Doanh nghiệp tư nhân: Điểm xoay của địa kinh tế Việt Nam - Bài 3: Tư nhân của kỷ nguyên vươn mình - Chuyển hóa và phát xạ

Đã đến lúc, phải đo doanh nghiệp không bằng quy mô, mà bằng tỷ lệ chuyển hóa và tầm phát sóng.
Không có tư nhân làm mạch dẫn, năng lượng sáng tạo chỉ nằm trên giấy. Ảnh: Đức Thanh

Bài 3: Tư nhân của kỷ nguyên vươn mình - Chuyển hóa và phát xạ

Trong suốt nhiều năm, chúng ta nói nhiều về kinh tế tư nhân như “động lực quan trọng”. Nhưng cho đến khi Nghị quyết 68-NQ/TW ra đời và được Tổng Bí thư Tô Lâm tái khẳng định qua thông điệp tại Hội nghị toàn quốc về đột phá khoa học công nghệ - tư nhân mới thật sự bước vào “vùng ảnh hưởng chiến lược” của quốc gia.

Không còn là lực lượng bổ trợ. Không còn bị rào cản thể chế. Tư nhân, từ nay, được nhìn như mạch dẫn - mang năng lượng cải cách, công nghệ và sáng tạo đi vào đời sống kinh tế thực.

Khi tư nhân là điểm phát sóng - không chỉ là điểm sản xuất

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị lần đầu tiên đặt tư nhân vào đúng vị trí: trụ cột chiến lược lâu dài, cần được cụ thể hóa ở mọi cấp - trung ương, ngành, vùng và địa phương. Điều đó không chỉ có nghĩa đơn thuần là giải phóng lực lượng sản xuất, mà thừa nhận một sự thật quan trọng: Trong thế giới ngày nay, chính tư nhân là nơi phát ra những tín hiệu rõ ràng nhất về mức độ trưởng thành, niềm tin thị trường, năng lực hội nhập và khả năng chịu trách nhiệm.

Một công ty phần mềm ký hợp đồng quốc tế không chỉ tạo ra doanh thu, mà đang phát tín hiệu rằng, Việt Nam có thể viết luật chơi. Một start-up logistics chạy chuỗi ASEAN không chỉ di chuyển hàng hóa, mà đang phát sóng sự ổn định chuỗi cung ứng khu vực. Càng nhiều doanh nghiệp tư nhân có khả năng phát sóng, càng mạnh vùng ảnh hưởng chiến lược mềm quốc gia.

Đo doanh nghiệp không bằng quy mô - bằng tỷ lệ chuyển hóa và tầm phát sóng

Khi dữ liệu trở thành “ánh sáng” của kỷ nguyên mới vươn mình - như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh - điều quan trọng không còn nằm ở số doanh nghiệp gia nhập thị trường, mà là ở số điểm sáng được tạo ra.

Đây là lúc cần chấp nhận một sự chuyển đổi tư duy: Không phải doanh nghiệp nào lớn cũng quan trọng, mà doanh nghiệp nào chuyển được năng lượng đầu vào thành ảnh hưởng đo được.

Tổng Bí thư Tô Lâm nói rất rõ: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ‘chìa khóa vàng’ để vượt bẫy thu nhập trung bình. Nhưng đột phá mới là yếu tố tạo ra bước tiến vượt bậc”.

Muốn có đột phá, cần năng lượng. Năng lượng ấy không chỉ nằm trong ngân sách, mà nằm trong cấu trúc của doanh nghiệp tư nhân. Tôi đề xuất gọi khái niệm này là “năng lượng chuyển hóa” - khả năng biến vốn, con người, dữ liệu thành sức bật ảnh hưởng.

Chuyển sang cách tiếp cận mới, ta cần định nghĩa lại giá trị doanh nghiệp bằng năng lượng chuyển hóa - tức khả năng biến đầu vào thành kết quả thực tế có thể đo, lan và lặp lại.

Hai công ty cùng quy mô vốn: một công ty dùng vốn để xoay vòng tài sản, một công ty dùng vốn để tạo sản phẩm được tích hợp vào chuỗi quốc tế. Cùng là tiêu hao năng lượng, nhưng hiệu quả chuyển hóa khác nhau.

Giống như trong thể thao: cùng đốt 2.000 calo, một người đạt thành tích, người kia chỉ tiêu hao mà không tạo lực. Trong kinh tế cũng vậy.

Đã đến lúc, phải đo doanh nghiệp không bằng quy mô, mà bằng tỷ lệ chuyển hóa và tầm phát sóng. Nghị quyết 68-NQ/TW yêu cầu: “Cập nhật và chuẩn hóa hệ thống chỉ tiêu, số liệu thống kê về kinh tế tư nhân để phục vụ cho công tác đánh giá, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp…”.

Đây là thời điểm để cụ thể hóa tinh thần đó: không chỉ cập nhật số liệu kinh tế tư nhân, mà xây dựng bản đồ năng lượng chuyển hóa và truyền dẫn, xác định khu vực nào đang là trung tâm phát sóng tư nhân, doanh nghiệp nào đáng được hỗ trợ vì tạo ảnh hưởng thật, chính sách nào nên thiết kế theo trục lan tỏa thay vì ngành dọc.

Nếu chỉ đo doanh thu, số lượng doanh nghiệp, nộp ngân sách, ta sẽ bỏ sót điều quan trọng: doanh nghiệp đó có tạo ảnh hưởng không, có giúp người khác mạnh lên không, có định hình hành vi thị trường không. Từ đó, nên hình thành bộ chỉ số mới - gọi là chỉ số năng lượng chuyển hóa và lan tỏa chiến lược.

Xin gợi ý, chỉ số năng lượng chuyển hóa gồm: doanh thu xuất khẩu/tổng vốn đầu tư; số chuẩn quốc tế đạt được; tỷ lệ chi cho R&D, đổi mới quy trình; tốc độ chuyển sản phẩm từ ý tưởng đến thị trường. Chỉ số tầm lan chiến lược gồm: số tỉnh thành có khách hàng, đối tác, chuỗi cung ứng; số nước tiếp cận được qua sản phẩm, dịch vụ; số doanh nghiệp khác sử dụng nền tảng công nghệ/mô hình của doanh nghiệp; số chính sách hoặc tiêu chuẩn được đề xuất/ảnh hưởng bởi doanh nghiệp.

Đây không còn là đo “đơn vị sản xuất”, mà là đo “điểm phát xạ ảnh hưởng”.

Tư nhân - Mạch dẫn của cách mạng công nghệ

Một trong những đoạn mạnh nhất trong phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm là lời khẳng định: “Chuyển đổi số là phương thức mới để đổi mới lực lượng sản xuất. Dữ liệu là không khí và ánh sáng của kỷ nguyên mới”. Tuyên bố của Tổng Bí thư không chỉ hàm ý dữ liệu là sống còn như không khí, mà là “ánh sáng” - thứ khiến mọi thứ khác có thể nhìn thấy, hoạt động và kết nối.

Trong nông nghiệp, ánh sáng là điều kiện sống. Trong vật lý, ánh sáng là thứ mang thông tin. Trong chính trị, ánh sáng là thứ làm hợp pháp hóa quyền lực mềm (như cách các nước G7 tạo ra “chuẩn mực minh bạch”). Trong kinh doanh, khi dữ liệu là ánh sáng - tư nhân nào phát sáng tốt hơn, sẽ dẫn dắt cả chuỗi.

Khi dữ liệu trở thành “ánh sáng” của kỷ nguyên mới vươn mình - như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh - điều quan trọng không còn nằm ở số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường, mà là ở số điểm sáng được tạo ra.

Mỗi doanh nghiệp có dữ liệu, mỗi nền tảng công nghệ đang hoạt động hiệu quả, mỗi chuỗi cung ứng được số hóa - là một bóng đèn nhỏ trong chuỗi ánh sáng sản xuất. Khi kết nối lại, sẽ thành một chùm sáng đủ mạnh để soi đường phát triển cho từng địa phương, vùng kinh tế trọng điểm, cho cả chiến lược quốc gia trong thời đại mới.

Ở đây, vai trò của tư nhân không phải là người nghe ngóng chính sách, mà chính là mạch dẫn phát sáng. Nó là kênh để khoa học, công nghệ, đổi mới đi vào, chứ không nằm chết trong phòng thí nghiệm.

Đây là thời điểm phải cho tư nhân quyền làm sandbox công nghệ; cho phép tư nhân lập viện nghiên cứu, mô hình quản trị dữ liệu riêng; thừa nhận công nghệ của tư nhân là một dạng hạ tầng quan trọng quốc gia, như cảng biển, như điện lưới. Không có tư nhân làm mạch dẫn, năng lượng sáng tạo chỉ nằm trên giấy.

Ý chí chính trị đối với tư nhân nằm ở tầng tri thức, không phải tầng kiểm soát

Tổng Bí thư Tô Lâm nói rất thẳng: “Đột phá phải xuất phát từ thực tiễn”. Thực tiễn kinh tế Việt Nam hôm nay là gì? Là một nền sản xuất đang quá phụ thuộc vào đầu tư công và vốn nhà nước. Là một môi trường sáng tạo còn sợ rủi ro, sợ trách nhiệm. Là một không gian dữ liệu bị phân mảnh, cát cứ hành chính.

Tư nhân không thể đi nhanh nếu phải xin cấp quyền được thí điểm, bị trói bởi các mẫu báo cáo theo tư duy “ngân sách nhà nước”, không được tham gia kiến trúc thể chế số, công nghệ, tiêu chuẩn quốc gia

Chính vì vậy, cần đưa tư nhân vào trung tâm chính sách - như một chủ thể đồng kiến tạo, không phải khách thể phục tùng tầng kiểm soát - Nghị quyết 68-NQ/TW nêu rõ: “Chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài không cần thiết…”.

Khép lại bằng mở ra: Đừng hỏi tư nhân cần gì, hãy xem họ đang phát gì

Kết thúc 3 bài viết, điều đọng lại là, tư nhân không nói nhiều, dù đóng góp rất lớn - họ đang phát sóng bằng hành vi mỗi ngày. Một đơn hàng, một mã phần mềm, một tín hiệu dữ liệu chính là cách họ dẫn dắt nền kinh tế, dù thể chế chưa theo kịp.

Và trong hành trình nhận diện những vùng phát xạ chiến lược của nước ta, một số nơi đang hội đủ 3 yếu tố là: có năng lượng nội tại dồi dào; có khả năng chuyển hóa thành sản phẩm, chuẩn mực; có hạ tầng lan tỏa mạnh mẽ ra vùng - quốc tế

Một trong số đó, không ai khác chính là TP.HCM - không còn là một đô thị đơn lẻ, nếu có thể chế thích đáng, sẽ là hệ phát sóng kinh tế tư nhân sáng ngời Việt Nam.

(Còn tiếp)

GS-TS. Trần Ngọc Thơ
Đại học Kinh tế TP.HCM/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục