Doanh nghiệp tuần qua: Đổi ghế Chủ tịch VNG; CEO FLC từ nhiệm thành viên HĐQT Nông dược HAI; Nội chiến tại Hòa Bình tiếp tục nóng

0:00 / 0:00
0:00
Tuần qua ghi nhận các chuyển dịch nhân sự quan trọng của VNG, Nông dược HAI trong khi cuộc nội chiến tại Tập đoàn Hòa Bình tiếp tục nóng.

Ông Lê Hồng Minh rời ghế Chủ tịch VNG sau 19 năm

Sau khi chào sản UPCoM, VNG thông báo thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị. Kể từ ngày 1/1/2023, vị trí này được chuyển giao từ ông Lê Hồng Minh sang ông Võ Sỹ Nhân.

Nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh chỉ còn giữ chức Tổng giám đốc VNG từ ngày 1/1/2023, sau 19 năm kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch

Nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh chỉ còn giữ chức Tổng giám đốc VNG từ ngày 1/1/2023, sau 19 năm kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch

Như vậy, nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh chỉ còn giữ chức Tổng giám đốc.

Ông Lê Hồng Minh đã giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG từ năm 2004. Ông cũng là một trong những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này, với sở hữu cá nhân gần 10% và đại diện gần 8% cổ phần.

Việc ông Minh rời vị trí Chủ tịch HĐQT của VNG có thể là để phù hợp với quy định "Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc) của 01 công ty đại chúng", tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Tân Chủ tịch VNG Võ Sỹ Nhân là 1 trong 4 thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2022-2025 vừa mới được VNG bầu bổ sung tháng 12/2022, cùng với bà Christina Gaw, ông Edphawin Jetjirawat, và ông Nguyễn Lê Quốc Anh.

Tân Chủ tịch VNG Võ Sỹ Nhân

Tân Chủ tịch VNG Võ Sỹ Nhân

Theo bản công bố thông tin, ông Nhân là Giám đốc điều hành Empire City, đồng sáng lập GAW NP Capital, đồng thời là Phó chủ tịch Công ty Tiến Phước

VNG được thành lập vào năm 2004, tên ban đầu là Công ty cổ phần Trò chơi Vi Na (Vinagame), vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Qua 16 lần tăng vốn, quy mô vốn của VNG hiện tại đạt hơn 358 tỷ đồng.

Cổ phiếu của VNG bắt đầu giao dịch trên UPCoM từ đầu năm nay, với mức giá tham chiếu phiên đầu tiên là 240.000 đồng, tương ứng định giá hơn 360 triệu USD. Tuy nhiên, sau 5 phiên giao dịch, không một cổ phiếu nào của VNG được khớp lệnh do không có cổ đông nào bán ra.

Hoạt động kinh doanh chính của VNG gồm trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán và tài chính, dịch vụ đám mây. Công ty cũng hoạt động tại Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Phillipines, Myanmar, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia.

Mảng hoạt động mang lại nhiều doanh thu nhất cho VNG là dịch vụ trò chơi trực tuyến, chiếm khoảng 70-80% tổng doanh thu những năm gần đây.

9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 5.760 tỷ đồng, trong đó riêng dịch vụ trò chơi trực tuyến đóng góp hơn 4.000 tỷ, tương ứng tỷ trọng hơn 70%. Mảng quảng cáo trực tuyến đứng thứ hai về quy mô, đem về cho VNG hơn 930 tỷ đồng, còn lại là dịch vụ thanh toán, tài chính dịch vụ đám mây, bản quyền nhạc và các dịch vụ khác.

Tuy nhiên, VNG liên tục báo lỗ từ năm 2021, bởi khoản lỗ tại các công ty liên kết, công ty con, chủ yếu là Zion và Tiki. 9 tháng đầu năm 2022, công ty này cũng lỗ hơn 764 tỷ đồng.

CEO FLC từ nhiệm thành viên HĐQT Nông dược HAI

Tổng giám đốc FLC Bùi Hải Huyền vừa xin từ nhiệm thành viên HĐQT tại Công ty cổ phần Nông dược HAI vì lý do cá nhân.

Bà Bùi Hải Huyền vừa xin từ nhiệm thành viên HĐQT tại Công ty cổ phần Nông dược HAI vì lý do cá nhân.

Bà Bùi Hải Huyền vừa xin từ nhiệm thành viên HĐQT tại Công ty cổ phần Nông dược HAI vì lý do cá nhân.

Thông tin này vừa được HAI thông báo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. HĐQT HAI sẽ báo cáo và trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc miễn nhiệm đối với bà Huyền tại cuộc họp gần nhất, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ công ty hiện hành.

Bà Huyền được bầu làm Chủ tịch HĐQT CTCP Nông dược HAI vào tháng 10/2018. Tới ngày 22/4/2021, ông Nguyễn Đức Công đảm trách vị trí này, bà Huyền được miễn nhiệm và tiếp tục giữ chức vụ thành viên HĐQT từ đó đến nay.

Từ đầu năm 2020, bà Huyền cũng được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc FLC, khi đại dịch Covid bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của FLC. Bên cạnh đó, bà còn giữ chức Phó chủ tịch thường trực HĐQT FLC.

Theo FLC, thời điểm này, kinh nghiệm điều hành của bà Bùi Hải Huyền được HĐQT nhận định là phù hợp cho các mục tiêu của FLC trong giai đoạn mới, nhất là trong vai trò kết nối tất cả mảng kinh doanh của tập đoàn và các đơn vị thành viên, điều phối thống nhất và tập trung các nguồn lực trong toàn hệ thống.

Trước đó, bà Huyền cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao về quản lý khách sạn, dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao, hàng không, nông dược... trong hệ thống FLC.

Sau khi bà Huyền từ nhiệm, HĐQT của Nông dược HAI còn 4 thành viên. 9 tháng đầu năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu hơn 185 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của công ty khoảng 43 tỷ đồng, tăng hơn 30 tỷ so với cùng kỳ 2021.

Cổ phiếu HAI đã bị HoSE đình chỉ giao dịch từ tháng 9/2022 cùng thời điểm với FLC do công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Trong văn bản giải trình, HAI cho biết công ty sẽ tìm đơn vị kiểm toán cho báo cáo tài chính năm 2021 vào tháng 10 và dự kiến tổ chức họp thường niên vào tháng 12. Dù vậy, với giải trình trên, HoSE đánh giá HAI vẫn không có khả năng công bố báo cáo kiểm toán bán niên 2022 đúng hạn, tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin.

Trong tuần trước, FLC cũng ghi nhận thay đổi nhân sự khi tất cả thành viên Bộ phận Kiểm toán nội bộ FLC xin từ chức vì lý do cá nhân. Đó là Thành viên Bộ phận Kiểm toán nội bộ Trần Thị Mỹ Dung và ông Nguyễn Mạnh Cường, Phụ trách bộ phận Kiểm toán nội bộ. Ông Nguyễn Mạnh Cường và bà Trần Thị Mỹ Dung là 2 thành viện được Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC chọn để thành lập Bộ phận Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT vào ngày 26/10/2021.

Như vậy chỉ trong 4 ngày, tất cả thành viên của bộ phận kiểm toán nội bộ FLC đều từ chức và hiện không còn ai trong thời điểm Tập đoàn FLC đang làm việc với đơn vị kiểm toán độc lập báo cáo tài chính năm 2021.

Nhà máy in tiền quốc gia có dàn lãnh đạo mới

Nhà máy in tiền quốc gia có tân tổng giám đốc và hai phó tổng giám đốc mới từ 10/1 năm nay.

Phó thống đốc Đào Minh Tú trao quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Nhà máy in tiền quốc gia cho ông Nguyễn Văn Long (bên trái). Ảnh: SBV

Phó thống đốc Đào Minh Tú trao quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Nhà máy in tiền quốc gia cho ông Nguyễn Văn Long (bên trái). Ảnh: SBV

Ông Nguyễn Văn Long, Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành Nhà máy In tiền Quốc gia được giao đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc từ 10/1/2023. Trước đó, ông cũng đã phụ trách điều hành nhà máy từ 2019 đến nay.

Ngoài tân tổng giám đốc, ban điều hành cũng có hai phó tổng giám đốc vừa được bổ nhiệm từ 10/1. Đó là ông Trần Duy Dưỡng (vốn là Trưởng phòng kế hoạch và điều độ sản xuất) và bà Phan Thị Hồng Thắm (từng là kế toán trưởng). Bên cạnh đó, nhà máy cũng vừa bổ nhiệm trưởng Ban Kiểm soát, thành viên Ban Kiểm soát mới.

Năm 2019, thu nhập bình quân của cấp độ quản lý nhà máy dao động từ 11 đến 50 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, vị trí tổng giám đốc và phó giám đốc có thu nhập tháng từ 40 đến 44 triệu đồng.

Nhà máy In tiền quốc gia là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. Nhà máy phụ trách in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng, vật phẩm, lưu niệm bằng vàng và các loại giấy tờ có giá theo kế hoạch được giao của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nhà máy là doanh nghiệp sản xuất đặc biệt, hoạt động không vì lợi nhuận, báo cáo tài chính cũng nằm vào diện danh mục tài liệu bí mật nhà nước từ ngày 21/12/2020.

Nội chiến tranh quyền tại Hòa Bình vẫn nóng

Theo nguồn tin của Thanh Niên, ông Lê Viết Hải, cổ đông lớn của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình với tỷ lệ nắm giữ 17,14% cổ phần, yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường.

Chương trình họp Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến có những nội dung chính sau:

Thứ nhất, thông qua việc bãi nhiệm một số thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT);

Thứ 2, thay đổi một số quy định trong điều lệ của công ty; thứ 3, bầu bổ sung một số thành viên HĐQT mới.

Cuối cùng là đính chính và làm sáng tỏ các thông tin tài chính của công ty đã bị nhóm ông Nguyễn Công Phú công bố không chính xác và diễn giải sai lệch trong cuộc gặp gỡ cuối tuần trước.

Cuộc "nội chiến" tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam, giữa ông Lê Viết Hải, chủ tịch đương nhiệm, người sáng lập và là người giữ vị trí này suốt gần 35 năm qua với ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập, người mới gia nhập Tập đoàn Hòa Bình chưa đầy 2 năm và không sở hữu cổ phần, đang ngày càng nóng.

Ông Lê Viết Hải (bên phải) và ông Nguyễn Công Phú

Ông Lê Viết Hải (bên phải) và ông Nguyễn Công Phú

"Cuộc chiến" bắt đầu từ khi ông Lê Viết Hải từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT để tạo điều kiện cho ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Hải nắm giữ ghế tổng giám đốc nhằm đáp ứng tính pháp lý theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, người nắm giữ chức vụ tổng giám đốc không được có quan hệ gia đình với người quản trị doanh nghiệp.

Đồng thời với việc này là bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình từ 1/1/2023.

Thế nhưng, chưa đến ngày bàn giao chính thức, Hòa Bình công bố Nghị quyết 53 ngày 31/12/2022 được HĐQT thông qua về việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm (ký 12/12/2022) chức vụ chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải; cũng như hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT.

Đồng thời, hoãn thi hành việc thành lập Hội đồng sáng lập do ông Hải đứng đầu trước đó. Nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ chủ tịch HĐQT.

Khánh An tổng hợp
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục