Doanh nghiệp tư nhân: Điểm xoay của địa kinh tế Việt Nam - Bài 4: TP.HCM - Vùng phát xạ chiến lược quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Trong một thế giới nơi mọi thứ có thể bị đo bằng tín hiệu - từ giá cổ phiếu đến vị thế quốc gia - TP.HCM đang giữ một vai trò đặc biệt: không chỉ là nơi sản xuất hàng hóa, mà là nơi phát tín hiệu về năng lực, uy tín và sức bật Việt Nam.
Doanh nghiệp tư nhân: Điểm xoay của địa kinh tế Việt Nam - Bài 4: TP.HCM - Vùng phát xạ chiến lược quốc gia

Bài 4: TP.HCM - Vùng phát xạ chiến lược quốc gia

Trong một thế giới nơi mọi thứ có thể bị đo bằng tín hiệu - từ giá cổ phiếu đến vị thế quốc gia - TP.HCM đang giữ một vai trò đặc biệt: không chỉ là nơi sản xuất hàng hóa, mà là nơi phát tín hiệu về năng lực, uy tín và sức bật Việt Nam.

Khi một thành phố phát sáng từ “thiên thời” “địa lợi” “nhân hòa”

Không có tuyên bố nào từ TP.HCM rằng: “Tôi là trung tâm phát triển”. Không có khẩu hiệu nào treo khắp phố để khẳng định vai trò đầu tàu. Nhưng nếu lặng im quan sát những gì đang phát ra từ đây - dòng dữ liệu đi qua, hợp đồng quốc tế ký kết, chuẩn công nghệ lan rộng, nền tảng được tái sử dụng khắp vùng miền - ta sẽ thấy, thành phố này đang phát sáng, không cần tuyên bố.

Trong một đất nước còn quen nghĩ theo trục hành chính, TP.HCM ít ỷ lại quyết định từ Trung ương. Thay vào đó, Thành phố vận hành như một trạm phát xạ quốc gia: nơi năng lượng tư nhân được chuyển hóa thành tín hiệu kinh tế thực, từ đó lan đi theo những hướng không đo được bằng bản đồ địa lý, mà bằng bản đồ ảnh hưởng.

Trong một thế giới nơi mọi thứ có thể bị đo bằng tín hiệu - từ giá cổ phiếu đến vị thế quốc gia - TP.HCM đang giữ một vai trò đặc biệt: không chỉ là nơi sản xuất hàng hóa, mà là nơi phát tín hiệu về năng lực, uy tín và sức bật Việt Nam.

Một hợp đồng phần mềm ký tại Thủ Thiêm. Một chuyến hàng đi Cát Lái. Một start-up có người dùng từ Singapore, nhưng máy chủ đặt tại quận 7. Tất cả không chỉ là giao dịch, mà là dạng thức hiện diện mới của Việt Nam qua TP.HCM.

Và chính vì vậy, Quy hoạch Thành phố, nếu chỉ tính bằng mét vuông, vốn đầu tư và mật độ dân số, thì vẫn chưa chạm vào điều quan trọng nhất: Thành phố đang phát sóng gì cho quốc gia?

Không gian kinh tế mới, hay không gian tín hiệu mới?

Bài toán hiện nay của TP.HCM không nằm ở việc thiếu quỹ đất, mà ở chỗ chưa xác định rõ “năng lượng nào cần được phát mạnh hơn và ở đâu”.

Các dự án như metro, cảng Cần Giờ, trung tâm tài chính quốc tế, hay trục ven sông… đều quan trọng. Nhưng nếu chỉ triển khai theo tiêu chí hạ tầng, thì TP.HCM sẽ tiếp tục bị đánh giá như một thành phố “được đầu tư”, chứ không phải thành phố “tạo ảnh hưởng”.

Hãy hỏi lại: Khu công nghệ cao có đang phát được chuẩn kỹ thuật cho cả miền Nam không? Trung tâm tài chính tương lai có xuất hiện trên bản đồ dòng vốn quốc tế không? Hay chúng chỉ tồn tại như một công trình hay sàn giao dịch tiền ảo - không phát sóng hoặc phát ảo?

Từ “vốn mồi vật lý” sang “tín hiệu mồi thể chế”

Ta thường nghe nói: đầu tư công là vốn mồi để kéo tư nhân. Nhưng cách nghĩ này phù hợp với thế kỷ XX. Ở thế kỷ XXI, vốn mồi không chỉ là tiền, mà là niềm tin vào luật chơi, tốc độ phản xạ của chính sách và quyền được thử cái mới. Ngay cả tư duy vốn mồi là tiền, cần phải ưu tiên vốn mồi cho hạ tầng số - để bắt kịp xu hướng AI - chỉ duy trì đầu tư chọn lọc vào hạ tầng cứng chiến lược, khi nguồn lực hữu hạn.

Một doanh nghiệp công nghệ không cần mảnh đất, họ cần không gian chính sách để chạy thử sản phẩm, triển khai dịch vụ, giữ dữ liệu và xuất khẩu chuẩn mực. Nếu TP.HCM thật sự muốn hút vốn tư nhân, cần chuyển từ “tôi sẽ xây gì, ở đâu” sang “tôi sẽ cho phép ai làm gì, ở đâu và được phát đến đâu”.

Quy hoạch lại: từ bản đồ đất sang bản đồ ảnh hưởng

Đề xuất cốt lõi ở đây là: cần một lớp quy hoạch mới đi kèm quy hoạch hiện hữu, gọi tên là: “bản đồ phát xạ kinh tế tư nhân” - xác định các vùng có khả năng chuyển hoá năng lượng tư nhân thành sản phẩm, chuẩn, ảnh hưởng; có doanh nghiệp đang phát tín hiệu ra vùng khác, nước khác; cần được hỗ trợ sandbox, hạ tầng số, dữ liệu, để phát sóng rõ hơn, đều hơn, xa hơn

Đây không phải quy hoạch hành chính, mà là quy hoạch ảnh hưởng, tức là ai đang tạo ra điều gì có thể lan và cần khuyến khích ở tầng nào?

Gắn khái niệm “năng lượng chuyển hoá” đúng nơi, đúng lúc

Khái niệm “năng lượng chuyển hóa” mà phần nào TP.HCM đang thể hiện có thể giúp lý giải vì sao một doanh nghiệp nhỏ ở TP.HCM có thể tạo ra ảnh hưởng lớn hơn tập đoàn ở tỉnh khác; vì sao cùng một lượng vốn, một bên sinh nhà xưởng, bên kia “chạy” quota quốc tế; vì sao quy hoạch đô thị không nên chỉ nhắm vào mật độ, mà vào tốc độ phát tín hiệu ra hệ sinh thái.

Có bài học quốc tế để chứng minh

Hàn Quốc không chọn doanh nghiệp lớn vì họ có vốn, mà vì họ có khả năng “kéo theo vệ tinh”. Chương trình Lead Firm giúp Samsung, Hyundai trở thành trung tâm phát chuẩn cho hàng ngàn doanh nghiệp vệ tinh.

Israel không đo start-up bằng vốn hóa, mà bằng số lần công nghệ được người khác dùng lại - gọi là “Chỉ số lan tỏa công nghệ”. Chính phủ đầu tư cho những doanh nghiệp phát được tín hiệu, chứ không chỉ biết tồn tại.

Singapore không quy hoạch đất cho đẹp, mà vẽ bản đồ Ecosystem Centrality: doanh nghiệp nào nằm ở giữa các luồng tương tác, thì quy hoạch xoay quanh đó, chứ không theo ngành hay địa giới.

TP.HCM nên được trao quyền “phát sóng”, chứ không chỉ “thực hiện”

Nếu Nghị quyết 68-NQ/TW là “nguồn sáng trung ương”, thì TP.HCM là nơi có đủ thấu kính để tập trung tia sáng ấy vào đúng điểm. Muốn vậy, Thành phố cần: có bản đồ doanh nghiệp đang phát xạ; có chỉ số đánh giá năng lượng chuyển hóa và độ lan; có quyền thí điểm sandbox cho các cụm đang tạo ảnh hưởng; có chính sách đầu tư hạ tầng không dựa trên ngành, mà trên “cường độ phát tín hiệu thực tế”.

Vùng phát xạ chiến lược: Khi TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành mạng lưới ảnh hưởng quốc gia

Không phải thành phố - mà vùng kết nối mới là đơn vị phát triển của thế kỷ XXI. Và sau khi TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu được hợp nhất về chiến lược, ta đang chứng kiến một cấu trúc hoàn toàn mới: một vùng phát xạ năng lượng khu vực tư nhân, vừa có sức bật, vừa có tầm lan.

Thay vì nghĩ đơn lẻ, hãy nghĩ như một hệ sinh thái: TP.HCM là não bộ - nơi sinh ý tưởng, công nghệ, tín hiệu thị trường; Bình Dương là cơ bắp - nơi chuyển tín hiệu thành sản xuất quy mô; Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ - nơi năng lượng được xuất khẩu, kết nối chuỗi toàn cầu. Cả 3 không chỉ bổ sung nhau, mà đang khuếch đại ảnh hưởng của nhau, tạo nên một vùng có khả năng dẫn dắt kinh tế Việt Nam bằng cách phát tín hiệu, không cần đòi quyền.

Từ “siêu đô thị” đến “siêu tín hiệu”

Ta hình dung vùng hợp nhất này như một siêu đô thị kiểu Tokyo hay New York. Nhưng hình ảnh phù hợp hơn là một mảng phát xạ lớn - nơi năng lượng tư nhân không chỉ mạnh, mà có đường truyền rõ ràng và độ phủ sâu.

Chỉ cần nhìn vào thực tế là, Bình Dương có hệ thống khu công nghiệp hiện đại, nhưng chính TP.HCM cung cấp nền tảng công nghệ và nhân lực vận hành; TP.HCM khởi nguồn các chuỗi cung ứng, nhưng chính Bà Rịa - Vũng Tàu giúp chuỗi đó thoát ra biển, ra thế giới; cả ba đang dùng chung một nguồn dữ liệu thị trường, nhân lực, tín hiệu đầu tư.

Nơi nào doanh nghiệp đặt trụ sở không còn quan trọng. Cái cần quy hoạch là luồng tín hiệu đang chạy từ đâu, qua đâu và phát đến đâu.

Samsung không chỉ là nhà sản xuất, mà là điểm phát sóng cho toàn bộ tiêu chuẩn giáo dục kỹ thuật, hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ và định vị quốc gia trên thị trường viễn thông toàn cầu. Mỗi lần Samsung mở trung tâm R&D ở nước ngoài, Chính phủ Hàn Quốc không cần đi đàm phán thương mại, vì doanh nghiệp đã phát xạ chính sách hộ.

Một vùng - ba lớp tín hiệu

Vì vậy, bản quy hoạch mới không nên theo ranh giới hành chính, mà theo ba tầng tín hiệu:

Thứ nhất là tín hiệu chuyển hóa: TP.HCM là nơi doanh nghiệp tiêu hao ít - nhưng tạo ra nhiều tín hiệu thị trường nhất (xuất khẩu dịch vụ, hợp đồng công nghệ, gọi vốn quốc tế).

Thứ hai là tín hiệu sản xuất: Bình Dương là nơi năng lượng từ ý tưởng được chuyển thành hàng hoá quy mô, đạt chuẩn, gắn với chuỗi cung ứng khu vực.

Thứ ba là tín hiệu kết nối: Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi tín hiệu được phát đi ra thế giới qua cảng, năng lượng, dịch vụ logistics xuyên biên giới.

Nếu tiếp tục tư duy theo kiểu TP.HCM là trung tâm, hai tỉnh còn lại là “vành đai”, thì tầm nhìn chiến lược bị thụt lùi. Hãy coi cả ba như một mạng lưới phát xạ đồng tâm - nơi không trung tâm nào đứng trên, mà tất cả cùng lan ảnh hưởng ra ngoài. Đô thị mạnh không phải là nơi có nhiều vốn nhất, mà là nơi có nhiều điểm phát tín hiệu rõ ràng, đáng tin, có thể mở rộng.

TP.HCM là nơi có thể lần đầu ta cần nghĩ đến áp dụng Chỉ số “năng lượng chuyển hóa” và Chỉ số lan tỏa ảnh hưởng chiến lược: một doanh nghiệp ở TP.HCM có thể tạo chuẩn công nghệ; một nhà máy ở Bình Dương hiện thực hóa chuẩn đó; một cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu đưa sản phẩm đó đến các chuỗi quốc tế.

Vậy ai là người được đánh giá cao hơn? Cả ba - nếu được đo bằng mức độ chuyển hóa và lan tỏa.

Lời kết - không để khép lại - mà để mở ra

Không cần xin thêm quyền. Không cần đòi đặc thù quá đáng trong khi thể chế không thể chỉnh sửa ngày một ngày hai. TP.HCM - với những doanh nghiệp đang vươn ra chuỗi quốc tế, với những nền tảng đang được khu vực tích hợp, với những hợp đồng công nghệ đang được ký trực tiếp xuyên biên giới - đã và đang âm thầm phát ra năng lượng chiến lược mới cho quốc gia.

Thay vì hỏi TP.HCM “cần gì để phát triển?”, có lẽ cần đặt câu hỏi khác: “Nếu TP.HCM đã và đang phát sóng, thì - từ Trung ương đến thể chế chính sách - có đang nghe rõ tín hiệu ấy không?”.

Sóng không có lỗi, chỉ có radar có bắt được hay không. Câu hỏi đó không dành riêng cho thành phố này. Đó là câu hỏi cho cả cách chúng ta nhìn nền kinh tế tư nhân, trong một thời đại mà ai phát sóng mạnh, người đó định vị quốc gia.

Và chính từ điểm phát ấy, câu chuyện tiếp theo không phải để khép lại, mà là để mở ra một cách nghĩ mới, nếu ta thật sự muốn trở thành sóng bay xa.

(Còn tiếp)

GS-TS. Trần Ngọc Thơ
Đại học Kinh tế TP.HCM/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục