Doanh nghiệp "núp bóng" vay tiền bằng hợp đồng thuê mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 26/11, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm rút kinh nghiệm vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản bằng hình thức trực tuyến với 30 điểm cầu của TAND hai cấp và Viện kiểm sát của TP Hà Nội.
Quang cảnh phiên tòa. Quang cảnh phiên tòa.

Nguyên đơn là ông Phan Quốc Hoàng (SN 1984), bị đơn là CTCP Thương mại dịch vụ tổng hợp Hai Bà Trưng. Phiên tòa được mở do bị đơn kháng cáo.

Theo nội dung vụ việc, do có quan hệ làm ăn, từ năm 2013, ông Hoàng cho Công ty Hai Bà Trưng vay tổng số tiền 46,1 tỷ đồng.

Để đảm bảo cho việc trả nợ, trước khi cho vay, hai bên đã ký hợp đồng thuê mặt bằng. Theo đó, vào ngày 8/3/2013, Công ty Hai Bà Trưng cho ông Hoàng thuê toàn bộ tầng 12, diện tích 730 m2 thuộc Tòa nhà Trung tâm thương mại văn phòng CDC, số 25-27 Lê Đại Hành, với thời hạn 43 năm, giá thuê 21,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do hợp đồng ký với mục đích để đảm bảo cho việc thanh toán nợ nên trên thực tế, hai bên không bàn giao tài sản.

Cùng ngày 8/3/2013, hai bên tiếp tục ký hợp đồng vay tiền có điều kiện. Ông Hoàng cho Công ty Hai Bà Trưng vay 24,8 tỷ đồng, thời hạn 3 tháng.

Để đảm bảo khoản vay trên, Công ty Hai Bà Trưng ký hợp đồng cho anh Hoàng thuê 2 tầng và 7 phòng tại Tòa nhà Trung tâm thương mại khách sạn và căn hộ cho thuê tại số 301 Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội và hợp đồng hợp tác, hợp đồng ủy quyền. Theo đó, ông Hoàng góp tài sản trên để cùng khai thác, kinh doanh chung với Công ty Hai Bà Trưng trong tòa nhà. Tuy nhiên, Công ty Hai Bà Trưng không bàn giao tài sản.

Thực chất, đây là các hợp đồng "núp bóng" việc cho vay tiền.

Tính đến năm 2020, Công ty Hai Bà Trưng mới thanh toán 16 tỷ đồng; còn nợ 47,8 tỷ đồng (gồm nợ gốc và lãi chậm trả).

Do Công ty Hai Bà Trưng không trả nợ, anh Hoàng khởi kiện ra tòa án, buộc Công ty thanh toán số tiền trên.

Quá trình tố tụng, Công ty Hai Bà Trưng trình bày, để có vốn hoàn thiện tòa nhà 287-301 Đội Cấn, Công ty huy động vốn từ nhiều nguồn, trong đó có việc vay vốn ông Hoàng. Đến năm 2013, Công ty gặp khó khăn trong kinh doanh nên không có tiền trả nợ vay.

Đầu năm 2021, TAND quận Hai Bà Trưng chấp nhận đơn khởi kiện của ông Hoàng, buộc Công ty Hai Bà Trưng phải thanh toán nợ gốc và lãi chậm trả là 47,8 tỷ đồng.

Sau phiên tòa trên, Công ty Hai Bà Trưng kháng cáo, đề nghị phải áp dụng thời hiệu, cho rằng nguyên đơn hết thời hiệu khởi kiện.

Về việc áp dụng thời hiệu, tòa phúc thẩm cho rằng, theo các hợp đồng ký kết giữa hai bên, xác định đến ngày 19/6/2013 Công ty Hai Bà Trưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán. Quá trình tố tụng, Công ty Hai Bà Trưng xuất trình chứng cứ thể hiện trả gốc vay nhưng không nói thanh toán cho khoản vay nào. Công ty xác nhận thanh toán tiền cho bà Hường (người được ông Hoàng ủy quyền).

Tại biên bản phiên họp chứng cứ năm 2020 và tại tòa sơ thẩm thể hiện, năm 2019 Công ty Hai Bà Trưng tiếp tục trả nợ cho ông Hoàng. Điều này thể hiện Công ty Hai Bà Trưng nhận nghĩa vụ thanh toán, thuộc trường hợp tính lại thời hiệu. Do đó, tòa không chấp nhận đơn kháng cáo của Công ty Hai Bà Trưng.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục