Chưa tận dụng được C/O form D
Bà Nguyễn Thị Hồng Thuỷ, Phó trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Thương mại) mỗi lần phát biểu trước các DN tham gia xuất nhập khẩu hàng hoá đều tỏ ra tiếc nuối vì các DN đã bỏ lỡ nhiều cơ hội giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Bà Thuỷ cho biết, cho tới thời điểm này, mới chỉ có khoảng 8% DN Việt Nam xuất khẩu hàng hoá vào khu vực ASEAN sử dụng C/O form D để được hưởng ưu đãi thuế quan CEPT/AFTA. Khi xuất khẩu hàng hoá vào khu vực này, nếu DN không sử dụng C/O form D thì chỉ được hưởng mức thuế suất MFN. Chênh lệch giữa hai mức thuế này rất lớn. Bà Thuỷ lấy dẫn chứng: với loại váy lót từ sợi nhân tạo (mặt hàng 61011) có thuế suất MFN là 50%, nhưng thuế suất CEPT chỉ là 5%. Nếu DN xuất khẩu mặt hàng này sử dụng được C/O form D sẽ tiết kiệm được tiền thuế rất lớn, nên tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Cùng quan điểm với bà Thuỷ, ông Trần Bá Cường, thuộc Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại) phân tích, do không hiểu biết đầy đủ về chính sách thuế, nhất là thuế ưu đãi CEPT/AFTA, DN đã bỏ lỡ cơ hội giảm chi phí cho chính mình. Theo ông Cường, trong năm 2006, các DN Việt Nam mới chỉ sử dụng 11.361 bộ C/O form D với tổng trị giá 213,5 triệu USD xuất vào thị trường ASEAN. Đây là con số rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN Việt Nam chưa tận dụng hết những cơ hội mà hàng hoá có xuất xứ theo form D mang lại chính là do DN nhận thức chưa đầy đủ và thiếu thông tin về vấn đề này. Bên cạnh đó, rào cản phi thuế quan của các nước ASEAN cũng làm cho các DN “ngại” xin cấp C/O form D.
Cần tăng cường đối thoại với cơ quan nhà nước
Còn nhớ hồi tháng 10/2005, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã gửi công văn khiếu nại về việc Bộ Thương mại Myanmar đột ngột cấm nhập các loại bóng đèn huỳnh quang, trong khi hợp đồng ngoại thương giữa Điện Quang và đối tác phía Myanmar đã được ký kết. Bộ Thương mại Việt Nam đã phối hợp với phía Myanmar để tìm hiểu vấn đề này. Phía bạn trả lời rằng, đây không phải là một chính sách kinh tế, mà do... ý thích của một quan chức nước bạn, nên quyết định đó không có cơ sở pháp lý. Phía Myanmar rút lại lệnh cấm và lô hàng của Điện Quang được xuất đi bình thường.
Hay như mới đây, việc Philippines áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm hoá chất Sodium, Tripolyphosphates (STPP, mã HS: 28353100) dùng để sản xuất bột giặt và chất tẩy rửa đã gặp phải sự phản ứng của rất nhiều DN Việt Nam cũng như các nước khác. Các DN đã phối hợp cùng Bộ Thương mại để kiến nghị phía bạn và Philippines đã thông báo dỡ bỏ biện pháp này từ tháng 5/2007.
Tuy nhiên, theo bà Thuỷ, những trường hợp DN mạnh dạn kiến nghị hoặc khởi kiện để đạt được thành công như trên còn rất ít. Nguyên nhân là do DN Việt Nam còn rất thiếu hiểu biết về các chính sách thương mại của các nước trong khu vực.
Theo các chuyên gia thương mại, trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, các rào cản thuế quan không còn là vấn đề quan trọng, mà thay vào đó, các rào cản phi thuế quan sẽ tác động mạnh đến các DN tham gia xuất nhập khẩu. Do đó, các DN cần đặc biệt chú ý tới vấn đề này nhằm thúc đẩy xuất khẩu và thương mại. Các chuyên gia khuyến cáo, DN cần phải giữ mối liên hệ thường xuyên với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực này, Đầu mối cơ quan AFTA quốc gia là Phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Thương mại). Với các vướng mắc liên quan đến xuất nhập khẩu vào khu vực ASEAN, các DN có thể liên hệ với cơ quan nêu trên để được trợ giúp.