Doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều thách thức về giảm phát thải carbon

0:00 / 0:00
0:00
Đối với các doanh nghiệp, trước hết cần tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án đầu tư phải đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện cần thiết về môi trường.
Nhân viên Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La chế biến long nhãn. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN). Nhân viên Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La chế biến long nhãn. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN).

Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), qua trao đổi, thảo luận với 16 tổ chức, hiệp hội trong nửa đầu tháng 8 gồm 6 đại diện doanh nghiệp nhóm sản xuất, 5 đại diện doanh nghiệp nhóm dịch vụ, 5 đại diện nhóm doanh nghiệp địa phương cho thấy doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến quá trình phục hồi.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp xuất khẩu

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, phản ánh về những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, Ban IV cho biết bên cạnh khó khăn về tài chính, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tìm hiểu thông tin xung quanh chủ đề giảm phát thải.

Cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố tại Hội nghị COP 26 thể hiện quan điểm, chiến lược rõ ràng của Chính phủ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Ngay sau đó là sự cụ thể hóa cam kết bằng những hành động cụ thể của Chính phủ, thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26, ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP (quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon) và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg (ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính).

Tuy nhiên, để quá trình này đi tới thành công, theo Ban IV, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ với vai trò kiến tạo, dẫn dắt, người dân, doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện.

Trong đó, người dân cần nâng cao ý thức từ những việc nhỏ nhất như giảm thiểu rác thải sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Đối với các doanh nghiệp, trước hết cần tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án đầu tư phải đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện cần thiết về môi trường mới được phép triển khai và hoạt động.

Ở góc độ khác, thách thức được các hiệp hội phản ánh bước đầu là doanh nghiệp, hiệp hội hiện còn chưa nắm rõ, chưa đánh giá được vai trò của mình, cũng như các yêu cầu, quy định mới có khả năng ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh để đồng hành với quyết tâm của Chính phủ, vì chưa có những kênh thông tin cung cấp các khía cạnh liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp.

Thách thức ngày càng gia tăng khi thời gian gần đây, Mỹ và Liên minh châu Âu - các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam - đang đề xuất áp dụng một cơ chế mới, gọi là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), trong đó đưa ra các rào cản kỹ thuật, quy định liên quan giảm phát thải buộc doanh nghiệp ở các nước xuất khẩu vào các thị trường này phải tuân theo và có thể đánh thuế carbon trong trường hợp không đáp ứng quy định.

Thời hạn áp dụng các cơ chế này, nếu được thông qua, sẽ là ngay đầu năm 2024 (đối với cơ chế của Mỹ) và 2026 (đối với cơ chế của Liên minh châu Âu). Theo đó, sẽ có ảnh hưởng rất lớn và phức tạp tới hầu hết doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam.

Ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng xu hướng du lịch sau dịch

Báo cáo của Ban IV cũng nêu lên một số khó khăn đặc thù liên quan đến phục hồi ngành du lịch.

Theo Tổng cục Du lịch, tổng lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt, gấp 1,3 lần so với mức trước đại dịch của 6 tháng năm 2019.

Khách du lịch trong và ngoài nước tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN).
Khách du lịch trong và ngoài nước tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN).

Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, Việt Nam chỉ mới đón được hơn 600 nghìn lượt khách quốc tế, tương đương 7% mức trước đại dịch của 6 tháng năm 2019 vì cả khó khăn khách quan và chủ quan.

Mục tiêu đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2022 còn rất nhiều thách thức.

Một số khó khăn chủ yếu được nhận diện gồm, thời điểm mở cửa (15/3/2022) rơi vào cuối mùa cao điểm của du lịch inbound (khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam - thường từ tháng 10 đến tháng hết 3 hàng năm), đồng thời có sự biến động rất lớn ở một số thị trường khách truyền thống và mục tiêu (do cuộc xung đột Nga-Ukraine, lạm phát ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, hoặc do các chính sách thắt chặt với COVID-19 từ Trung Quốc, Nhật Bản…) nên hiệu ứng thu hút khách quốc tế còn rất hạn chế.

Khâu truyền thông, xúc tiến, quảng bá chính sách mở cửa du lịch tới các thị trường khách mục tiêu còn hạn chế.

Mặc dù Chính phủ có tuyên bố mở cửa du lịch quốc tế chính thức từ ngày 15/3, đi kèm từng bước nới lỏng về quy định y tế đối với du khách nhập cảnh vào Việt Nam sau đó, tuy nhiên, các hoạt động truyền thông và xúc tiến cho du lịch Việt Nam ở nước ngoài vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện một cách riêng lẻ, phụ thuộc vào năng lực và mối liên hệ của từng doanh nghiệp, chưa hội tụ được đồng thời nguồn lực và nỗ lực công-tư cho các thị trường khách mục tiêu.

Ngoài ra, chính sách thị thực nói chung dù đã được tuyên bố cởi mở như trước dịch COVID-19, song những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch (khách quốc tế ít đi lại di chuyển, có xu hướng ở dài ngày tại một quốc gia trong khi thời gian miễn thị thực của Việt Nam chỉ tối đa là 15 ngày), chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Các vấn đề như thị thực nhận tại cửa khẩu vẫn phải cần giấy “chấp thuận visa,” cần nhiều loại giấy tờ thủ tục phức tạp hơn so với trước COVID-19; hay thị thực điện tử (e-visa) cũng chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả tự động trên trang web và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối, khiến du khách nhập cảnh vào Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn không đáng có.

Cải cách thủ tục, đơn giản hóa thị thực

Để hỗ trợ ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, đặc biệt phục hồi lượng khách quốc tế tới Việt Nam, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch), các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác công tư để lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế, tiếp thị du lịch ra quốc tế, đặc biệt là tìm cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số nước (như Anh, Australia - đã được Hội đồng Tư vấn du lịch TAB và các doanh nghiệp du lịch chủ động phát triển bước đầu).

Ban này đề xuất Chính phủ giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan... nhằm đa dạng hóa thị trường, không để bị lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, nhất là các thị trường chi phối trong khu vực nhưng du khách chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Cùng với đó, tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và các nước Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày; áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn, qua đó tăng doanh thu cho ngành Du lịch.

Một giải pháp khác được Ban IV nêu lên, đó là giảm bớt giấy tờ và thủ tục với các doanh nghiệp lữ hành hoặc trực tiếp với du khách, đơn giản hóa thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu để phát huy hiệu quả hơn nữa các hình thức thị thực này.

Đối với các cải cách tới đây liên quan tới hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Ban đề xuất Chính phủ tăng cường các chương trình đối thoại, chia sẻ công-tư để doanh nghiệp nhận thức được tác dụng, hiệu quả và gia tăng sự ủng hộ, niềm tin với nỗ lực của ngành.

Riêng chủ đề hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vấn đề giảm phát thải để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 và thích ứng với thách thức từ các thị trường quốc tế, Ban IV cho biết đang tiến hành khảo sát nhanh diện rộng doanh nghiệp nhằm đánh giá kỹ hơn nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, nhằm sớm có thông tin, căn cứ chi tiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất các giải pháp phù hợp.

Ban IV đề xuất Thủ tướng cho phép Ban làm việc cùng Bộ Tài nguyên và môi trường trong quá trình này để có những tham mưu hiệu quả và thiết kế được các chương trình hữu ích cho doanh nghiệp.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục