Bách Hoá Xanh với chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu Nhật, Mỹ và EU, được nuôi trong môi trường không kháng sinh, không hoá chất của Minh Phú.
Quyết định khai thác mạnh thị trường nội địa của Minh Phú được chú ý bởi đây là Công ty vốn chú trọng xuất khẩu |
Về phía Bách Hoá Xanh, đại diện Công ty cũng cho biết dù bán tôm đạt chuẩn xuất khẩu nhưng chủ trương của chuỗi là giá sẽ ngang giá chợ, tương ứng khoảng 168.000 VND/kg. Đại diện chuỗi cũng chia sẻ, 6 tháng vừa qua tổng thu mua giữa hai bên là 1.300 tấn, doanh thu bán hàng thu về hơn 220 tỷ đồng. Sau ký kết chiến lược lần này, kế hoạch năm 2024 Bách Hoá Xanh sẽ nhập 3.000 tấn tôm từ Minh Phú, doanh thu bán hàng dự kiến 500 tỷ đồng.
“Bách Hoá Xanh năm nay chú trọng đẩy mạnh chất lượng an toàn, hàng tươi thật ngon. Với hàng tôm, Minh Phú là một trong lựa chọn uy tín hỗ trợ. Công ty không chỉ cung cấp hàng mà còn đào tạo Bách Hoá Xanh cách bảo quản sản phẩm…”, ông Phạm Văn Trọng, Tổng Giám đốc Bách hoá Xanh, nói thêm.
Về Minh Phú, Công ty được biết đến là nhà nuôi trồng xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam. Thông qua ký kết chiến lược lần này, Minh Phú cũng cho biết sắp tới sẽ khai thác mạnh trở lại thị trường nội địa, đưa tổng tỷ trọng/doanh thu từ mức 1% hiện tại phục hồi lên 5-10%. Đây là tuyên bố gây chú ý của Công ty vốn trước giờ chú trọng xuất khẩu.
REE chưa có kế hoạch IPO mảng điện
Năm 2024, theo Tổng giám đốc REE Huỳnh Thanh Hải, còn một số khó khăn tại các mảng kinh doanh của Công ty.
Năm 2024, theo Tổng giám đốc REE Huỳnh Thanh Hải, còn một số khó khăn tại các mảng kinh doanh của REE |
Cụ thể, các nhà máy thuỷ điện đang đối mặt với tình trạng thiếu nước, đặc biệt ở miền Trung. Miền Bắc hy vọng có nước tốt. Khó nhất là vấn đề vận hành, vì phải tuân theo điều động của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hệ số alpha tăng lên tới 98%, nghĩa là chỉ còn 2% để tham gia thị trường. REE được cấp sản lượng Qc hàng tháng (sản lương điện hợp đồng) với hệ số 98%, nghĩa là toàn bộ số này phải theo giá hợp đồng, chỉ dư 2% vào thị trường. Do vậy, dự kiến lợi nhuận mảng điện sẽ đi xuống khoảng 7% trong năm nay. REE cũng đã cố gắng đề xuất với Bộ Công thương, nhưng chưa có khả quan.
Tuy nhiên, liên quan đến quan tâm của nhà đầu tư về dự định IPO mảng điện, Chủ tịch REE Nguyễn Mai Thanh cho biết chưa có kế hoạch IPO.
Mảng cơ điện lạnh dự kiến tăng lợi nhuận với các hợp đồng lớn từ nhiều dự án. Tuy vậy, khả năng đến năm 2025 mới đạt kỳ vọng. Năm nay chủ yếu tập trung vào mua bán, chuẩn bị cho năm sau.
Bất động sản, mảng cho thuê cố gắng duy trì tỷ lệ lấp đầy 97-98%. Đây là điều rất cần cố gắng, vì nhiều bên đã trả mặt bằng. Toà E.town 6 dự kiến cuối tháng 4 đưa vào khai thác. Diện tích cho thuê 36 ngàn ha, cho tỷ lệ lấp đầy khoảng 30%.
Mảng phát triển bất động sản, mục tiêu bán hết sản phẩm trong năm nay, ghi nhận toàn bộ doanh thu.
Mảng nước, đã đưa vào vận hành dự án Sông Đà, nhưng chưa đàm phán xong giá nước. Giá vẫn là từ trước đây, nên sẽ ghi nhận vào chi phí vận hành cao cho năm nay, dẫn đến lợi nhuận giảm. Các năm sau sẽ tốt hơn, sau khi đàm phán được giá nước.
GELEX cơ cấu lại danh mục đầu tư
Thông tin được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của GELEX.
Cụ thể, năm 2024, GELEX sẽ cơ cấu lại danh mục đầu tư, trong đó mảng thiết bị điện, phát triển hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản công nghiệp, năng lượng tái tạo vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư của Tập đoàn.
GELEX và Frasers Property Vietnam hợp tác triển khai các trung tâm công nghiệp theo mô hình cao cấp |
Trong đó, với mảng bất động sản khu công nghiệp, Gelex dự định chuyển mô hình đầu tư nhà xưởng, hạ tầng sang thành phố công nghiệp tích hợp đô thị sinh thái. Tập đoàn cũng kỳ vọng phát triển các dự án nhà ở xã hội, phát triển quỹ đất, đầu tư các dự án nhà ở thương mại, nghỉ dưỡng.
Liên quan tới thoái vốn mảng điện gió, kế hoạch này nằm trong chiến lược của tập đoàn, nhưng "không phải thoái hoàn toàn". Tức là, Gelex chỉ thoái một phần danh mục mảng năng lượng để tìm, lựa chọn đối tác cùng đồng hành trong các dự án tiếp theo. Hiện, danh mục đầu tư mảng năng lượng của tập đoàn này gần 3.500 MW, gồm điện gió, mặt trời.
Công ty cũng sẽ đầu tư thích đáng cho hoạt động R&D, bao gồm: con người, cơ chế chính sách và cơ sở vật chất; Sẵn sàng các phương án huy động vốn dài hạn quy mô lớn (trong và ngoài nước) và thực hiện huy động khi điều kiện thị trường phù hợp; cũng như chuẩn bị tốt các nền tảng về con người, đối tác, vốn… cho các dự án hạ tầng chiến lược quy mô lớn (nguồn điện, khu công nghiệp…).
Năm 2023, chiến lược phát triển hệ sinh thái đối tác với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu (các đối tác lớn trong và ngoài nước) đã bước đầu mang lại nhiều giá trị tích cực từ các cơ hội hợp tác với Frasers Property, Sembcorp Industries. Đây là chiến lược GELEX tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2024 nhằm giúp Tập đoàn tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng và nâng cấp phân khúc sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn cho các lĩnh vực cốt lõi, đẩy mạnh xuất khẩu và hướng tới mục tiêu trở thành Tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo GELEX cho biết, Công ty luôn dành sự quan tâm đến phát triển bền vững thông qua việc xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với năng lực cốt lõi và từng bước áp dụng có hiệu quả Khung quản trị tích hợp ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp).
Năm 2024, bên cạnh các mục tiêu tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, GELEX sẽ tập trung vào phát triển các năng lực tổ chức, quản trị, trong đó lấy văn hóa doanh nghiệp làm nền tảng, đầu tư thích đáng cho nguồn lực con người và hoạt động R&D, triển khai chuyển đổi số sâu rộng trong toàn Tập đoàn, song hành với hình thành khung quản trị rủi ro để đảm bảo một hệ thống hoạt động ổn định và bền vững. GELEX sẽ tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi xanh và hướng tới phát triển bền vững, gắn sự phát triển của doanh nghiệp với phát triển của Việt Nam.
Vietnam Airlines báo tin khởi sắc
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 2023 mới được công bố, Vietnam Airlines ghi nhận 92.231 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng hơn 21.400 tỷ (tức 30%) so với năm 2022.
Đây cũng là con số doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động của Tổng công ty, chỉ thấp hơn giai đoạn 2018 – 2019 khi COVID chưa bùng phát.
Trong quý I/2024, thị trường hàng không quốc tế được đánh giá đã cải thiện tại hầu hết tại các khu vực |
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng ghi nhận lợi nhuận gộp 3.885 tỷ đồng trong năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên kể từ đầu dịch có lợi nhuận gộp trong cả năm tài chính.
Tuy nhiên, hoạt động của Vietnam Airlines vẫn gặp phải nhiều thách thức như thị trường vận chuyển quốc tế phục hồi không đồng đều, tình trạng thừa tải và cạnh tranh gay gắt, giá nhiên liệu tăng cao, xung đột quân sự Nga - Ukraine, Israel – Hamas và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng. Ngoài ra, việc tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước chậm lại cũng ảnh hưởng tới chi tiêu của hành khách... Vì những lý do khách quan nói trên, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh sau kiểm toán của Vietnam Airlines vẫn thua lỗ trong quý 4 và cả năm 2023.
Theo dự báo của Vietnam Airlines, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty cũng được kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2024-2025.
Trong quý I/2024, thị trường hàng không quốc tế được đánh giá đã cải thiện tại hầu hết tại các khu vực, trừ một số thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông. Nhóm đường bay châu Úc, Ấn Độ, Mỹ tăng trưởng tốt so với cùng kỳ và so với 2019.
Thị trường hàng không nội địa cơ bản đã phục hồi, với nhiều đường bay nội địa tăng trưởng tốt đặc biệt trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2024.
Tuy nhiên, yếu tố biến động tỷ giá của một số đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn trong thanh toán so với USD cũng đã gây những ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Tổng công ty. Đồng thời, giá nhiên liệu vẫn neo ở mức cao ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Viettel Global tiếp tục bứt phá, có dịch vụ tăng trưởng doanh thu hơn 500%
Viettel Global (VGI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã qua kiểm toán. Theo đó, cả doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đều tăng trưởng ở mức cao.
Ví Emola của Viettel Mozambique tăng trưởng 505% |
Báo cáo cho thấy, con số doanh thu sau kiểm toán không thay đổi nhiều so với báo cáo tự lập. Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất năm 2023 của Viettel Global đạt 28.200 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2022. Quy đổi tỷ giá thời điểm cuối 2023, doanh thu của Viettel Global tương đương 1,18 tỷ USD.
Cả 9 công ty thị trường của Viettel Global đều ghi nhận tăng trưởng trong đó 4 thị trường tăng trưởng doanh thu trên 20%, gồm: Viettel Haiti (+36.2%), Viettel Mozambique (+28.2%), Viettel Myanmar (+20.2%) và Viettel Timor (+20.3%).
Doanh thu tăng trưởng tích cực, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 của Viettel Global đạt 3,879 tỷ đồng, tăng 28.7% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1,647 tỷ đồng, tăng 107 tỷ đồng so với năm 2022.
Đặc biệt, Viettel Global đứng số 1 về thị phần tại 6 trong 9 thị trường có mặt.
Tính đến hết năm 2023, Viettel Global đã cung cấp dịch vụ ví điện tử và super app tại 8 quốc gia. Doanh thu dịch vụ ví điện tử tăng trưởng gần 90%, trong đó, các công ty ví điện tử của Viettel Global tại thị trường đều ghi nhận mức tăng ấn tượng, như: E-Mola tại Mozambique (+505%), U-money tại Lào (+96%), Mosan tại Đông Timor (+94%).
Thuê bao super app tăng thêm gần 6 triệu. Nổi bật, MyID của Mytel tại Myanmar là ứng dụng di động phổ biến nhất tại quốc gia này với gần 27 triệu người dùng.