FPT hoàn tất thương vụ M&A đầu tiên tại Nhật Bản
Ngày 01/03, CTCP FPT công bố mua 100% vốn Công ty dịch vụ công nghệ Next Advanced Communications (NAC) của Nhật Bản. Đây cũng là thương vụ M&A đầu tiên của FPT tại thị trường Nhật.
NAC được thành lập từ năm 2011, hoạt động trong các lĩnh vực chính gồm tiếp thị, hỗ trợ tư vấn, quy hoạch hệ thống và thiết kế, phát triển, vận hành và bảo trì hệ thống và đang sở hữu đội ngũ gần 300 kỹ sư chất lượng cao.
Quyết định mua lại NAC được cho là bước đi phù hợp với chiến lược mở rộng toàn cầu của FPT, giúp Tập đoàn này đảm bảo tăng trưởng nhanh và tiến gần tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Nhật Bản vào năm 2027.
Ông Naoto Yamazaki, Chủ tịch NAC cũng khẳng định việc gia nhập hệ sinh thái FPT sẽ tiếp tục giúp NAC duy trì được sự tăng trưởng cao, đồng thời, nâng cao hơn nữa năng lực của Công ty trong tương lai. NAC và FPT sẽ hợp lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh vì lợi ích cao nhất của cộng đồng.
Việc thành công trong thương vụ M&A đầu tiên tại Nhật, sẽ tạo ra bước đà để FPT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mua bán sáp nhập trong thời gian tới. Trước đó, FPT đã có 2 thương vụ đầu tư vốn thành công tại Nhật với Konica Minolta và LTS.
Pomina góp vốn với nhà đầu tư chiến lược mới
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, CTCP Thép Pomina đã trình phương án tái cấu trúc toàn diện. Trong đó, Công ty sẽ góp vốn thành lập CTCP Pomina Phú Mỹ cùng với nhà đầu tư chiến lược mới. Công ty mới sẽ được sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của Pomina.
Công ty mới có vốn điều lệ khoảng 2.700-2.800 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng 4.000 tỷ đồng.
Pomina sẽ góp 35% vốn điều lệ, tương đương 900-1.000 tỷ đồng và sẽ góp bằng toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3. Nhà đầu tư mới sẽ góp bằng tiền.
Theo Pomina, tiến trình tái cấu trúc mạnh mẽ, đặc biệt có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược là cột mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Công ty. Việc hợp tác chiến lược này sẽ cung cấp nguồn vốn cần thiết để POM khởi động lại lò cao luyện phôi thép.
Dự kiến, Pomina sẽ vận hành lại lò cao vào quý IV/2024 sau thời gian ngừng hoạt động để đón đầu sự trở lại của các dự án bất động sản dự kiến phục hồi mạnh mẽ vào các tháng cuối năm.
Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường lần này, đại diện Pomina cho biết chưa thể công bố thông tin về nhà đầu tư mới vì quá trình đàm phán vẫn đang tiếp diễn.
“Các con số trong tờ trình vẫn còn đang đàm phán để đến bước cuối cùng. Về phía nhà đầu tư, vẫn chưa muốn công khai danh tính. Vì vậy chưa công bố tên cụ thể. Sau khi đàm phán kết thúc, chúng tôi dự kiến công bố danh tính nhà đầu tư tại đại hội thường niên diễn ra vào cuối tháng 42024”, đại diện Pomina cho biết.
Chia sẻ về nhà đầu tư mới, Chủ tịch Đỗ Duy Thái cho biết đây là tập đoàn có hệ sinh thái lớn và hoạt động rất gần với ngành thép.
“Khi chọn nhà đầu tư chiến lược, chúng tôi cân nhắc khá nhiều khía cạnh, mang lại giá trị gia tăng cho công ty. Đó là mục tiêu chính. Chắc chắn rằng chúng tôi phải chọn nhà đầu tư phải cùng văn hoá công ty và có tính chính trực, và quan trọng nhất là có thể mang lại giá trị gia tăng cho công ty”, Chủ tịch Thái cho biết.
Vinafood 2 sẽ thoái vốn tại 15 doanh nghiệp
Theo Đề án cơ cấu lại giai đoạn đến hết năm 2025, Vinafood 2 cần thực hiện chuyển nhượng vốn góp tại 15 công ty. Mục tiêu đến năm 2030, tổng doanh thu, thu nhập toàn Tổng công ty đạt 20.426 tỷ đồng, tăng bình quân 3%/năm và lãi trước thuế 170 tỷ đồng.
Đây là các nội dung quan trọng được Đại hội đồng cổ đông Vinafood 2 thông qua. Đối với Công ty mẹ, giữ nguyên phần vốn Nhà nước tại Công ty mẹ - Vinafood 2 (tỷ lệ Nhà nước nắm giữ đến năm 2025 là 51,43% vốn).
Bên cạnh đó, giữ nguyên tỷ lệ vốn góp của Công ty mẹ tại 5 công ty gồm CTCP Lương thực thực phẩm Safoco, CTCP Lương thực Bình Định, CTCP Xây lắp cơ khí và Lương thực Thực phẩm, CTCP Xuất nhập khẩu Kiên Giang, CTCP Lương thực thực phẩm Colusa – Miliket.
Đồng thời, thực hiện chuyển nhượng vốn tại 15 công ty có vốn góp của Công ty mẹ, trong đó có CTCP Sài Gòn Lương thực; CTCP Lương thực TP.HCM, CTCP Lương thực Nam Trung Bộ (SCFC); CTCP Lương thực Quảng Ngãi; CTCP Bao bì Tiền Giang, CTCP Tô Châu, CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm Cà Mau (AgrimexcoCaMau), CTCP Bến Thành - Mũi Né; CTCP Bao bì Bình Tây, Tổng CTCP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Foodinco.
Tổng công ty sẽ cơ cấu lại tài chính và sắp xếp, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Cambodia - Việt Nam; Khu nuôi cá Khém - Long Trị (Dự án chưa hoàn thành).
VinFast ký thỏa thuận hợp tác với đại lý đầu tiên tại Trung Đông
VinFast Auto chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Bahwan Automobiles Trading (BAT) về việc phân phối xe điện tại thị trường Oman. Sự kiện này giúp VinFast có mặt tại khu vực Trung Đông cũng như mở rộng toàn cầu.
Theo thỏa thuận, BAT sẽ trở thành đại lý chính thức của VinFast tại Oman. Trong giai đoạn từ năm 2024 - 2027, BAT dự kiến mở và vận hành 13 cửa hàng và xưởng dịch vụ VinFast. Cửa hàng đầu tiên dự kiến khai trương vào giữa năm 2024 và bán các mẫu xe điện VinFast VF 6, VF 7, VF 8, và VF 9 khi các mẫu xe này ra mắt thị trường.
Trước đó, VinFast và BAT đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong khuôn khổ hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 2023 (COP 28), được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Thông qua việc thúc đẩy hợp tác với đối tác đại lý đầu tiên tại Oman, VinFast đang tích cực tham gia hiện thực hóa các giải pháp di chuyển xanh trong khu vực Trung Đông.
Ông Tạ Xuân Hiển, Tổng giám đốc VinFast Trung Đông, chia sẻ: "Oman là một thị trường xe điện tiềm năng khi người tiêu dùng quốc gia này ngày càng thể hiện sự quan tâm với các phương tiện di chuyển xanh và bền vững. Hợp tác với BAT sẽ giúp VinFast nhanh chóng tiếp cận thị trường và mang đến cho khách hàng tại quốc gia này dải sản phẩm xe điện đa dạng".
Lô hàng ống thép xuất khẩu đi Nhật |
Ống thép Hòa Phát vào chuỗi bán lẻ của Nhật Bản
Thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, đầu năm 2024, Ống thép Hòa Phát đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào chuỗi hệ thống bán lẻ có hơn 1.200 cửa hàng trên khắp Nhật Bản, phục vụ nhu cầu trực tiếp của người dân.
Ống thép Hòa Phát xuất sang Nhật Bản được bán theo hình thức “DIY” nghĩa là sản phẩm tới tận tay người dân. Người tiêu dùng Nhật sẽ mua ống thép để ứng dụng vào nhiều việc khác nhau như: làm giàn giáo để trồng cây, các giá kệ chứa gỗ, làm nhà để xe, hay các sản phẩm gia dụng….
Để thâm nhập được vào thị trường này, Ống thép Hòa Phát phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng về độ chịu lực và ăn mòn, kháng thời tiết cao, đặc biệt là khí hậu lạnh của Nhật Bản. Sản phẩm được ứng dụng cho cả các sản phẩm ngoài trời trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Lãnh đạo Công ty Ống thép Hòa Phát cho biết, dự kiến trong thời gian tới, đối tác Nhật Bản sẽ sang Việt Nam trao đổi về các đơn hàng cho năm 2024 và có kế hoạch tiếp tục nhập thêm các dòng sản phẩm khác sau đơn hàng này.
Năm 2023, sản lượng bán hàng của Ống thép Hòa Phát ghi nhận 685.000 tấn. Trong đó xuất khẩu tăng trưởng gần 40% so với năm trước trong điều kiện thị trường thép chưa thực sự khởi sắc. Các đơn hàng xuất khẩu có đóng góp đáng kể vào sản lượng bán hàng chung của Công ty khi thị trường nội địa gặp khó khăn.
Bên cạnh thành phẩm ống thép, từ năm 2024, sản phẩm tôn cuộn mạ kẽm của Công ty Ống thép Hòa Phát sản xuất cũng thâm nhập vào các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Sản phẩm ống thép của Công ty đã xuất khẩu sang các thị trường châu Úc, châu Mỹ và châu Á.