Doanh nghiệp sản xuất bia ...choáng váng

(ĐTCK-online) Hàng loạt DN sản xuất bia trong nước, đặc biệt là DN sản xuất bia địa phương (hầu hết đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần - CTCP) sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa, thu hẹp sản xuất nếu đề xuất nâng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với bia hơi - sản phẩm chủ đạo của DN sản xuất bia địa phương lên 50% được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 tới.
Bia hơi là đồ uống phổ biến của người lao động.

"Việc nâng thuế TTĐB đối với bia hơi đã khiến DN sản xuất bia hết sức hoang mang, vì sẽ không chịu được sức ép tăng thuế", ông Nguyễn Cảnh Hứa, Giám đốc CTCP Habada bày tỏ quan điểm. Theo ông Hứa, ngay cả khi chưa áp mức thuế 50% (năm 2006 và năm 2007 là 30%, năm 2008 trở đi là 40%), năm 2008 nhiều DN sản xuất bia đã rơi vào cảnh lao đao, vì ngoài phải chịu tăng chi phí đầu vào như giá nhân công, vận chuyển, than, còn chịu áp lực tăng giá rất mạnh nguyên liệu chủ yếu để sản xuất bia như malt tăng 300%, hoa houblon tăng hơn 700%, gạo, hoá chất… cũng tăng rất cao.

"Việc nâng thuế TTĐB đối với bia hơi đã khiến các DN vô cùng lo lắng bởi nếu tăng thuế, nhiều DN sẽ không thể tồn tại", Phó tổng giám đốc CTCP Bia Á Châu Lê Văn Huy cho biết. Theo ông Huy, do thời gian bảo quản và sử dụng rất ngắn (chỉ từ 3 đến 5 ngày), độ cồn thấp (khoảng 3 độ, các loại bia khác đều trên 4 độ), nguyên liệu chủ yếu là gạo, không phải nhập khẩu, phục vụ cho người lao động có thu nhập thấp nên mức thuế TTĐB đối với bia hơi hợp lý nhất chỉ là 8%.

Đứng trước viễn cảnh khó khăn do tăng thuế TTĐB, mới đây CTCP Bia và Nước giải khát Việt Hà đã phải gửi công văn khẩn tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh. Theo đại diện Công ty, ngay sau khi tăng thuế TTĐB thêm 10% (từ ngày 1/1/2008), sản lượng của các nhà máy bia 7 tháng đầu năm giảm 20% so với cùng kỳ năm 2007, nếu việc tăng thuế được thực hiện sẽ dẫn tới hàng trăm cơ sở sản xuất bia tại các địa phương bị phá sản, hàng vạn người lao động tại cơ sở sản xuất và dịch vụ tiêu thụ bị mất việc làm; kích thích cơ sở sản xuất bia tư nhân nhỏ lẻ phát triển vì sự khác biệt quá lớn về thuế do các cơ sở này chỉ phải nộp thuế khoán hoặc trốn được thuế; ngân sách nhiều tỉnh sẽ giảm thu đáng kể do các cơ sở sản xuất bia phải đóng cửa, trong khi các cơ sở này đã và đang là đối tượng đóng góp lớn vào ngân sách địa phương. Ngoài ra, nếu việc tăng thuế TTĐB đối với bia hơi được thực hiện sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm do các chủ cửa hàng hoặc đầu nậu giao bia, để tăng lợi nhuận sẽ trộn các loại bia kém chất lượng do tư nhân sản xuất, không bảo đảm chất lượng vào bia chính hãng.

Một trong những lý do khiến Ban soạn thảo Luật thuế TTĐB vẫn bảo lưu quan điểm nâng thuế TTĐB đối với bia hơi từ 40% lên 50% và hạ thuế bia lon, bia chai từ 75% xuống 50% là muốn các DN đẩy mạnh sản xuất bia chai, bia lon, thay vì sản xuất bia hơi (vốn được xem là không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm). Theo ông Phạm Kim Sơn, Tổng giám đốc CTCP Bia và Nước giải khát Việt Hà, điều này khó có thể thực hiện vì các cơ sở sản xuất bia địa phương hiện gặp quá nhiều khó khăn nên không có khả năng huy động vốn đầu tư để nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đóng chai, đóng hộp và cũng không có thương hiệu để có thể tiêu thụ mặt hàng bia lon, bia chai do đại đa số cơ sở sản xuất bia địa phương chỉ sản xuất một loại bia duy nhất là bia hơi, chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. "Việc áp một mức thuế duy nhất đối với mặt hàng bia tưởng là bảo đảm sự bình đẳng giữa các cơ sở sản xuất, nhưng thực chất là tạo nên một môi trường cạnh tranh không bình đẳng, không lành mạnh giữa các DN bia lớn có thương hiệu với các DN bia nhỏ", ông Sơn phân tích.

Lãnh đạo một CTCP bia cho biết, tại Nhật Bản, trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu và tìm kiếm những mặt hàng giá rẻ. Để đáp ứng nhu cầu người dân, năm 1994, "bia rẻ" của Nhật Bản ra đời với tên gọi là happoshu hay nước uống vị bia có tỷ lệ mạch nha thấp (tương tự như bia hơi của Việt Nam) và được hưởng thuế suất TTĐB chỉ bằng 60% so với bia thông thường. Kết quả là, Tổ chức Thương mại thế giới không thể "bắt bẻ" được chính sách "phân biệt về thuế suất" của Nhật Bản, bảo hộ được ngành sản xuất trong nước, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, khuyến khích sử dụng nguyên liệu nội địa và đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân. "Các cơ quan hoạch định chính sách nên coi đây là kinh nghiệm quý báu để đưa ra mức thuế suất hợp lý đối với sản phẩm "happoshu" của Việt Nam ", ông này gợi ý.

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục