Doanh nghiệp phân phối ô tô xoay xở gỡ thế kẹt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khó khăn của nền kinh tế do đại dịch Covid-19 đang bó kẹt đà tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành ô tô - lĩnh vực vốn nhạy cảm với diễn biến vĩ mô.
Cho khách hàng lái thử nhiều hơn, Haxaco đang kỳ vọng tạo sức bật với dòng sản phẩm mới Cho khách hàng lái thử nhiều hơn, Haxaco đang kỳ vọng tạo sức bật với dòng sản phẩm mới

Biên lợi nhuận rơi sâu

Ngày tháng 9 đẹp trời, nhưng tại một showroom ô tô phân khúc phổ thông trên phố chợ ô tô Nguyễn Văn Linh (Long Biên, Hà Nội), chỉ có hai vị khách ghé thăm. Sau khi hỏi han, tìm hiểu một hồi, họ rời đi.

Gần 9 tháng qua, bão Covid-19 tàn phá nền kinh tế, thu nhập người dân bị ảnh hưởng nặng nề khiến họ phải “thắt lưng buộc bụng”.

Nhu cầu mua sắm ô tô - nhóm hàng xa xỉ – vì thế sụt giảm mạnh. Nhiều người có thể “ngó nghiêng” xe nhưng còn nhiều đắn đo, cân nhắc như hai vị khách trên.

Các doanh nghiệp phân phối ô tô đang bị mắc kẹt trong khó khăn, thách thức hai đầu. Ở “đầu vào”, chính sách phong tỏa biên giới, hạn chế giao thương để phòng ngừa sự lây lan của đại dịch được nhiều quốc gia triển khai đã khiến quy trình thủ tục nhập khẩu một lô xe về Việt Nam kéo dài hơn, khiến giá ô tô nhập khẩu bị đội lên 10 - 12% so với trước.

Còn ở “đầu ra”, trong bối cảnh tiêu thụ chậm hơn, doanh nghiệp muốn đẩy hàng phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giảm giá bán.

Bên cạnh đó, việc VinFast liên tục có chương trình giảm giá lên tới vài trăm triệu đồng/xe cũng khiến các dòng xe cùng phân khúc chịu áp lực giảm giá để cạnh tranh.

Lực mua trên thị trường yếu, cộng thêm việc có một lượng lớn ô tô cũ được bán qua kênh ngân hàng phát mãi khiến việc tiêu thụ xe mới khó khăn hơn. Nhiều xe qua sử dụng một thời gian ngắn, giá chỉ bằng một nửa hoặc bằng 2/3 so với xe mới cùng dòng.

“Nếu như các năm trước, biên lợi nhuận ngành phân phối ô tô vào khoảng 5 - 7% thì năm nay, doanh nghiệp nào đạt được 1-2% là hạnh phúc lắm rồi. Các doanh nghiệp đang cố gắng co kéo để cân đối thu - chi”, ông Đặng Như Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô 999999999 tiết lộ.

Ảnh tác giả

Nếu như các năm trước, biên lợi nhuận ngành phân phối ô tô vào khoảng 5 - 7% thì năm nay, doanh nghiệp nào đạt được 1-2% là hạnh phúc lắm rồi

Ông Đặng Như Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô 999999999

Không giống như nhiều ngành hàng khác có thể chuyển sang kênh bán online trong mùa dịch, doanh nghiệp phân phối ô tô vẫn phải cố gắng duy trì showroom hoành tráng. Bởi lẽ, để xuống tiền mua xe, khách hàng phải tận “mắt thấy, tai nghe” về sản phẩm và được trải nghiệm lái thử...

“Cung vượt quá sức cầu”, ông Phan Dương Cửu Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) đã lý giải ngắn gọn về nguyên nhân hiệu quả kinh doanh của Công ty đi lùi trong nửa đầu năm 2020.

Báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng năm 2020 của Savico ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.252 tỷ đồng, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 24,1 tỷ đồng, giảm 79,1%.

Hệ thống của Savico gồm 28 công ty con, 17 công ty liên kết. Công ty hiện phân phối hầu hết các thương hiệu ô tô tại thị trường Việt Nam như Ford, Toyota, Huyndai, Volvo, VinFast, Mitsubizhi, Isuzu, xe máy Yahama, Suzuki… Cuối tháng 6, tồn kho của Công ty lên tới 1.013 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp của Savico nửa đầu năm nay sụt giảm 79,4% do áp lực giải phóng hàng tồn kho và cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Biên lợi nhuận 6 tháng chỉ đạt 0,38%, giảm mạnh so với mức 1,34% cùng kỳ 2019.

Còn tại Công ty cổ phần City Auto (mã chứng khoán CTF) nửa đầu năm 2020, doanh thu đạt 2.110 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế là 0,7 tỷ đồng, giảm 98,5%. Biên lợi nhuận của City Auto trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 0,036%, cùng kỳ năm ngoái là 1,65%.

Mới đây, VinFast công bố con số lỗ lên tới 6.591 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup cho hay sẽ chấp nhận bù lỗ 3 - 5 năm và kỳ vọng sau 3 năm VinFast sẽ có thị phần tốt ở Việt Nam.

Xoay xở gỡ thế kẹt

Giữa tháng 8, Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco) đã gây chú ý trên thị trường xe ô tô với việc mở rộng danh mục sản phẩm phân phối.

Cụ thể, công ty con của Haxaco là Công ty cổ phần Sản xuất thương mại và dịch vụ ô tô PTM sẽ đồng hành cùng Tập đoàn Tan Chong (Malaysia) - doanh nghiệp từng thành công trong việc phân phối xe Nissan tại Việt Nam - trong phân phối xe MG.

Đây là xe thương hiệu Anh, do Tập đoàn Ô tô Thượng Hải (Trung Quốc) sở hữu.

Hiện PTM đã mở hai đại lý tại Hà Nội, TP.HCM và tiến tới mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Hai đại lý đầu tiên của MG đặt tại phố Nguyễn Văn Linh (Long Biên, Hà Nội) và Kinh Dương Vương (quận 6, TP.HCM) - hai phố ô tô sầm uất, thích hợp cho việc chào dòng sản phẩm mới đến với thị trường.

Tại Thái Lan, MG đã chiếm lĩnh thị phần lớn nhờ lợi thế công nghệ hiện đại, mức giá cạnh tranh, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ ưa thích.

Để xóa tan những hoài nghi về một dòng xe mới, các đại lý phân phối xe MG đang cho khách hàng chạy thử nhiều hơn, cung cấp các giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn EU để họ có niềm tin vào chất lượng sản phẩm cùng việc cung cấp chế độ bảo hành 5 năm không giới hạn số ki-lô-mét. Nói như đại diện của MG Long Biên thì “hầu như chưa có hãng xe nào làm được điều này”.

Hiện tại, xe MG phân phối tại Việt Nam là MG HS và MG ZS nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng từ tháng 10/2020 sẽ được nhập về từ Thái Lan và dự kiến đến năm 2021 sẽ được lắp ráp tại nhà máy ở Đà Nẵng.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Haxaco kỳ vọng, việc mở rộng danh mục phân phối sản phẩm cùng với việc được hưởng lợi từ chính sách cắt giảm 50% lệ phí trước bạ và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết 2020 và nhà máy Mercedes-Benz giảm trực tiếp giá một số mẫu xe từ 1/7 sẽ giúp Công ty về đích lợi nhuận năm nay.

Nếu như Haxaco phân phối thêm ô tô MG thì Savico đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Trong cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm 2020, mảng bất động sản cho thuê của Savico ghi nhận 75,4 tỷ đồng doanh thu. Savico đang góp vốn vào một số dự án như Bình An, Long Hòa, Melisa, Lê Minh Xuân. Báo cáo tài chính bán niên 2020 của SVC ghi nhận tổng số tiền đầu tư vào bất động sản lên tới 921 tỷ đồng.

Thị trường ô tô cuối năm chưa có tín hiệu khởi sắc, nhận định được đưa ra từ một lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành.

Các doanh nghiệp phân phối cả thương hiệu cũ và mới đều tung ra nhiều chương trình kích cầu lớn.

Trong tháng 9, VinFast tiếp tục triển khai chương trình khuyến mại, tặng các voucher tri ân có trị giá 80 triệu đồng để mua xe Lux A2.0 và 120 triệu đồng để mua Lux SA2.0 cho các khách hàng đã sở hữu xe của hãng…

Trong cuộc đua “cắt máu” để giảm áp lực hàng tồn kho, như thú nhận của vị lãnh đạo doanh nghiệp trên, “các doanh nghiệp không bị lỗ đã là mừng”.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục