Doanh nghiệp sợ… thông tư

(ĐTCK) Chậm ban hành; không minh bạch; đưa ra các quy định dễ cho cơ quan quản lý, khó cho người thực hiện…, là những quan ngại của cộng đồng DN liên quan đến những bất ổn đang bộc lộ trong xây dựng, ban hành thông tư của các bộ.
Nhiều nghị định được ban hành từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn

Thủ phạm “hành” doanh nghiệp

Các DN nêu ra nhiều tác động tiêu cực, mà họ đang phải gánh chịu liên quan đến những bất ổn khi ban hành thông tư của các bộ. Ý kiến này được phản ánh tại Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp vừa tổ chức.

“Nghị định 06/2000 về hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, được ban hành năm 2000, nhưng 5 năm sau thông tư mới được ban hành. Vậy DN hoạt động ra sao trong 5 năm đó, cơ quan quản lý điều hành, quản lý hoạt động của DN ra sao để đảm bảo minh bạch?”, bà Nguyễn Kim Dung, đại diện Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo Việt Nam, bức xúc.

Một ví dụ khác về sự chậm trễ ban hành thông tư đang khiến DN gặp khó, cũng được bà Dung dẫn ra là Nghị định 73/2012 về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, được ban hành năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Điều này khiến việc áp dụng Nghị định 73/2012 tùy thuộc vào cách hiểu và diễn giải chủ quan của chuyên viên thụ lý hồ sơ, nên gây khó cho DN…

Việc chậm ban hành thông tư, theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam, chẳng khác nào làm cho luật, nghị định bị “vô hiệu lực”. Điều này khiến cho thông tư của các bộ là “to nhất” so với luật, nghị định. Đây là điều không thể chấp nhận.

Ngoài chậm trễ, việc xây dựng, ban hành thông tư của các bộ, theo phản ánh của các DN cũng đang bộc lộ nhiều “căn bệnh” đáng báo động khác như: không tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng của đối tượng bị điều chỉnh trong quá trình xây dựng dự thảo; “sáng tạo” ra những nội dung trái luật; ban hành các nội dung mâu thuẫn, thậm chí trái với các quy định do chính bộ đã ban hành trước đó; tùy tiện đưa ra quy định hồi tố khiến DN bị “hành”…

Kiểm soát “ông thông tư”, cách nào?

Để giảm thiểu, ngăn ngừa những tác động tiêu cực của các “căn bệnh” trên đến đối tượng bị điều chỉnh, trong đó có cộng đồng DN, ông Tiền đề xuất, liên quan đến quy định về thẩm định dự thảo thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ, dự thảo Luật cần sửa đổi theo hướng: Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo thông tư do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ ban hành.

Đối với thông tư có quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân, DN hoặc có tính đa ngành, đa lĩnh vực, thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học…

Nếu không sửa đổi theo hướng trên, mà vẫn duy trì nội dung như dự thảo Luật là: Bộ trưởng thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định, sẽ dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi trong xây dựng thông tư, bởi bộ vừa soạn thảo, vừa đứng ra thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định.

Sửa theo hướng này còn là cách góp phần khắc phục tình trạng như Bộ Tư pháp đánh giá là hiện chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành thông tư, dẫn đến nhiều văn bản không phù hợp với thực tế, còn hiện tượng thiên về thuận lợi cho cơ quan quản lý, chưa tôn trọng đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức…

Cộng đồng DN kỳ vọng, trong lần sửa đổi này, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không chỉ cần đưa ra các quy định chặt chẽ để kiểm soát, giám sát chặt khâu xây dựng, ban hành thông tư của các bộ, mà cần có cơ chế để giảm thiểu những tác động tiêu cực mà người dân, cộng đồng DN phải gánh chịu trong khâu tổ chức áp dụng thông tư.

Phản hồi mối quan tâm trên của cộng đồng DN, đại diện cơ quan soạn thảo, ông Võ Văn Tuyển, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, cho hay, trong lần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật này, Ban soạn thảo đã bổ sung quy định mới tại khoản 7, Điều 132 dự thảo Luật: trong trường hợp để bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quyền đình chỉ việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp có nội dung trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước…     

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục