Doanh nghiệp thương mại điện tử ngóng cải thiện logistics

(ĐTCK) Thị trường thương mại điện tử Việt Nam với quy mô hàng tỷ USD và tốc độ tăng trưởng rất nhanh đang là miếng bánh vô cùng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hấp thụ được miếng bánh này thì cần sự lớn mạnh của ngành dịch vụ logistic, vốn còn đang loay hoay tìm đường phát triển.
Hầu hết doanh nghiệp vận chuyển nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp thương mại điện tử Hầu hết doanh nghiệp vận chuyển nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp thương mại điện tử

Số liệu nghiên cứu và dự báo từ nhiều tổ chức uy tín hàng đầu cho thấy, tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử vô cùng lớn.

Theo nguồn dữ liệu được dẫn tại hội thảo mới đây về chủ đề thương mại điện tử và logistic, tổng giá trị thị trường thương mại điện tử quốc gia của Việt Nam năm 2016 đạt trên 1,8 tỷ USD, số lượng người mua hàng qua kênh thương mại điện tử đạt trên 33,26 triệu người, chiếm 35% tổng dân số cả nước.

Con số này đang tiếp tục tăng mạnh tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử và dự kiến quy mô thị trường Việt Nam sẽ tăng lên 3,7 tỷ USD vào năm 2020.

Đây là lý do giải thích tại sao hàng loạt các trang thương mại điện tử trong nước đang ngày càng được mở ra với sự đầu tư của nhiều tập đoàn tư nhân lớn như Adayroi.com của Vingroup, Vuivui.com của Thế giới di động và Sendo.vn của Tập đoàn FPT…

Miếng bánh hấp dẫn này cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều tên tuổi lớn trên thế giới, trong đó có những tên tuổi đã sớm hiện diện tại Việt Nam như Lazada Group - đứng đằng sau bởi gã khổng lồ trực tuyến Alibaba Group, Tiki.vn của JD.com và Shopee của Tencent…

Để tạo dựng nên một bức tranh hoàn hảo của thị trường thương mại điện tử, mô hình phân phối hàng hóa trong thương mại điện tử được gắn liền với dịch vụ e-logistic, thông qua thống nhất xác nhận giao dịch hàng hóa trên sàn giao dịch điện tử và hiện thực hóa tới khách hàng bằng các dịch vụ giao nhận vận chuyển từ logistic.

Điều này cho thấy, xu thế lớn mạnh của thị trường thương mại điện tử hoàn toàn không thể thiếu sự hoàn thiện của lĩnh vực dịch vụ e-logistic. Thực tế, mối liên kết đồng hành cùng tiến giữa hai lĩnh vực thiết yếu này là yếu tố quyết định sự bùng nổ của thương mại điện tử trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thuật, Giám đốc Trung tâm xử lý đơn hàng của Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ, mặc dù logistics, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển được coi là xương sống của thương mại điện tử, nhưng có một thực tế đáng tiếc là hầu hết các doanh nghiệp vận chuyển nội địa, thậm chí là nhiều doanh nghiệp lớn có tiếng nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Lý do chính là vì bản chất dịch vụ vận chuyển, logistic tại thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là loại hình truyền thống, nay có sự phát triển của thương mại điện tử thì chuyển sang và mở rộng phục vụ luôn cả vận chuyển đơn hàng của các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Tuy nhiên, đặc thù lĩnh vực thương mại điện tử khác với thương mại truyền thống, với đòi hỏi phải nhanh, linh hoạt và nhất là tần suất phục vụ cực lớn, thậm chí vào lúc cao điểm có thể tương ứng với doanh số đơn hàng của cả 1 năm. Trong khi tổ chức và phương tiện vận chuyển của loại hình vận chuyển truyền thống còn rất sơ khai nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Express chia sẻ, hiện nay, thách thức lớn nhất cho ngành logistics Việt Nam là vẫn chưa có khung khổ pháp lý chính thức cho lĩnh vực e-logistic, trong khi đó, các quy định về giao thông lại thay đổi thường xuyên, các thủ tục hành chính phức tạp, còn phương tiện vận tải lại thiếu đa dạng, giá thành cao.

“Hiện tại chủ yếu vẫn là giao hàng bằng xe máy với sức chứa nhỏ, trong khi hiệu quả của xe tải không cao do chi phí đầu tư và vận hành còn rất lớn”, ông Thịnh nhận xét và cho rằng, trong điều kiện sản lượng hàng hóa tăng trưởng mạnh, rất cần có sự đáp ứng kịp thời về phương tiện vận chuyển mới như xe đạp điện, xe ba bánh, bốn bánh điện để tăng thêm công suất.

Một yếu tố quan trọng khác cũng cần được các doanh nghiệp logistic tích cực hoàn thiện, đó là công nghệ và các dịch vụ phụ trợ theo hướng tự động hóa để nâng cao năng lực vận hành. Việc tiếp cận các mô hình mới về logistic hiện nay còn rất dè dặt, dẫn tới công nghệ điều hành tổ chức còn lạc hậu, sơ khai, chưa đáp ứng yêu cầu của thương mại điện tử, dẫn tới chủ yếu hoạt động theo hệ điều hành thủ công nhiều sai sót, chi phí cao.

Đứng ở góc độ chi phí, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics khuyến nghị, cần tích cực ứng dụng công nghệ số hóa để cắt giảm chi phí vận tải và logistic, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của thương mại điện tử.

“Theo ước tính, chi phí logistics hiện chiếm khoảng 16,8% chi phí của doanh nghiệp, trong đó chi phí vận tải chiếm tới 50% tổng tỷ trọng cấu thành chi phí logistics. Như vậy, chi phí logistics tại Việt Nam hiện vẫn còn cao hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực”, ông Khoa cho biết.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục