Doanh nghiệp thi nhau rời sàn

4 tháng đầu năm, 16 mã chứng khoán hủy niêm yết khỏi hai sàn Hà Nội và TP HCM, trong đó đa phần đưa ra lý do kinh doanh thua lỗ.
Doanh nghiệp thi nhau rời sàn

 

Thống kê từ hai sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM cho thấy, 4 tháng đầu năm 2013, tổng cộng 16 mã bị hủy niêm yết, chỉ thấp hơn tổng số lượng rời sàn trong cả năm 2012 là 2 mã. Một trong những vụ đình đám nhất phải kể đến SBS (Chứng khoán SBS) với khoản lỗ liên tiếp nhiều năm, đội ngũ lãnh đạo cũng biến động liên tục.

 

Trước đó, SBS từng làm yên lòng giới đầu tư khi doanh nghiệp làm ăn phát đạt, lọt danh sách những công ty chứng khoán có thị phần môi giới cao nhất trên sàn. Cũng trong lần hủy niêm yết quý I vừa qua, SBS còn giành ngôi quán quân về số lượng khi phải xóa bỏ tới hơn 126,6 triệu cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư "ôm" SBS bấy lâu cũng trăn trở nguy cơ trắng tay sau vài năm nuôi hy vọng.

 

Doanh nghiệp thi nhau rời sàn ảnh 1

16 mã bị hủy niêm yết trong 4 tháng đầu năm, chỉ thấp hơn tổng số lượng cổ phiếu rời sàn cả năm 2012 là 2 mã. Ảnh: Hoàng Hà

 

Ngoài SBS, cổ phiếu DDM (Công ty cổ phần Hàng Hải Đông Đô) cũng chịu chung số phận vì lỗ nặng. Năm 2012, số lỗ lũy kế của Hàng Hải Đông Đô lên tới 127 tỷ đồng, toàn bộ 12,2 triệu cổ phiếu cũng buộc phải hủy niêm yết vào đầu tháng 4 vừa qua.

 

Trong tháng 5, cổ phiếu IFS (Công ty Thực phẩm Quốc tế) và VES (Đầu tư Xây dựng điện Mê ca Vneco) cũng phải nói lời tạm biệt sàn chứng khoán do kinh doanh thua lỗ. Trong đó Thực phẩm Quốc tế gánh lỗ lũy kế tới gần 496 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 381,4 tỷ đồng. Công ty Điện Mê ca Vneco kinh doanh thất bát liên miên suốt 3 năm qua với số lỗ tăng dần đều, từ âm 4,68 tỷ đồng (năm 2010) lên âm 16,2 tỷ đồng (năm 2012).

 

Sàn Hà Nội, Công ty Viglacera có hai đơn vị con xin hủy niêm yết là TLT (Viglacera Thăng Long) và DTC (Viglacera Đông Triều) để chuyển sang giao dịch tại sàn UPCoM. Trong suốt năm 2012, hai doanh nghiệp này cũng hoạt động yếu kém với số lỗ hàng chục tỷ đồng. Cuối cùng, phương án xin tự rút khỏi sàn được xem là kế sách khả thi nhất để tránh "án" hủy niêm yết bắt buộc.

 

Sắp tới, một loạt cổ phiếu họ Sông Đà lại tiếp tục nhận quyết định rời sàn, bao gồm SDJ (Sông Đà 25), SD8 (Sông Đà 8) và S27 (Sông Đà 27). Năm 2012, cả ba doanh nghiệp đều thua lỗ từ vài tỷ cho tới hàng chục tỷ đồng, nặng nhất là Sông Đà 25 với hơn 51 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

 

Trong khi hàng loạt cổ phiếu xin dừng cuộc chơi, 2 sàn giao dịch chỉ đón thêm 6 công ty niêm yết mới (tính đến hết tháng 3). Một số ông lớn từng hứa hẹn niêm yết và tạo làn gió mới cho giới đầu tư như Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Phương Nam hay Techcombank cũng ngập ngừng chưa công bố kế hoạch chi tiết và chỉ có thể giải thích với lý do "thời điểm chưa thích hợp".

 

Từng nhiều năm lăn lộn với thị trường chứng khoán, anh Phạm Hoàng Long, nhà đầu tư có thâm niên chia sẻ nhiều năm trước, các doanh nghiệp cứ niêm yết cổ phiếu là thị giá có khả năng tăng trần, trong khi đó 2 năm gần đây, hễ công ty nào niêm yết là thị giá chắc chắn giảm. Đặc biệt là khối ngân hàng, nếu lên sàn nhưng thị giá thấp sẽ ảnh hưởng đến hạn mức tín nhiệm, do vậy các nhà băng rất ngại niêm yết, anh Long nói thêm.

 

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam (Mã CK: ALP) cũng bất ngờ xin hủy niêm yết tự nguyện. Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải chia sẻ: "Bản chất thì rời sàn cũng là việc bần cùng bất đắc dĩ. Không ai muốn niêm yết rồi xuống cả. Cốt lõi của vấn đề là hủy niêm yết sẽ có lợi hơn là ở lại sàn chứng khoán".

 

Danh sách cổ phiếu hủy niêm yết 4 tháng đầu năm

 

Sàn TP HCM

 

STT

Khối lượng hủy

Ngày giao dịch
cuối cùng

Ngày hủy có hiệu lực

Lý do hủy

1

PHT

21.440.030

23/1/2013

24/1/2013

Sáp nhập

2

VFC

34.000.000

30/1/2013

31/1/2013

Tự nguyện

3

VFA

24.043.760

8/3/2013

11/3/2013

Tự nguyện

4

SBS

126.660.000

22/3/2013

25/3/2013

Bắt buộc

5

DDM

12.244.495

9/4/2013

10/4/2013

Bắt buộc

6

IFS

6.875.359

2/5/2013

3/5/2013

Bắt buộc

7

VES

9.007.500

2/5/2013

3/5/2013

Bắt buộc

 

 

Sàn Hà Nội

 

STT

Tên công ty

Mã CK

Khối lượng hủy

Loại hủy

Ngày hủy

1

Viglacera Thăng Long

TLT

6.989.800

Hủy tự nguyện để chuyển sang giao dịch tại thị trường Upcom

28/2/2013

2

Viglacera Đông Triều

DTC

4.000.000

Hủy tự nguyện để chuyển sang giao dịch tại thị trường Upcom

22/3/2013

3

Sông Đà 8

SD8

2.800.000

Lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ

10/5/2013

4

Chứng khoán Sao Việt

SVS

13.500.000

Thua lỗ 3 năm liên tiếp

10/5/2013

5

Sông Đà 27

S27

1.562.833

Lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ

17/5/2013

6

Viễn thông Thăng Long

TLC

11.080.000

Thua lỗ 3 năm liên tiếp

17/5/2013

7

Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vinaconex

VCH

3.970.000

Lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ

21/5/2013

8

Hàng hải Sài Gòn

SHC

4.309.550

Lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ

21/5/2013

9

Sông Đà 25

SDJ

4.343.700

Lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ

21/5/2013

 

 

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2012, Alphanam lỗ gần 150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đang âm khoảng 145 tỷ đồng. Hiện, cổ phiếu ALP có giá thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây, ở mức 7.800 đồng và đang trong diện bị cảnh báo.

 

Ông Trịnh Xuân Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB khẳng định, nếu kinh tế còn tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp lỗ sẽ ngày một nhiều, khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết còn tiếp diễn và có xu hướng tăng. Tuy nhiên, theo ông Sơn, đây là quy luật đào thải tất yếu.

 

Đối với trường hợp tự hủy niêm yết, tương tự như tình trạng doanh nghiệp ngày một ít lên sàn, ông Sơn giải thích, nguyên nhân chủ yếu là mục tiêu niêm yết không đạt được như huy động vốn khó khăn, hình ảnh công ty bị ảnh hưởng khi làm ăn không hiệu quả. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế chung còn khó khăn, doanh nghiệp mệt mỏi vì phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin khiến họ ít mặn mà với niêm yết.

 

Theo ông Sơn, sau hơn 10 năm hoạt động, thị trường chứng khoán vẫn chưa thể khẳng định "khỏe mạnh" bởi các lý do chính như chậm trễ đưa sản phẩm mới vào thị trường ngoài những thứ đã có là cổ phiếu, trái phiếu hay tình trạng mất cân bằng thông tin còn mang phổ biến. Hơn nữa, doanh nghiệp tự lướt sóng cổ phiếu của chính mình, cạnh tranh trực tiếp với nhà đầu tư dẫn tới tình trạng nhà đầu tư bị thua lỗ nhiều, mất niềm tin và định hướng trên thị trường.

 

Đại diện Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho rằng, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới thời gian tới vẫn có xu hướng giảm so với những năm trước. "Theo quy định mới, các công ty phải có tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) tối thiểu 5% và không có lỗ lũy kế mới được niêm yết. Như vậy, với bối cảnh kinh tế khó khăn của năm 2012, số lượng doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn còn có thể giảm sút đáng kể", đại diện Sở cho hay.

 

Khi cổ phiếu công ty bị hủy niêm yết, quyền lợi nhà đầu tư cũng gặp ảnh hưởng lớn, việc tiếp cận thông tin và giao dịch cổ tương đối khó khăn. Để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, đại diện HNX cho biết sẽ kiến nghị với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét cho phép chuyển cổ phiếu hủy niêm yết sang giao dịch trên thị trường Upcom mà không cần phải tiến hành thủ tục đăng ký như hiện nay.

 

Vị này cũng khẳng định: "So với các nước trong khu vực và trên thế giới, chính sách và thủ tục niêm yết của Việt Nam cởi mở, đơn giản và có chi phí thấp hơn rất nhiều". Tại HNX, thủ tục niêm yết và thời gian xem xét cũng được giảm thiểu tối đa, ngắn hơn mốc 30 ngày theo quy định hiện nay, song vẫn hết sức đảm bảo chất lượng hồ sơ của doanh nghiệp niêm yết mới, đại diện HNX nói thêm.

 

Cả hai sàn Hà Nội và TP. HCM hiện có gần 700 mã chứng khoán niêm yết, trong đó Hà Nội nhiều hơn với gần 400 mã.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục