Doanh nghiệp thép nhỏ dần hụt hơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh doanh sa sút, cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, thậm chí bị hủy niêm yết là tình trạng chung của nhóm doanh nghiệp thép có quy mô nhỏ và vừa trong thời gian qua.
Ngành thép Việt Nam từ năm 2018 đến nay gặp nhiều khó khăn Ngành thép Việt Nam từ năm 2018 đến nay gặp nhiều khó khăn

Thua lỗ kéo dài

Từ đầu tháng 4/2024, không ít cổ phiếu thép bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ra quyết định đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, hủy niêm yết.

Cụ thể, cổ phiếu SMC của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát kể từ ngày 10/4/2024, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất trong 2 năm gần nhất là số âm (năm 2022 lỗ hơn 651 tỷ đồng, năm 2023 lỗ hơn 925 tỷ đồng).

Cổ phiếu DTL của Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát kể từ ngày 11/4/2024, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán trong 2 năm gần nhất là số âm (năm 2022 lỗ 152,6 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 156 tỷ đồng).

Cổ phiếu POM của Công ty cổ phần Thép Pomina đã có quyết định hủy niêm yết từ ngày 10/5/2024 do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp.

Về tình hình kinh doanh, Thép Pomia lỗ lần lượt 1.079 tỷ đồng và hơn 958 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023, nâng lỗ lũy kế đến cuối năm 2023 lên 1.271 tỷ đồng, bằng 45,4% vốn chủ sở hữu.

Đầu tư Thương mại SMC cho biết, năm 2023, tình hình kinh doanh của Công ty tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biến động kinh tế, địa chính trị trên thế giới. Trong nước, thị trường thép trầm lắng, sụt giảm kéo dài cả về giá và lượng; thị trường bất động sản gần như đóng băng kể từ giữa năm 2022 đến nay, tiến độ các dự án địa ốc chậm lại do vấn đề thanh khoản, nguồn vốn và pháp lý của chủ đầu tư, trong khi kênh tiêu thụ dân dụng cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của kinh tế nói chung; thị trường xuất khẩu khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tình trạng khó khăn, đình trệ của thị trường bất động sản xây dựng dẫn đến công nợ chậm luân chuyển của các khách hàng lớn trong mảng này, khiến Đầu tư Thương mại SMC phải gia tăng trích lập dự phòng trong năm 2023. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay dần hạ nhiệt, nhưng vẫn là áp lực lớn khi vay vốn, trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép giảm. Cùng với những khó khăn phát sinh từ các khoản nợ chậm luân chuyển, tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng nặng nề.

Với Đại Thiện Lộc, giá vốn bán hàng cao hơn doanh thu (giá bán giảm, giá vốn hàng tồn kho cao) và chi phí tài chính tăng, trong khi các khoản chi phí cố định không giảm là nguyên nhân chính khiến Công ty thua lỗ trong năm qua.

Kể từ ngày nhận thông báo cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát, giá cổ phiếu DTL giảm mạnh. Về việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024, Đại Thiên Lộc xin gia hạn muộn nhất đến ngày 30/6/2024.

Trước và sau khi nhận quyết định hủy niêm yết, giá cổ phiếu POM liên tục lao dốc. Hiện Thép Pomina chưa chốt ngày tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024.

Trước đó, ngày 28/3/2024, Thép Pomina có công văn gửi đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE, xin gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 đến ngày 15/5/2024. Việc này nhằm có thêm thời gian để doanh nghiệp cung cấp cho kiểm toán xem xét, đánh giá khả năng giả định hoạt động liên tục thông qua phương án tái cấu trúc, cùng với các bằng chứng chắc chắn cho giả định này để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Kỳ vọng nửa cuối năm 2024

Xét về triển vọng cổ phiếu thép, trong trung và dài hạn vẫn có tín hiệu khả quan.

Theo Thép Pomina, doanh nghiệp đang tập trung quản lý hàng tồn kho, tối ưu hóa quy trình sản xuất, cắt giảm chi phí, chuyển nhượng và thanh lý tài sản cũng như các khoản đầu tư tài chính. Công ty ước tính có lãi trong quý I/2024, chủ yếu đến từ thanh lý các khoản đầu tư tài chính và tài sản; cố gắng trong quý II sẽ đưa ra giải pháp kinh doanh phù hợp tình hình thực tế.

Về nhóm ngành thép, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam cho rằng, thép là một trong những nhóm ngành có thể kỳ vọng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý I/2024.

Giá thép xây dựng nội địa năm 2024 được Công ty Chứng khoán MB nhận định có thể phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn (tăng 8% so với năm 2023), nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu “ấm” lên ở thị trường Việt Nam.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) có đánh giá tích cực đối với triển vọng nhiều ngành trong năm nay như dầu khí, cảng biển, bất động sản công nghiệp, ngân hàng.

Với ngành thép, KBSV kỳ vọng, chu kỳ tăng giá mới có thể bắt đầu từ nửa sau năm 2024 nhờ nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng từ nhóm bất động sản dân dụng hồi phục khi các chủ đầu tư mở bán các dự án mới, hoàn thiện các dự án hiện hữu; các dự án đầu tư công như cầu đường, hầm, sân bay đẩy mạnh thi công, xây dựng trong giai đoạn 2024 - 2025; thị trường bất động sản Trung Quốc tạo đáy và hồi phục.

Mặc dù vậy, cơ hội đầu tư cổ phiếu thép sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành như Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG), Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG).

Cuối tháng 3/2024, Hòa Phát đã tổ chức cho nhà đầu tư đến thăm Nhà máy Thép Dung Quất. Giai đoạn 2 của nhà máy gồm 2 lò cao có tổng công suất thiết kế 2,8 triệu tấn HRC/năm (31,5% công suất hiện tại), dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024, chạy thử nghiệm từ quý I/2025 và đưa vào vận hành thương mại từ năm 2026. Hiện tại, 4 lò cao của Hòa Phát đang vận hành ở mức tối ưu công suất thiết kế (dao động từ 92 - 99%), Ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng, giai đoạn 2 của nhà máy sẽ nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả chi phí nhờ tính kinh tế quy mô, đóng góp từ 80.000 - 100.000 tỷ đồng vào tổng doanh thu.

Năm 2024, Hòa Phát xây dựng kế hoạch kinh doanh với mục tiêu đạt doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 46% so với năm 2023.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Doanh nghiệp ngành thép tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay rất khó khăn, bởi tác động của các yếu tố như đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản trầm lắng, kinh tế suy yếu. Trong bối cảnh chung của toàn ngành, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn hơn. Đa phần nhóm doanh nghiệp ngành này có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, trong khi năm 2022 lãi suất cho vay tăng, doanh thu thấp cộng lãi suất cao khiến một số doanh nghiệp đối diện với nguy cơ mất thanh khoản. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp thép quy mô nhỏ và vừa gặp khó khăn và thua lỗ. Tác động của các biến động địa chính trị đã ảnh hưởng đến giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép tăng cao, chi phí lớn, trong khi doanh thu giảm, nhiều doanh nghiệp thua lỗ.

Thị trường trong nước khó khăn, các doanh nghiệp thép quy mô nhỏ và vừa tìm cách xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, nhưng không đủ lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn. Mấu chốt của giai đoạn hiện nay là doanh nghiệp phải tồn tại được, tức cần có thanh khoản tốt, tài chính tốt để phục hồi. Đây cũng là giai đoạn sàng lọc, doanh nghiệp không trụ lại được sẽ phải rời bỏ thị trường.

Xét về triển vọng cổ phiếu thép, trong trung và dài hạn vẫn có tín hiệu khả quan. Thị trường trong nước đang có dấu hiệu tích cực, nhu cầu thép được kỳ vọng tăng cao trong thời gian tới khi các nút thắt của thị trường bất động sản dần được cởi bỏ. Giá thép bán ra được kỳ vọng tăng và nhu cầu thép dự báo tăng từ quý II/2024 trở đi. Nhu cầu thép thế giới năm nay được dự báo tăng khoảng 3,5% so với năm ngoái, đây là dấu hiệu tốt cho thị trường.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.0 0.0% 447 tỷ