Tăng trưởng dù mùa thấp điểm
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho biết, 7 tháng đầu năm, toàn thị trường ô tô tiêu thụ đạt 232.094 xe, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 7, doanh số ô tô đạt 30.254 xe, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 8, theo ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã HAX), thị trường ô tô bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Ngoài lý do người dân thường có tâm lý ngại mua ô tô trong “tháng ngâu” (tháng 7 Âm lịch) thì theo Chủ tịch Haxaco, còn do ảnh hưởng của việc các ngân hàng thương mại đã sớm cạn room, trong khi Ngân hàng Nhà nước chưa cấp mới khiến khách hàng không vay được tiền để mua xe.
“Chúng tôi có đến 70% khách hàng mua xe trả góp nên câu chuyện ngân hàng chưa mở room tín dụng ảnh hưởng nhiều đến việc đẩy mạnh doanh số xe”, ông Dũng nói.
Người tiêu dùng và doanh nghiệp đều đang ngóng chờ chính sách nới room tín dụng, để thực hiện các kế hoạch mua sắm, đầu tư sản xuất - kinh doanh.
Nếu cuối tháng 8, đầu tháng 9, room tín dụng được thông qua sẽ là động lực tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp, trong đó có ngành phân phối ô tô.
“Nếu cuối tháng 8, đầu tháng 9, room tín dụng được thông qua sẽ là động lực tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp, trong đó có ngành phân phối ô tô. Chúng tôi đang phấn đấu mục tiêu doanh thu quý III duy trì như quý I, quý II”, Chủ tịch Haxaco chia sẻ.
Quý I và quý II, Haxaco ghi nhận lợi nhuận sau thuế lần lượt là 59 tỷ đồng và 80 tỷ đồng. Nếu giữ được đà này, Haxaco có thể cán đích sớm kế hoạch kinh doanh cả năm.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra góc nhìn khá lạc quan về triển vọng của thị trường ô tô trong quý III/2022 khi cho rằng triển vọng tiêu thụ trong quý III sẽ tăng mạnh mẽ, bất chấp đây là mùa thấp điểm tiêu thụ xe. BVSC kỳ vọng doanh số của ngành ô tô sẽ duy trì ổn định trong những tháng còn lại của quý III trước khi bước vào mùa cao điểm quý IV.
Thực tế, quý III năm ngoái là giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên cả nước, các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch được triển khai trên nhiều tỉnh, thành phố, khiến hoạt động của các doanh nghiệp phân phối ô tô ở nhiều khu vực đóng băng. Trên nền so sánh rất thấp như vậy, các doanh nghiệp cho biết, kết quả kinh doanh quý III năm nay đều có tăng trưởng.
Theo BVSC, trong quý III, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã VEA), Haxaco đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ được hỗ trợ bởi cả nhu cầu vững chắc và nền quý III/2021 rất thấp. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp này cũng rất tích cực, phần lớn được thúc đẩy bởi việc mở rộng biên lợi nhuận.
“Biên lợi nhuận của nhà phân phối (như Haxaco) khả năng tiếp tục duy trì ở mức cao, thúc đẩy bởi khả năng thương thảo gia tăng, bù đắp nhiều hơn việc gia tăng chiết khấu để kích cầu trong ngắn hạn vào các tháng thấp điểm. Gia tăng bàn giao cũng chắc chắn thúc đẩy lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô”, BVSC đánh giá.
Trong khi đó, tại VEAM, mảng xe máy đã phục hồi, mảng ô tô còn nhiều triển vọng khi thu nhập của người dân Việt Nam đang tăng nhanh và tỷ lệ sở hữu ô tô còn rất thấp so với khu vực và thế giới.
Công ty Chứng khoán Agribank đánh giá tình trạng thiếu linh kiện được cải thiện từ quý III/2022 sẽ giúp cho VEAM tăng được doanh số bán hàng ở các mẫu xe chủ lực. Đặc biệt, với một mức nền thấp của quý III/2021 (lợi nhuận sau thuế của VEAM sụt giảm 50%), kỳ vọng sẽ có tăng trưởng đột biến.
Bên cạnh đó, VEAM có cơ cấu tài chính mạnh, tỷ suất cổ tức cao, sở hữu lượng tiền mặt dồi dào với hơn 14.500 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có thể tăng cao, việc sở hữu tiền mặt lớn giúp Tổng công ty giảm áp lực chi phí tài chính.
BVSC dự phóng lợi nhuận ròng quý III/2022 của VEAM tăng 116,7% so với cùng kỳ, trong khi Haxaco có thể ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 85,3 tỷ đồng (năm ngoái lỗ 33 tỷ đồng).
Triển vọng lạc quan trong quý IV
Theo số liệu của Fiintrade, lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán (với các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II) tăng gần 30% so với cùng kỳ. Tăng trưởng GDP quý III được dự kiến đạt trên 7% khi so sánh với nền thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021.
Lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng, quý IV năm nay, doanh nghiệp phân phối ô tô sẽ tất bật hơn nhờ thu nhập của người dân ngày càng tăng, nhu cầu mua xe cao.
Giới phân tích đánh giá VEAM sở hữu nhiều lợi thế tăng trưởng với triển vọng phục hồi mạnh mẽ và sở hữu nhiều tiền mặt, chi trả cổ tức hấp dẫn. Haxaco được đánh giá có vị trí dẫn đầu trên thị trường ô tô phân khúc cao cấp. Mercedes-Benz đang phát triển với thế mạnh là hàng cao cấp duy nhất lắp ráp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Haxaco đang hưởng lợi từ sự mất cân bằng cung - cầu đang diễn ra. Showroom Mercedes-Benz Haxaco Cần Thơ đi vào hoạt động từ 24/7/2022 sẽ đóng góp vào doanh thu, lợi nhuận cho Công ty từ quý III năm nay.
Tại Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Sài Gòn (Savico, mã SVC), kết quả kinh doanh quý II vừa qua khá tích cực với lợi nhuận sau thuế cao gấp 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 162 tỷ đồng. Sở hữu mạng lưới showroom lớn từ Bắc vào Nam và phân phối nhiều loại xe, Savico được đánh giá sẽ còn rộng đà tăng trưởng. Hiện Công ty đang nắm giữ 11,2% thị phần ô tô Việt Nam (theo số liệu VAMA). Tuy nhiên, Savico đang tái cấu trúc, có thể sắp về chủ mới.
Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Tasco (mã HUT) đã thông qua kế hoạch thâu tóm Savico thông qua SVC Holdings. SVC Holdings hiện đang là cổ đông lớn nhất của Savico khi nắm giữ 53,5% cổ phần. Tasco dự kiến phát hành 543,8 triệu cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phần của 21 cổ đông SVC Holdings với tỷ lệ 1:1. Tổng giá trị phát hành 5.438 tỷ đồng, Tasco sẽ nắm 100% cổ phần SVC Holdings.
Về tổng quan ngành ô tô, SSI Research cho rằng, ngành ô tô khác nhạy cảm với việc tăng giá các nguyên vật liệu thô liên quan như thép, nhựa dẻo, xăng dầu, thậm chí cả lãi suất cho vay tiêu dùng.
Nhóm doanh nghiệp sản xuất ô tô sẽ gặp khó khăn nếu muốn tăng giá bán để bù đắp những chi phí đầu vào gia tăng bởi yếu tố cạnh tranh khốc liệt của ngành. Tuy nhiên, giá các loại nguyên vật liệu kể trên đã có dấu hiệu đạt đỉnh trong năm 2022 và đang suy yếu dần, qua đó tạo đà để ngành ô tô có thể nhanh chóng tăng trưởng trở lại vào năm 2023.
Với nhóm doanh nghiệp phân phối ô tô, chuyên gia phân tích của SSI cho rằng, khi doanh nghiệp sản xuất ô tô có đà tăng trưởng, nguồn cung tốt sẽ tạo động lực cho nhóm này.