Doanh nghiệp sản xuất xăng dầu cầm cự chờ qua giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiêu thụ xăng dầu trong nước đã giảm một nửa so với mức trung bình trong tháng 6, tạo áp lực tồn kho lớn cho các nhà máy lọc dầu trong nước.
BSR đã giảm công suất xuống còn 90% từ ngày 3/8/2021. BSR đã giảm công suất xuống còn 90% từ ngày 3/8/2021.

Tồn kho của nhà máy lọc dầu tăng cao

Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cho biết, vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đề nghị căn cứ vào nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực tế tại đơn vị để điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu xăng dầu phù hợp. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường.

Hiện phần lớn các đầu mối nhập khẩu đã nhập xăng dầu trong nước trong bối cảnh dư cung hiện nay. Xét về giá cả, giá xăng dầu trong nước tương đương, thậm chí thấp hơn giá nhập về từ nước ngoài, vận chuyển nhanh hơn (khoảng 1 ngày từ nhà máy Dung Quất ra miền Bắc và 2 ngày tới các kho miền Nam). Thủ tục mua bán cũng đơn giản hơn và được chậm nộp thuế VAT, trong khi xăng dầu nhập khẩu phải qua hải quan và nộp thuế ngay.

Dù vậy, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đa phần là các công ty tư nhân quy mô nhỏ vẫn chuộng nhập khẩu, với lý do được trả chậm tới 180 ngày (xăng dầu trong nước thường phải thanh toán trong vòng 30 ngày). Không ít doanh nghiệp tận dụng dòng tiền này để đầu tư một số sản phẩm dịch vụ khác. Bởi thế, dù xăng dầu trong nước dư thừa, vẫn có một lượng xăng dầu được nhập khẩu về Việt Nam.

Thông thường, xăng dầu sản xuất ở hai nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn đáp ứng được 65 - 70% nhu cầu trong nước, còn lại 30% là nhập khẩu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở trong nước, 19 tỉnh, thành phố phía Nam, gồm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 dài ngày đã làm thay đổi cục diện ngành xăng dầu hoàn toàn.

Theo ông Lê Xuân Huyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tồn kho xăng dầu tăng mạnh tại kho thương nhân đầu mối kinh doanh lẫn kho 2 nhà máy lọc dầu trong nước (Dung Quất, Quảng Ngãi và Nghi Sơn, Thanh Hóa).

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), sản lượng tiêu thụ xăng E5 RON92 và dầu DO 0,05% hiện chỉ bằng 50% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6, xăng RON95 cũng chỉ đạt 30% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6 và thị trường đang tiếp tục giảm nếu các địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Sụt giảm tiêu thụ xăng dầu của thị trường nội địa khiến Petrolimex buộc phải hạn chế tiếp nhận xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu, thậm chí dừng nhập khẩu các mặt hàng mà 2 nhà máy lọc dầu trong nước sản xuất được do tồn kho tăng cao.

Trong văn bản gửi Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất bị chững lại và giảm sâu, nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu đã giảm hoặc dừng nhận hàng tại nhà máy với khối lượng rất lớn. Riêng trong tháng 7 vừa qua, lượng hàng tồn khoảng 230.000 m3.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang tồn kho trên 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu và gần 400.000 m3 dầu thô.

Hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang tồn kho trên 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu và gần 400.000 m3 dầu thô.

Nhà máy cũng đã giảm công suất xuống còn 90% từ ngày 3/8/2021, đồng thời tiến hành gửi kho 25.000 m3 xăng và có kế hoạch gửi thêm khoảng 100.000 - 120.000 m3 trong tháng 8 để đảm bảo duy trì vận hành nhà máy.

Tồn kho rất cao, hiện nhà máy này đang đối diện với rủi ro lớn hơn là không còn chỗ chứa, vì xăng dầu đòi hỏi các kho chứa đặc thù.

Giá neo theo thế giới

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao các nhà máy lọc dầu trong nước không giảm giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Công thức tính giá xăng dầu trong nước hiện nay bằng giá plat Singapore cộng hệ số điều chỉnh.

Cầu giảm, các đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng đã yêu cầu các nhà máy lọc dầu áp dụng hệ số điều chỉnh thấp hơn, vì thế, giá xăng trong nước hiện nay thấp hơn giá hàng nhập khẩu.

Dù vậy, như đã phân tích ở trên, các doanh nghiệp nhập khẩu bên cạnh yếu tố về giá cả còn tính đến các yếu tố khác như thời gian trả chậm (nước ngoài lãi suất USD thấp)…

Giá xăng dầu trong nước còn phụ thuộc nhiều vào biến động giá dầu thế giới đầu vào và đầu ra (crack margin), theo mặt bằng giá thế giới.

Crack margin 10 ngày đầu tháng 8 duy trì ở mức khá cao 3 USD/thùng dầu như thời điểm tháng 5, tháng 6, dù vậy những ngày gần đây khi giá dầu thế giới giảm và nhu cầu chững lại do biến thể Delta của Covid-19, crack margin xăng dầu đã giảm xuống còn 1 USD/thùng dầu.

Điều này cho thấy doanh nghiệp như Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn ở giữa chịu tác động 2 đầu, cả thị trường thế giới và thị trường trong nước.

“Giải pháp hiện tại của doanh nghiệp là duy trì công suất ở mức có thể chấp nhận, cầm cự chờ sức tiêu thụ của thị trường tốt hơn. Chúng tôi cũng chủ động, sẵn sàng để khi các hoạt động giao thông, lưu thông diễn ra bình thường trở lại sau thời gian giãn cách sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tăng lên rất lớn của thị trường, tương tự như tháng 5, tháng 6 năm ngoái”, ông Nguyễn Việt Thắng chia sẻ.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 7 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại tăng hơn 17%... Trong khi đó, doanh thu từ ngành du lịch lữ hành - ngành tiêu thụ lượng lớn nhiên liệu - trong 7 tháng qua ước đạt 4.500 tỷ đồng, giảm gần 59% so cùng kỳ năm trước.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, cũng như việc dịch bệnh đang tiếp diễn trên khắp thế giới đã tác động mạnh mẽ lên giá dầu.

Các chính phủ có thể sẽ tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng hơn cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát và khi mùa đông ở bán cầu Bắc qua đi. Do đó, hoạt động vận tải hàng không đường dài - lẽ ra được mở cửa rộng rãi trở lại từ quý II/2021 nhưng bị hoãn lại do dịch bệnh bùng phát – có thể sẽ tiếp tục bị hoãn cho đến năm 2022. Tiêu thụ xăng trong ngành hàng không đặc biệt quan trọng đối với sự hồi phục hoàn toàn tiêu thụ xăng dầu toàn cầu.

Tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ, đã hồi phục trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch, nhưng gần đây đã đột ngột thay đổi từ lĩnh vực tiêu dùng sang lĩnh vực công nghiệp và vận tải hàng hóa, phản ánh sự hồi phục không đồng đều ở thị trường này.

Theo đó, số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tổng khối lượng các sản phẩm xăng dầu cung cấp cho thị trường trong nước đã tăng lên 20,1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 5, chỉ còn thấp hơn 300.000 thùng/ngày (1,4%) so với cùng tháng năm 2019, là trước khi xảy ra đại dịch, và cao hơn 200.000 thùng/ngày (1,1%) so với mức trung bình 5 năm trước đại dịch (2015-2019).

Hoạt động chế biến dầu thô trung bình ngày của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - trong tháng vừa qua cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020, do các nhà máy lọc dầu độc lập cắt giảm sản lượng trong bối cảnh hạn ngạch thắt chặt hơn, tồn kho tăng.

Phương Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục