Doanh nghiệp tự tháo nút

(ĐTCK-online) Bắt đầu có sự dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài từ hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP. HCM tới các địa bàn lân cận. Lý do, bên cạnh những yêu cầu khá khắt khe về quy hoạch thì diện tích đất dành cho các dự án lớn của hai thành phố này đã không còn đủ đáp ứng nhu cầu của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
"Nút thắt" về nhân lực, hạ tầng giao thông, cảng biển... là những hạn chế của môi trường đầu tư Việt Nam. "Nút thắt" về nhân lực, hạ tầng giao thông, cảng biển... là những hạn chế của môi trường đầu tư Việt Nam.

Thực tế cho thấy, những dự án với quy mô sử dụng đất lớn được cấp phép trong thời gian vừa qua đều không phải ở các trung tâm kinh tế này, như dự án 100% vốn nước ngoài xây dựng khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực... với tổng vốn khoảng 1,29 tỷ USD do Công ty TNHH Good Choice USD-Việt Nam đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu; dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, sân golf, căn hộ cho thuê tại Kiên Giang, với tổng vốn đầu tư 1,64 tỷ USD, của Công ty TNHH một thành viên Starbay Việt Nam...

Song hành cùng với động thái này là xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, khu vực vui chơi giải trí tăng lên nhanh chóng. Trong tổng số 155 dự án đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2008 trong lĩnh vực dịch vụ nói chung, có tới 36 dự án trong lĩnh vực khách sạn, du lịch, xây dựng khu đô thị mới, xây dựng khu văn phòng, căn hộ. Không những thế, cơ hội tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này đang tăng lên đáng kể.

Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện tượng này hoàn toàn khác so với thời điểm cùng kỳ năm 2007. Khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào lĩnh vực này của Việt Nam đã than phiền là khó tiếp cận với các dự án trong quy hoạch, trong các đề án kêu gọi đầu tư của địa phương, nhất là những địa phương có ưu thế về du lịch, có hạ tầng tương đối tốt như Đà Nẵng, Bình Thuận, Quảng Nam... Trong khá nhiều nguyên nhân, có quan điểm cho rằng, sự nóng vội trong thu hút đầu tư của một số địa phương đã khiến nhiều diện tích đất rộng lớn bị "băm mảnh", nhiều chủ đầu tư thiếu năng lực thực hiện. Điều này khiến đất để không, nhưng nhà đầu tư mới không thể vào được. Trong trường hợp này, lợi ích của nhà đầu tư và của địa phương đều bị ảnh hưởng.

"Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đang mở rộng hơn với các nhà đầu tư nước ngoài có lẽ một phần chính là từ sự linh hoạt của các nhà đầu tư. Trong thời điểm này, khi một số nhà đầu tư trong nước đã có giấy chứng nhận đầu tư nhưng không còn đủ nguồn lực thực hiện đã bắt đầu mời gọi đối tác đầu tư nước ngoài cùng tham gia dự án. Đây không chỉ là giải pháp tăng nguồn lực cho các nhà đầu tư, mà còn không tiếp tục để tình trạng nhiều dự án bị ngưng trệ, gây lãng phí, nhất là Việt Nam đang rất thiếu và yếu về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hạ tầng khu đô thị", ông Thắng nói.

Cần phải nói thêm rằng, nhiều địa phương đang rà soát lại các dự án đã được cấp giấy phép nhưng chưa triển khai để đưa ra giải pháp hợp lý. Có thể, các hợp đồng liên kết, liên doanh này sẽ là một giải pháp giúp các bên cùng có lợi. Rõ ràng, trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tìm ra con đường hợp lý cho các kế hoạch kinh doanh.

Cũng trong xu thế "tự tháo gỡ khó khăn", Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải - Đài Loan (Foxconn) cho biết, sẽ bắt đầu dự án thành phố công nghệ tại Bắc Ninh không phải là các khu sản xuất, mà là khu nhà ở cho người lao động. Họ đã có lời giải rất tích cực và chủ động về chuẩn bị nguồn nhân lực cho chính mình trong khi chờ đợi những giải pháp tổng thể, vĩ mô từ Chính phủ Việt Nam . Bởi trong các dự án của Foxconn, thiếu lao động đồng nghĩa với việc dự án khó có thể triển khai.

Điều này hoàn toàn trái ngược với sự dè dặt cả từ phía chính quyền trong việc thực hiện thí điểm khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện, năng lực tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê của Hà Nội. Đặc biệt, cơ chế ưu đãi, thu hút vốn hiện vẫn chưa thực sự đủ mạnh để thu hút sự quan tâm của giới đầu tư vào dự án đầy tính xã hội này. Mặc dù Hà Nội đang đi đầu trong thu hút đầu tư vào xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, song hiệu quả vẫn còn rất xa so với yêu cầu.

Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cho các dự án, đặc biệt là dự án lớn cũng khiến các chủ đầu tư băn khoăn khi quyết định lựa chọn thời điểm và cả địa điểm đầu tư dự án. Phải thừa nhận rằng, nếu tất cả các dự án lớn được triển khai theo đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án công nghệ cao thì khó một địa phương nào đủ nguồn nhân lực để đáp ứng. "Nút thắt" về nhân lực, cùng với hạ tầng giao thông, cảng biển và tình trạng thiếu điện tiếp tục là những hạn chế lớn của môi trường đầu tư Việt Nam , đòi hỏi các chiến lược tháo gỡ chung, lâu dài giữa nhiều ngành. Trong bối cảnh hiện nay, những lời giải hữu hiệu thúc đẩy triển khai dự án từ phía các nhà đầu tư cần được tạo thêm điều kiện thuận lợi để cho ra kết quả tốt nhất.

Bảo Duy
Bảo Duy

Tin cùng chuyên mục