Doanh nghiệp ô tô niêm yết kỳ vọng cú huých giảm lệ phí trước bạ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp phân phối ô tô đã trải qua 5 tháng đầu năm 2023 khó khăn khi doanh số sụt giảm, kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại trong nửa cuối năm nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Lãi suất cho vay nếu giảm thêm sẽ hỗ trợ nhu cầu về ô tô Lãi suất cho vay nếu giảm thêm sẽ hỗ trợ nhu cầu về ô tô

Doanh số lao dốc ngóng động lực kích cầu

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, toàn thị trường bán được 100.733 xe, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xe ô tô du lịch giảm 41%, xe thương mại giảm 12%, xe chuyên dụng giảm 63%.

Tính đến hết tháng 5/2023, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 43%, xe nhập khẩu giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bối cảnh kinh tế trong nước khó khăn cùng với việc lãi suất ngân hàng cao khiến nhu cầu mua xe sụt giảm. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng và thị trường chứng khoán ít có các nhịp tăng mà chủ yếu đi ngang cũng gián tiếp tác động đến sức cầu tiêu dùng ô tô.

Ngày 7/6/2023, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Công văn nêu rõ, xét đề xuất của Bộ Tài chính về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm 50% mức thu, áp dụng kể từ ngày 1/7/2023 đến hết năm 2023.

Thông tin trên được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô đón đợi như cơn mưa rào trong những ngày nắng hạn, thị trường ô tô trong nước kỳ vọng sẽ sớm khởi sắc trở lại.

Trước đó, trong giai đoạn ngành ô tô bị ảnh hưởng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ đã có hai lần đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước. Lần thứ nhất từ 28/6/2020 đến 31/12/2020 và lần thứ hai từ 1/12/2021 đến 31/5/2022.

Thống kê của VAMA cho thấy, sau khi áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, doanh số ô tô lắp ráp trong nước tăng mạnh so với xe ô tô nhập khẩu. Tính riêng doanh số ô tô lắp ráp trong nước, mức tăng trung bình đạt 30 - 60% so với các tháng không áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ.

Các doanh nghiệp phân phối ô tô kỳ vọng, chính sách giảm lệ phí trước bạ trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tạo ra động lực lớn, kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Không còn yếu tố “lò xo nén”

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng dự thảo nghị định về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023.

Nhìn lại bức tranh kinh doanh của ngành ô tô trong quý đầu năm 2023, hầu hết doanh nghiệp ngành này ghi nhận tình trạng lao dốc về doanh số và lợi nhuận.

Tại Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX), báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 cho thấy, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 5,6 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ.

Tương tự, Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã chứng khoán SVC) đạt 14,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2023, giảm 85% so với cùng kỳ.

Với Công ty cổ phần City Auto (mã chứng khoán CTF), lợi nhuận quý đầu năm nay là 11 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo Savico và City Auto cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, nguồn cung ô tô dồi dào nhưng sức mua chậm khiến hàng tồn kho tăng mạnh. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng thắt chặt cùng lãi suất tăng cao dẫn đến chi phí lãi vay của doanh nghiệp tăng cao. Với chính sách giảm lệ phí trước bạ, các doanh nghiệp kỳ vọng, bức tranh kinh doanh trong nửa cuối năm nay sẽ được cải thiện.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Haxaco nhận định, nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng vào sự đảo chiều hay đột phá mạnh mẽ, bởi tình hình kinh tế hiện tại khác với thời điểm hai lần giảm 50% lệ phí trước bạ trước đây. Sức cầu tiêu dùng năm nay kém hơn nhiều. Hai năm trước, nhu cầu người dân cao, khi có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, nhu cầu ấy như lò xo nén bung ra, giúp doanh số tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng mạnh.

Mặc dù vậy, tín hiệu tích cực từ chính sách sẽ trở thành động lực quan trọng để doanh nghiệp ngành ô tô thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Năm nay, Haxaco đặt kế hoạch công ty mẹ đạt lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức thực hiện năm ngoái. Trong khi đó, City Auto đặt kế hoạch đạt doanh thu 8.988 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 136,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 42,5% và tăng 16,24%; Savico đặt mục tiêu đạt 438 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 25,2%, dù mục tiêu doanh thu là hơn 29.672 tỷ đồng, tăng 39%.

Với Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã chứng khoán VEA), kế hoạch năm 2023 là đạt doanh thu bán hàng 1.187 tỷ đồng, doanh thu tài chính 6.579 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.694 tỷ đồng. Lợi nhuận của VEAM chủ yếu được đóng góp từ các công ty liên kết là Toyota, Honda và Ford.

Đánh giá tác động giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô lần thứ ba, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, sau khi chính thức được thông qua, chính sách này sẽ tác động tích cực đến doanh số ô tô lắp ráp trong nước. Yuanta Việt Nam kỳ vọng, lãi suất đến quý III/2023 có thể giảm đáng kể khi ngân hàng trung ương các nước nhiều khả năng dừng tăng lãi suất, qua đó hỗ trợ kích cầu ô tô đối với các khách hàng vay mua xe.

Theo thống kê của Tổ chức Các nhà sản xuất ô tô quốc tế (OICA), tốc độ tăng trưởng trung bình doanh số bán ô tô của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đạt 7,5%/năm, thuộc hàng cao nhất châu Á (chỉ thấp hơn Ả rập Xê út, tăng 8,8%/năm), trong khi nhiều nước có mức tăng trưởng âm như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Pakistan…

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục