Báo cáo tài chính hợp nhất ngày 31/3/2013 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) phần thuyết minh ghi rõ, nếu tỷ giá VND/USD tăng/giảm 1% trong khi các biến số khác không đổi thì lợi nhuận sau thuế của HSG trong kỳ sẽ giảm/tăng 18,89 tỷ đồng. Con số này được tính toán trên giá trị khoản vay bằng USD của HSG hiện nay. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Thanh, Giám đốc tài chính HSG cho biết, biến động tỷ giá như vừa qua nằm trong dự đoán của DN, nên tính cả rủi ro biến động tỷ giá thì vay USD vẫn có lợi hơn vay VND. Mặt khác, chính sách của HSG là dư nợ vay USD được đảm bảo bằng doanh thu xuất khẩu để tránh rủi ro tỷ giá. Hiện nay, HSG xuất khẩu 40 - 45% sản lượng hàng tháng nên nguồn thu ngoại tệ đảm bảo được cho các khoản vay.
HSG xuất khẩu 40 - 45% sản lượng thép hàng tháng
Trên lý thuyết, khi tỷ giá tăng, DN được lợi khi có hàng tồn kho lớn, nhưng giá vốn hàng mới nhập sẽ tăng lên. Phải tăng được giá bán thì thì DN ngành thép nói chung mới giữ được biên lợi nhuận gộp như cũ. Kết thúc 8 tháng đầu niên độ tài chính 2012 - 2013, HSG đạt 513 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tổng giám đốc HSG, ông Trần Ngọc Chu ước tính, kết thúc niên độ, HSG sẽ đạt khoảng 700 tỷ đồng lợi nhuận.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, DTL được lợi từ điều chỉnh tỷ giá hơn là bị ảnh hưởng. Lý do là xuất khẩu hiện chiếm đến 60% doanh thu của DTL, nên thu USD lớn hơn là nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu. Do có nguồn thu ngoại tệ, DTL vẫn nhập nguyên liệu sản xuất hơn là mua trong nước để tận dụng lãi suất thấp của đồng USD và cơ chế trả chậm từ bạn hàng nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm, DTL lãi không nhiều, nhưng sản lượng sẽ tăng lên trong nửa cuối năm nay khi Công ty đưa dây chuyền mạ kẽm vào hoạt động trở lại và chạy chính thức một dây chuyền mạ lạnh mới đầu tư trong tháng 8. Công xuất mạ lạnh của DTL sẽ tăng từ mức 9.000 tấn/tháng lên 16.000 - 18.000 tấn/tháng. Mạ lạnh là mặt hàng DTL xuất khẩu nhiều nhất hiện nay.
Đối với DN kinh doanh và sản xuất thép hình như CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH), thì tỷ giá tăng 1% có ảnh hưởng, nhưng không lớn. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT TLH cho hay, trước khi tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng thì tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng rồi. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2013 của TLH được ĐHCĐ thông qua cuối tuần qua, Công ty dự kiến doanh thu đạt 3.514 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 101,19 tỷ đồng đã tính đến mức độ điều chỉnh tỷ giá 1%. Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, ông Hà chia sẻ, đó sẽ là con số có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi các DN tôn thép, thép hình tỏ ra tạm hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại, thì DN sản xuất thép xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn. Sức mua của thị trường trong tháng 6 duy trì như cùng kỳ năm ngoái và đang ở mức thấp. Tỷ giá tăng sẽ góp phần làm tăng giá đầu vào của DN sản xuất thép xây dựng, trong khi thép xây dựng tiêu thụ chỉ trông chờ vào thị trường nội địa, nên khả năng chuyển giá đầu vào vào giá bán là khó với tình hình sức mua kém như hiện nay.
Dự báo về tình hình thị trường trong quý III/2013, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, nhà phân phối của Thép Pomina cho rằng, do yếu tố mùa vụ và độ trễ của chính sách nên tiêu thụ thép trong quý III sẽ chưa cải thiện nhiều. Dự kiến, từ tháng 9, sức mua của thị trường mới được cải thiện nhờ các chính sách hỗ trợ kinh tế, nhất là chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản của Nhà nước phát huy tác dụng rõ rệt.