Theo quy định tại Nghị định 73/2016/NÐ-CP về thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, doanh nghiệp bảo hiểm muốn thành lập thì phải có chuyên gia tính toán dự phòng (hay chuyên gia định phí).
Trong đó, nhiệm vụ của chuyên gia tính toán được quy định rõ: Có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ và không được đồng thời kiêm nhiệm các chức danh tổng giám đốc (giám đốc), kế toán trưởng.
Cũng theo quy định của Bộ Tài chính, chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán phải là thành viên của Hội Các nhà tính toán bảo hiểm đang là thành viên chính thức của Hội Các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế, hoặc có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và có bằng chứng chứng minh đã thi đạt tối thiểu 2 môn thi của các hiệp hội uy tín, hoặc chứng chứng minh được đã thi đạt các môn thi theo khóa học, chương trình đào tạo chuyên ngành tính toán được các hội trên công nhận tương đương với 2 môn thi của hội; không vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề tính toán bảo hiểm…
Quy định khắt khe về chuyên gia định phí khiến các doanh nghiệp phi nhân thọ gặp nhiều khó khăn trong đào tạo hoặc tuyển dụng cán bộ, nhân viên cho vị trí này.
Thị trường bảo hiểm thiếu chuyên gia định phí trầm trọng dẫn đến các doanh nghiệp buộc phải thuê chuyên gia định phí từ bên ngoài, thậm chí một chuyên gia định phí có thể làm việc cho nhiều doanh nghiệp cùng lúc.
Chẳng hạn, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) trước khi có chuyên gia tính toán chính thức đã phải thuê chuyên gia của Công ty TNHH Tư nhân tư vấn dịch vụ tài chính NMG. Nhiều hãng bảo hiểm phi nhân thọ khác cũng phải thuê ngoài vì chưa kịp chuẩn bị nhân sự định phí theo quy định mới.
Ðể đảm bảo tuân thủ, việc thuê chuyên gia định phí là việc bất đắc dĩ bởi chi phí thuê chuyên gia bên ngoài rất cao, đôi khi vượt quá khả năng tài chính của những doanh nghiệp nhỏ. Mặt khác, hàng năm, các doanh nghiệp sẽ phải đàm phán lại hợp đồng, dẫn đến việc bị ép phí, thậm chí nếu thay đổi chuyên gia định phí thì thủ tục cũng không hề dễ dàng khi phải nộp hồ sơ về Bộ Tài chính chờ xét duyệt.
Bên cạnh đó, việc phụ thuộc quá nhiều vào chuyên gia bên ngoài, trong khi họ không hiểu rõ về doanh nghiệp cũng đem đến những trở ngại lớn. Chính vì thế, theo các doanh nghiệp, tự đào tạo nhân sự định phí là giải pháp khả dĩ nhất để giải quyết bài toán chuyên gia định phí.
Dù gặp không ít khó khăn khi thực hiện quy định mới trong tuyển dụng chuyên gia tính toán dự phòng, nhưng theo các doanh nghiệp phi nhân thọ, việc quy định chặt chẽ đối với chuyên gia định phí là cần thiết bởi trong hoạt động bảo hiểm, những nghiệp vụ như tính toán dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng bồi thường cho các yêu cầu bồi thường chưa được giải quyết… là không khó, nhưng tính toán dự phòng bồi thường cho tổn thất đã phát sinh mà chưa có thông báo lại rất phức tạp, bởi người thực hiện phải đưa ra những con số cụ thể cho những vấn đề không rõ ràng và không chắc chắn xảy ra.
Thực tế, nhiều công ty đã trích lập dự phòng bồi thường thiếu chính xác, ảnh hưởng tới sự an toàn tài chính của doanh nghiệp.
Ðể đáp ứng yêu cầu mới, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh đào tạo và cử cán bộ đi học, sau đó thi lấy các chứng chỉ. Mặc dù tính khả thi còn hạn chế bởi kỳ thi dành cho chuyên gia định phí rất khó khăn, song thị trường cũng đã ghi nhận một số doanh nghiệp phi nhân thọ đào tạo thành công chuyên gia định phí.
Chẳng hạn, vào trung tuần tháng 7/2019, Bộ Tài chính đã có công văn chấp thuận ông Vũ Ðức Thịnh - chuyên gia định phí của PTI đạt các tiêu chuẩn của một chuyên gia tính toán dự phòng theo quy định mới.
Trước đó, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) và Bảo hiểm PVI cũng đã được cơ quan này thông qua hồ sơ về chuyên gia định phí… Ðây được đánh giá là nỗ lực lớn của các doanh nghiệp phi nhân thọ trong bối cảnh nhân sự định phí cung không đủ cầu như hiện nay.